Quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020: Sớm nghiên cứu ban hành đơn giá thu gom vật tư thu hồi từ bảo trì hạ tầng đường sắt

(BKTO) - Qua kiểm toán chuyên đề Việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCTĐS), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong công tác xử lý vật tư thu hồi tài sản từ hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS). Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị làm rõ việc chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra trong thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.



KTNN chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong công tác xử lý vật tư thu hồi tài sản từ hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Ảnh sưu tầm

Vướng mắc trong thanh toán chi phí thu gom vật tư thu hồi

KTNN chỉ rõ, theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2020, số lượng vật tư thu hồi từ bảo trì KCHTĐS có thể sử dụng lại chiếm 8,7%. Tuy nhiên, TCTĐS chưa xây dựng phương án sử dụng cụ thể đối với vật tư thu hồi có thể sử dụng lại từ hoạt động bảo trì KCHTĐS để trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét, phê duyệt.

Một số vật tư thu hồi từ dự án thay tà vẹt bê tông K1, K2 đã được đưa vào sử dụng cho công tác bảo trì thường xuyên với số tiền hơn 47,7 tỷ đồng. Bộ GTVT có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét ghi thu ghi chi giá trị vật tư thu hồi sử dụng lại của Dự án K1, K2 theo quy định. Theo đó, đối với vật tư giữ lại để sử dụng lại, TCTĐS có trách nhiệm quản lý, bảo quản. Khi xuất dùng vào công tác bảo trì KCHTĐS, TCTĐS báo cáo Bộ GTVT để đề nghị Bộ Tài chính thực hiện ghi thu, ghi chi theo quy định.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, chi phí thu gom vật tư thu hồi từ bảo trì KCHTĐS quốc gia năm 2018 và 2020 của TCTĐS đến nay chưa được Bộ GTVT phê duyệt dự toán làm cơ sở thanh toán. Trong đó, chi phí năm 2018, 2019 là 12,5 tỷ đồng được Bộ GTVT thống nhất áp dụng đơn giá chi phí thu gom, bảo quản theo Văn bản số 1759/ĐS-KHĐT ngày 10/8/2009 và ủy quyền cho TCTĐS phê duyệt, chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có ý kiến: “Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ không quy định việc Bộ GTVT giao (ủy quyền) cho các cơ quan được giao quản lý tài sản phê duyệt dự toán đối với các khoản chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản”. Do đó, hồ sơ chưa đủ thủ tục để được thanh toán.

Năm 2020, chi phí thu gom vật tư thu hồi là hơn 6,5 tỷ đồng, TCTĐS tiếp tục có văn bản đề nghị phê duyệt dự toán nhưng đến nay chưa có văn bản trả lời.

KTNN đề nghị Bộ GTVT rút kinh nghiệm trong việc ủy quyền cho TCTĐS phê duyệt và chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động chi phí thu gom vật tư thu hồi không có quy định. Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu ban hành đơn giá thu gom bảo quản vật tư thu hồi từ bảo trì KCHTĐS quốc gia để thay thế Văn bản số 1759/ĐS-KHĐT ngày 10/8/2009 làm cơ sở phê duyệt dự toán năm 2020 và các năm tiếp theo, theo quy định tại Nghị định số 46/2018/NĐ-CP. Đồng thời xem xét, có ý kiến giải quyết đối với đơn giá chi phí thu gom vật tư thu hồi năm 2018, 2019 trong thời gian chưa ban hành định mức mới để kịp thời thanh toán cho đơn vị và người lao động.

Chưa đạt mục tiêu Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt

Theo Báo cáo kiểm toán, triển khai Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 3067/QĐ-BGTVT. Theo đó, TCTĐS đã xây dựng “Đề án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Kế hoạch triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Bộ GTVT và TCTĐS không xây dựng phương án chi tiết về các nội dung và kinh phí thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt mà xây dựng phương án tổng thể. Căn cứ vào Đề án và Kế hoạch triển khai thực hiện, hằng năm, TCTĐS xây dựng kế hoạch chi tiết trình Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam phê duyệt và cấp dự toán thực hiện.

Theo báo cáo và qua kiểm toán việc thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt cho thấy, TCTĐS chủ yếu thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang. Tổng kinh phí được giao 1.025 tỷ đồng, thực hiện hơn 891,6 tỷ đồng, đạt 87%. Trong đó, có 32/291 đường ngang được điều chỉnh thực hiện từ nguồn vốn của địa phương hoặc được thay thế bằng các dự án khác. Trong quá trình thực hiện có một số nội dung chưa được triển khai hoặc triển khai nhưng chưa được bố trí đủ vốn để hoàn thành theo tiến độ yêu cầu của Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, TCTĐS lập kế hoạch, dự toán nhưng không được bố trí kinh phí đền bù, giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt (bước 1 và bước 2) và kinh phí cho công tác cắm mốc giới hạn hành lang an toàn đường sắt trên tất cả các tuyến và bàn giao cho các địa phương quản lý.

Trong khi đó, một số nội dung đã được bố trí kinh phí thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đang thực hiện dở dang nhưng phải dừng thực hiện theo chính sách đầu tư công, đến nay không được bố trí kinh phí tiếp tục thực hiện. Điển hình như công trình xây dựng hệ thống đường gom và hàng rào cách ly, theo Kế hoạch giai đoạn 2014-2017 hoàn thành 392km đường gom, hàng rào; giai đoạn 2018-2020 xây dựng 371km hàng rào bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt. Kết quả thực hiện đến năm 2017 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 4,7km đường gom và hàng rào cách ly, chỉ đạt 1% so với kế hoạch…

Về việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang, tính đến ngày 30/9/2021 đã hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo và đưa vào sử dụng 370/452 đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác. Còn lại 82 đường ngang trong năm 2020 được bố trí 220 tỷ đồng song không kịp triển khai thực hiện hoàn thành trong năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện kéo dài trong giai đoạn 2021-2023.

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân và rút kinh nghiệm trong việc chưa hoàn thành đầy đủ nội dung, mục tiêu Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt giai đoạn 2014-2020./.
         
KTNN chỉ rõ, chi phí công tác thu gom vật tư thu hồi từ bảo trì KCHTĐS đang áp dụng theo Văn bản số 1759/ĐS-KHĐT. Tuy nhiên, đơn giá trên ban hành thời điểm tính theo mức lương tối thiểu chung là 650.000 đồng/tháng đến nay đã hết hiệu lực. Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng từ 3.070.000 đồng/tháng đến 4.420.000 đồng/tháng. Vì vậy, định mức chi phí thu gom vật tư thu hồi từ bảo trì KCHTĐS đã quá lạc hậu và cần sớm được ban hành thay thế.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020: Sớm nghiên cứu ban hành đơn giá thu gom vật tư thu hồi từ bảo trì hạ tầng đường sắt