Từ Hướng dẫn của INTOSAI…
Theo nghiên cứu của ThS. Nguyễn Việt Hùng và ThS. Nguyễn Như Quỳnh (Vụ Hợp tác quốc tế), Kế hoạch chiến lược của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) giai đoạn 2017-2022 đã xác định SDG là một trong các ưu tiên chung của INTOSAI. Triển khai thực hiện các ưu tiên trong Kế hoạch chiến lược, Cơ quan Sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI) đã đưa ra sáng kiến về “kiểm toán SDGs” để hỗ trợ các SAI trong thực hiện các cuộc kiểm toán chất lượng cao đối với SDGs.
Đến nay, 73 SAI ở nhiều châu lục đã thực hiện cuộc kiểm toán hoạt động đối với chủ đề “Sự sẵn sàng thực hiện SDGs”. Đồng thời, thực hiện cam kết trong Kế hoạch chiến lược của IDI giai đoạn 2019-2023, IDI tiếp tục hỗ trợ các SAI trong việc triển khai các cuộc kiểm toán chất lượng cao đối với việc thực hiện SDGs theo các ưu tiên của từng quốc gia.
Theo đó, đối với chủ đề của cuộc kiểm toán là “Sự sẵn sàng thực hiện SDGs”, IDI khuyến nghị áp dụng kết hợp giữa cách tiếp cận định hướng kết quả và cách tiếp cận định hướng hệ thống. Phạm vi kiểm toán là toàn bộ Chương trình nghị sự 2030. Một cuộc kiểm toán hoạt động sẽ phù hợp cho chủ đề này. Kiểm toán viên (KTV) có thể kiểm tra tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của sự sẵn sàng thực hiện SDG của Chính phủ.
Khi kiểm toán, đoàn kiểm toán cần có hiểu biết tốt về SDG, phương pháp tiếp cận “toàn thể chính phủ” của cuộc kiểm toán, đồng thời phải có năng lực, đặc biệt là năng lực áp dụng các chuẩn mực kiểm toán hoạt động. Cuộc kiểm toán cũng sẽ đòi hỏi nhiều kỹ thuật, phương pháp và kỹ năng chuyên môn về các lĩnh vực mà các SAI còn thiếu như: Kỹ năng thông tin, tuyên truyền; kỹ thuật thu thập, phân tích dữ liệu, biến dữ liệu thành thông tin có ích… Do đó, việc thuê chuyên gia từ bên ngoài để tham gia hoặc hỗ trợ đoàn kiểm toán là cần thiết.
Ở giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán hoạt động, đoàn kiểm toán cần thực hiện các bước chính sau: Xác định mốc thời gian, tìm hiểu Chương trình nghị sự 2030, xác định phạm vi kiểm toán, lập ma trận thiết kế kiểm toán, phát triển công cụ để thu thập và phân tích dữ liệu, hoàn thành kế hoạch kiểm toán. Giai đoạn thực hiện kiểm toán, các KTV sẽ phải thu thập dữ liệu/bằng chứng (chọn mẫu), phân tích dữ liệu/bằng chứng (chọn mẫu) và lập ma trận các phát hiện kiểm toán.
Đối với việc báo cáo và thông tin kết quả kiểm toán, đoàn kiểm toán dự thảo báo cáo (căn cứ vào ma trận các phát hiện kiểm toán), lấy ý kiến của đơn vị được kiểm toán trước khi hoàn thiện và công bố báo cáo kiểm toán. Công tác thông tin kết quả kiểm toán cần cân nhắc các đối tượng đọc báo cáo khác nhau để minh họa bằng thông tin đồ họa và các công cụ hình ảnh phù hợp.
Theo dõi thực hiện kiến nghị là bước cuối cùng của cuộc kiểm toán hoạt động đối với sự sẵn sàng thực hiện SDGs, đồng thời cũng là sự khởi đầu cho cuộc kiểm toán việc thực hiện SDGs, cung cấp thông tin cho báo cáo phát triển bền vững quốc gia và cho các cuộc rà soát quốc gia tự nguyện (VNR).
Hướng dẫn của INTOSAI về kiểm toán việc thực hiện SDGs do IDI ban hành cũng bao gồm có các nội dung tương tự như trên: Lựa chọn chủ đề kiểm toán, thiết kế cuộc kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán, báo cáo kết quả kiểm toán, theo dõi và đánh giá tác động của cuộc kiểm toán, tình hình thực hiện Hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện SDGs.
…đến việc áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam
Dựa trên Hướng dẫn của INTOSAI và thực tế tại Việt Nam, Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, việc lựa chọn chủ đề và nội dung cuộc kiểm toán việc thực hiện SDG là quá trình quyết định để trả lời 3 câu hỏi: Kiểm toán mục tiêu SDG nào của Việt Nam? Kiểm toán bao nhiêu mục tiêu SDG? Kiểm toán từng mục tiêu SDG cụ thể đó khi nào?
Tiêu chí của cuộc kiểm toán cần căn cứ vào SDGs, nhiệm vụ và phân công trách nhiệm thực hiện cho các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương. Các tiêu chí này dựa trên phân tích số liệu Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam, các mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển bền vững đến năm 2020, 2025, 2030 và lộ trình thực hiện các mục tiêu này đến năm 2030.
Về cách thức tiếp cận kiểm toán, cách tiếp cận “toàn thể chính phủ” đặt trọng tâm vào hoạt động chung của Chính phủ nhằm giải quyết một vấn đề hay thách thức xã hội nào đó thay vì đặt trọng tâm vào hoạt động của một chương trình hay cơ quan đơn lẻ. Cách tiếp cận này nhất quán với tính chất lồng ghép của Chương trình nghị sự 2030 và SDGs vốn đòi hỏi phải tính đến sự phức tạp của phát triển bền vững, mối quan hệ qua lại giữa các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường, cũng như nỗ lực điều phối và phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan để có thể giải quyết đồng bộ các nhu cầu và ưu tiên của quốc gia.
Trong quá trình kiểm toán, đoàn kiểm toán cần tuân thủ các chuẩn mực, quy trình và hướng dẫn của KTNN, đặc biệt là Chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) 300 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động (tương đương ISSAI 300), CMKTNN 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động (tương đương ISSAI 3000) và Hướng dẫn kiểm toán hoạt động của KTNN. Sử dụng phương pháp kiểm toán tuân thủ về kiểm toán hoạt động, kết hợp giữa cách tiếp cận định hướng kết quả và cách tiếp cận định hướng hệ thống sẽ là phù hợp nhất cho các cuộc kiểm toán việc thực hiện SDGs tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm toán cũng cần định hình những tác động dự kiến của cuộc kiểm toán, áp dụng các biện pháp để phát huy tác động đó trong suốt quá trình kiểm toán và tạo cơ hội, điều kiện cho sự tham gia của các bên liên quan vào quy trình kiểm toán./.
Box: Thời gian qua, KTNN mới chỉ thực hiện kiểm toán một số lĩnh vực liên quan đến sự sẵn sàng thực hiện SDGs thông qua các cuộc kiểm toán: Chương trình xóa đói, giảm nghèo; Chương trình nông thôn mới (liên quan đến Mục tiêu 1); Chương trình các bệnh xã hội nguy hiểm (Mục tiêu 3); Chương trình giáo dục đào tạo (Mục tiêu 4); Chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình (Mục tiêu 5); Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (Mục tiêu 9); Chương trình 5 triệu ha rừng (Mục tiêu 15)…