Hình thành ngân hàng dữ liệu và phát triển các ứng dụng thông minh
Theo nghiên cứu của ThS. Nguyễn Văn Quang (Trung tâm Tin học, KTNN) và ThS. Vũ An Huy (KTNN chuyên ngành Ia), tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm toán và Thanh tra (BAI) đã thành lập Phòng Kiểm toán CNTT với nhiệm vụ vừa kiểm toán về CNTT, vừa phát triển và đảm bảo an toàn hệ thống CNTT.
Hệ thống CNTT của BAI bao gồm 2 thành phần chính: Hệ thống hỗ trợ kiểm toán thông minh có chức năng phân tích dữ liệu các đơn vị được kiểm toán; tích hợp để thu thập các dữ liệu từ hệ thống hành chính công, các nguồn bên ngoài; trung tâm phân tích dữ liệu tập trung xác định rủi ro, thiết kế các trọng yếu kiểm toán.
Hệ thống số hóa hồ sơ kiểm toán quản lý từ khâu lập kế hoạch, thu thập thông tin, thực hiện kiểm toán, lập báo cáo, xét duyệt và phát hành báo cáo trực tuyến. Qua đó, BAI tăng cường tính minh bạch, chính xác, hiệu quả và giảm thiểu tối đa việc phải nhập cùng một dữ liệu nhiều lần.
Tại Trung Quốc, để có thể tận dụng tối đa dữ liệu lớn, cơ quan KTNN (CNAO) đã liên tục hoàn thiện chính sách thông qua ban hành quy chế về việc đơn vị được kiểm toán cung cấp dữ liệu điện tử và tài liệu kỹ thuật cần thiết (năm 2014); đồng thời tiến hành xây dựng mô hình công tác kiểm toán dữ liệu lớn, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả kiểm toán, mở rộng giám sát kiểm toán (năm 2015).
CNAO thành lập Vụ Kiểm toán dữ liệu điện tử với 3 chức năng chuẩn hóa dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn liên ngành, kiểm toán các hệ thống và dự án CNTT gắn với kiểm toán chính phủ điện tử.
Cùng với đó, CNAO xây dựng hệ thống phần mềm quản lý và hỗ trợ hoạt động kiểm toán. Để có thể xây dựng ngân hàng dữ liệu lớn, CNAO hoàn thiện chế độ, xác định rõ yêu cầu và nội dung công việc liên quan đến dữ liệu điện tử; thúc đẩy quá trình thu thập, báo cáo, khôi phục, đưa vào kho, nghiệm thu, lưu giữ, sử dụng và bảo mật dữ liệu điện tử. Từng đơn vị kiểm toán chuyên ngành, trung ương và địa phương hình thành kho dữ liệu cơ sở của riêng mình.
Đặc biệt, CNAO đã công bố các chuẩn giao tiếp dữ liệu mà các phần mềm kế toán phải tuân thủ khi làm việc với CNAO, thành lập Ủy ban Dự án “Thu thập dữ liệu kiểm toán” (năm 2015), Ủy ban Công nghệ “phục vụ dữ liệu kiểm toán” và phê duyệt Dự án “Thu thập dữ liệu kiểm toán” (năm 2019). Đây là bước đi quan trọng để thúc đẩy và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế giao tiếp dữ liệu phần mềm kế toán và kiểm tra.
Tương tự CNAO, Cơ quan Kiểm toán Indonesia (BPK) cũng rất chú trọng sử dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán. Hệ thống CNTT của BPK gồm: Cơ sở dữ liệu đối tượng kiểm toán; các công cụ phân tích thông tin; các phần mềm quản lý hoạt động kiểm toán, quản lý hồ sơ kiểm toán, theo dõi kiến nghị kiểm toán, quản lý các quy định liên quan đến kiểm toán công.
Ngoài ra, để kết nối, thu thập thông tin của đơn vị được kiểm toán, BPK còn xây dựng một hệ thống truyền dữ liệu nhằm thu thập dữ liệu ở nhiều định dạng khác nhau. Bên cạnh đó, Indonesia cũng ban hành bộ luật riêng (áp dụng tất cả các hệ thống và lĩnh vực an ninh, quốc phòng, bí mật nhà nước) về trách nhiệm cung cấp dữ liệu điện tử định kỳ và trong quá trình kiểm toán cho BPK, cũng như quyền truy cập các hệ thống thông tin của kiểm toán viên khi kiểm toán.
Ngoài việc số hóa toàn bộ hồ sơ kiểm toán, BPK xây dựng hệ thống CNTT kết nối giữa đơn vị được kiểm toán, BPK và Nghị viện để theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, giúp tiết kiệm được nhiều thời gian.
Bài học kinh nghiệm cho Kiểm toán nhà nước Việt Nam
Có thể khẳng định rằng, công nghệ đóng vai trò then chốt, thiết lập, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số trong tương lai. Trong đó, việc xây dựng cơ sở pháp lý cho việc tiếp cận, cung cấp dữ liệu điện tử của các đơn vị được kiểm toán là yếu tố then chốt.
Thông qua việc đẩy mạnh CNTT, KTNN công khai, minh bạch kết quả kiểm toán một cách nhanh nhất tới công chúng nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các đơn vị sử dụng nguồn lực công. Đây cũng chính là đóng góp quan trọng của KTNN nhằm sớm ngăn chặn, cảnh báo các hành vi gian lận, tham nhũng, lạm dụng quyền lực có thể xảy ra trong tương lai.
Hạ tầng dữ liệu của KTNN được xây dựng đầy đủ, phù hợp sẽ là nền tảng cho việc hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về đơn vị được kiểm toán, các phần mềm, công cụ phân tích thông tin, đánh giá rủi ro, xác định mức rủi ro, trọng yếu kiểm toán nhằm hỗ trợ công tác lập kế hoạch cũng như giúp kiểm toán viên thực hiện các kỹ thuật kiểm toán và theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán… hướng tới kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn.
Một yêu cầu không thể thiếu là nâng cao nhận thức về CNTT trong hoạt động kiểm toán. Hiện nay, lãnh đạo KTNN đã ban Chiến lược phát triển KTNN và Chiến lược phát triển CNTT với từng giai đoạn cụ thể, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc. Do vậy, KTNN cần phải tuyên truyền, đào tạo, kiểm tra, giám sát và tăng cường học hỏi các cơ quan kiểm toán tối cao để kiểm toán viên nhà nước vừa được nâng cao trình độ, vừa có trách nhiệm trong việc ứng dụng CNTT.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhân lực chất lượng cao và am hiểu sâu về CNTT là đội ngũ quyết định đến tốc độ phát triển CNTT của cơ quan kiểm toán. Vì vậy, KTNN cần có kế hoạch và lộ trình riêng để xây dựng đội ngũ này với đầy đủ 3 chức năng quan trọng: Phát triển hệ thống CNTT; phân tích dữ liệu liên vụ, liên ngành; chuẩn hóa dữ liệu thu thập từ các KTNN chuyên ngành, khu vực.
Trước mắt, KTNN có thể lựa chọn đơn vị triển khai thực hiện thí điểm kiểm toán dữ liệu lớn và đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT tương ứng. Trong đó, ưu tiên việc phân tích đối chiếu các dữ liệu quốc gia đã sẵn sàng kết nối như: Cơ sở dữ liệu quốc gia thuế, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, thông tin tín dụng… Trên cơ sở triển khai ở cấp độ đơn vị, KTNN tiến hành tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng áp dụng trong toàn Ngành./.