Kiểm toán trách nhiệm kinh tế - kinh nghiệm từ Kiểm toán nhà nước Trung Quốc

(BKTO) - Kiểm toán trách nhiệm kinh tế (TNKT) phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường giám sát, kiểm soát quá trình vận hành quyền lực, thúc đẩy xử lý, phòng chống tham nhũng và hoàn thiện quản lý nhà nước.

8.-anh-minh-hoa.-nguon-internet.jpg
Các cuộc kiểm toán TNKT của CNAO được xem là cống hiến to lớn đối với kiểm toán quốc tế. Ảnh minh họa

Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán và công bố thông tin là bắt buộc

Các cuộc kiểm toán TNKT của cơ quan Kiểm toán nhà nước Trung Quốc (CNAO) là một điểm đặc biệt, được xem là cống hiến to lớn của CNAO đối với kiểm toán quốc tế. Đây là hoạt động nhằm giám sát, đánh giá, thẩm định tình hình thực hiện TNKT của các lãnh đạo từ cấp xã, phường, tỉnh, các Bộ và người phụ trách doanh nghiệp cổ phần quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước.

Mục tiêu quan trọng nhất của kiểm toán TNKT không phải là phát hiện ra các vụ việc mà xây dựng, cùng nhau giúp đất nước phát triển tốt hơn. Kiểm toán TNKT giải quyết toàn diện các vấn đề về con người, thể chế, quy định, quy trình…

Vụ trưởng Vụ Kiểm toán trách nhiệm kinh tế, KTNN Trung Quốc Cui Zhenlong

Quy trình triển khai và thực hiện kết luận kiểm toán TNKT của CNAO gồm các giai đoạn tương đương với các cuộc kiểm toán khác: Thành lập đoàn kiểm toán; Thông báo quyết định kiểm toán cho cán bộ quản lý và đơn vị được kiểm toán hoặc đơn vị trước đây công tác, cơ quan kiểm tra kỷ luật, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan; Tổ chức họp với thành viên là đoàn kiểm toán, cán bộ quản lý được kiểm toán, nhân sự liên quan của đơn vị được kiểm toán, thành viên của Ban “hội nghị liên tịch”.

Khi triển khai kiểm toán, đoàn kiểm toán phỏng vấn thu thập thông tin; kiểm toán tại đơn vị; dự thảo báo cáo kiểm toán, bao gồm: Đánh giá tổng thể việc thực hiện trách nhiệm kinh tế của lãnh đạo thời gian công tác, thành tích chính, các vấn đề chính được phát hiện và xác định trách nhiệm, kiến nghị kiểm toán; gửi báo cáo lấy ý kiến; thông báo kết quả kiểm toán đến đơn vị kiểm toán, cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, cơ quan kiểm tra kỷ luật và các đơn vị thành viên khác trong Ban “hội nghị liên tịch”.

Việc thực hiện kết luận kiểm toán là nội dung quan trọng và là khâu then chốt trong công tác kiểm toán TNKT, liên quan trực tiếp đến việc phát huy tác dụng của kiểm toán TNKT và đạt được mục tiêu kiểm toán. Chủ thể thực hiện kết luận kiểm toán bao gồm: Các cấp ủy đảng chính quyền, CNAO, các đơn vị thành viên khác trong Ban “hội nghị liên tịch”, cơ quan quản lý liên quan, lãnh đạo quản lý được kiểm toán và đơn vị được kiểm toán. CNAO phân chia việc thực hiện kiến nghị kiểm toán thành các mục: Thực hiện toàn diện, thực hiện một phần và cũng có một số nội dung không thể thực hiện. Việc thực hiện kết luận kiểm toán cũng được xác định theo các mốc thời gian: Thực hiện ngay lập tức, thực hiện theo từng giai đoạn và thực hiện liên tục.

Trách nhiệm thực hiện kết luận kiểm toán là lãnh đạo quản lý được kiểm toán và đơn vị được kiểm toán. Trách nhiệm giám sát và quản lý thuộc về cơ quan quản lý. Còn trách nhiệm kiểm tra, giám sát là cơ quan kiểm toán. Tất cả các nội dung trên đều được quy định rõ trong Luật Kiểm toán của CNAO và các luật liên quan khác. CNAO có trách nhiệm báo cáo với Hội đồng nhân dân, Quốc vụ việc về việc thực hiện kiến nghị kiểm toán và công bố thông tin cho nhân dân biết thông qua một báo cáo tổng thể được phát trên Đài truyền hình quốc gia vào tháng 12 hằng năm.

Vượt qua rào cản bằng các quy định rõ ràng

Theo ông Cui ZhenLong - Vụ Trưởng Vụ Kiểm toán TNKT (CNAO), trong giai đoạn khởi đầu, việc triển khai kiểm toán TNKT gặp không ít khó khăn. Đầu tiên chính là mức độ chấp nhận của đối tượng được kiểm toán. Nếu các cán bộ lãnh đạo có ý thức tự giác, chấp nhận sự giám sát của nhân dân thì công việc này được triển khai hiệu quả.

Điểm thứ hai là phải củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, như vậy đối tượng được kiểm toán và cơ quan kiểm toán sẽ cùng nhau nỗ lực, sắp xếp công việc từ tổng thể đến chi tiết, giúp cuộc kiểm toán triển khai hiệu quả.

Điểm thứ ba là phải xây dựng hệ thống quy định rõ ràng. Cuối cùng là năng lực của cơ quan kiểm toán phải theo kịp với thực tiễn, chỉ khi kiểm toán có đủ năng lực, công nghệ, phương pháp thì mới có thể đáp ứng nhu cầu của công việc kiểm toán. Đặc biệt, sau khi kiểm toán, những kết luận, kiến nghị kiểm toán TNKT có được sử dụng tốt hay không phụ thuộc vào cách mà Đảng và Chính phủ sử dụng thông qua các hành động giám sát và quản lý cán bộ, kiểm tra, kỷ luật, truy cứu trách nhiệm...

Kiểm toán TNKT đặt trọng tâm vào hai nội dung: Quyền lực và con người. Không có công thức chung cho tất cả các cuộc kiểm toán nhưng CNAO đào sâu vào các mối quan hệ, hướng đi của dòng tiền, truy xuất nguồn gốc.

Về địa vị pháp lý và quyền hạn của CNAO, kế hoạch kiểm toán TNKT được xây dựng độc lập, có sự tham gia ý kiến của Ủy ban kiểm tra, Quốc vụ viện và khối Đảng. CNAO dựa vào nguồn lực hiện có để lên kế hoạch chi tiết cho hơn 30 đơn vị trưc thuộc tại các địa phương và tiến hành kiểm toán. Đội ngũ kiểm toán viên thực hiện kiểm toán TNKT là những người có nhiều kinh nghiệm và có chức vụ tại CNAO. Cơ quan kiểm toán trực thuộc tại các địa phương tiến hành kiểm toán TNKT các lãnh đạo cấp xã, phường; cơ quan kiểm toán trung ương kiểm toán bí thư, chủ tịch tỉnh; Văn phòng đặc phái viên - cấp cao nhất của CNAO kiểm toán lãnh đạo cấp bộ và doanh nghiệp.

Thực tế, việc kiểm toán lãnh đạo cấp bộ đơn giản hơn vì mỗi bộ có nhiệm vụ riêng, phân định trách nhiệm rõ ràng, ngân sách cấp cho các bộ hằng năm cũng rõ ràng nên kiểm toán nhanh hơn. Trong khi đó, bí thư, chủ tịch tỉnh có phạm vi, quyền hạn quản lý rộng, nguồn lực ngân sách cũng phức tạp hơn. Thêm vào đó, mỗi địa phương có chính sách phát triển riêng, đây cũng là nội dung chính mà đoàn kiểm toán phải xác định để điều tiết thành viên đoàn kiểm toán phù hợp (có tỉnh phát triển kinh tế số, xuất nhập khẩu, điện tử, có tỉnh phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp…). Khó khăn lớn nhất là đoàn kiểm toán là phải xác định được trọng tâm kiểm toán đối với từng tỉnh.

Liên quan đến kiến nghị kiểm toán và việc thực hiện kiến nghị, ông Shi Huizhong - Trưởng phòng Kiểm toán doanh nghiệp, Cơ quan CNAO tại Trùng Khánh - chia sẻ, báo cáo kiểm toán ghi rõ trách nhiệm của đối tượng được kiểm toán, kiến nghị về tài chính và chấn chỉnh để cải thiện các quy định. Trong trường hợp nhất định, kiến nghị kiểm toán được gửi đến Vụ Tổ chức cán bộ, đơn vị phụ trách phòng, chống tham nhũng, cơ quan tư pháp, hành pháp để điều tra khi cần. Báo cáo kiểm toán có phụ lục rõ ràng về danh mục các kiến nghị phải được thực hiện bắt buộc, cán bộ và đơn vị được kiểm toán phải hoàn thành tất cả nội dung trong phụ lục đó.

Trung Quốc có quy định, nguyên tắc chi tiết về quy chuẩn phân định trách nhiệm của lãnh đạo; tuy nhiên, qua kiểm toán, CNAO đã phát hiện nhiều vấn đề ngoại lệ, cá biệt; do đó, ngoài nhiệm vụ kiểm toán, CNAO còn có nhiệm vụ hoàn thiện các quy định này. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính của Vụ Kiểm toán TNKT./.

Cùng chuyên mục
Kiểm toán trách nhiệm kinh tế - kinh nghiệm từ Kiểm toán nhà nước Trung Quốc