Kiểm toán việc xác định giá trị doanh nghiệp: Cần làm gì để nâng cao hiệu quả?

(BKTO) - Xác định giá trị doanh nghiệp (GTDN) là khâu quan trọng trong quá trình cổ phần hóa (CPH) DNNN nhằm đảm bảo lợi ích thiết thực của Nhà nước và nhà đầu tư, tránh thất thoát tài sản nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy, việc xác định GTDN vẫn còn những bất cập.




Xác định giá trị DN là khâu quan trọng trong quá trình CPH DNNN. Ảnh tư liệu

Thiếu hướng dẫn cụ thể, định giá tài sảnchưa phù hợp

Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công chưa nêu cụ thể phương pháp nào được áp dụng ngoài phương pháp tài sản để xác định GTDN và cách thức xử lý chênh lệch giữa các phương pháp. Do đó, các tổ chức tư vấn xác định giá trị thường lấy kết quả của phương pháp tài sản, tức là giá trị thấp nhất.

Một số tài sản được định giá theo hướng dẫn tại phương pháp tài sản chưa phù hợp, dẫn tới có khả năng tài sản không được định giá đúng thực tế. Cụ thể, đối với đất giao nhằm sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê, việc định giá đất cụ thể luôn chứa đựng rủi ro cao về xác định giá chưa phù hợp bởi thông tin, dữ liệu sử dụng trong định giá đất có thể chưa sát, còn nhiều yếu tố mang tính chủ quan của đơn vị tư vấn thẩm định giá, thiếu thông tin làm cơ sở cho việc xác định giá đất.

Các loại đất trực tiếp sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng trụ sở được chuyển sang thuê đất. Tuy nhiên, hướng dẫn xác định giá trị tiềm năng phát triển bằng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước bình quân 5 năm trước thời điểm xác định GTDN là chưa đủ vì giá trị thương mại của quyền thuê đất không chỉ mang lại lợi ích cho DN trong 5 năm mà trong suốt thời gian được quyền thuê đất (tối đa 50 năm).

Quy định giá trị lợi thế kinh doanh của DN CPH bao gồm giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của DN trước thời điểm xác định GTDN 5 năm. Tuy nhiên, DN, nhất là DNNN thường có lịch sử hoạt động lâu năm, chi phí tạo dựng thương hiệu phát sinh nhiều năm trước đó, không phải chỉ trong 5 năm gần nhất, làm cho giá trị thương hiệu xác định chưa đầy đủ...

Việc xác định giá trị tài sản vô hình thực hiện theo Tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản số 13 có khó khăn nhất định do không có hướng dẫn cụ thể, các tham số phức tạp, khó phù hợp với thực tế gây tốn kém chi phí và thời gian thực hiện.

Đối với việc định giá các khoản góp vốn đầu tư ra ngoài DN, nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DN CPH góp 100% vốn hoặc DN có vốn góp là công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết thì phương pháp định giá là phù hợp. Nhưng nếu DN không thuộc 2 loại trên thì hướng dẫn định giá theo tỷ lệ vốn thực góp nhân (x) với giá trị vốn chủ sở hữu xác định theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán chưa đánh giá đầy đủ giá trị khoản đầu tư vào DN loại này tại thời điểm định giá vì giá trị vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán thường thấp hơn giá trị thực của DN.

Có ý kiến cho rằng, nếu xác định GTDN thấp hơn thực tế thì Nhà nước không thiệt hại tương ứng vì giá bán cổ phần qua đấu giá sẽ phù hợp với giá trị thực tế của DN CPH do nhà đầu tư đánh giá được tiềm năng của DN. Điều này chỉ hợp lý khi Nhà nước bán hết cổ phần tại DN CPH. Nếu Nhà nước còn giữ lại cổ phần, nhất là các DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì Nhà nước sẽ bị thiệt hại, vì khoản chênh lệch do định giá thấp tương ứng tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ sẽ là của chung mọi cổ đông, chứ không chỉ riêng Nhà nước.

Nâng cao hiệu quả kiểm toán xác định giá trịdoanh nghiệp

Để nâng cao hiệu quả kiểm toán CPH DNNN nói chung và việc xác định GTDN nói riêng, KTNN cần tập trung vào những vấn đề sau:
Trong quá trình kiểm toán CPH, kiểm toán viên cần chú trọng nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp với thực tiễn của nghị định, thông tư về xử lý tài chính và xác định GTDN, nhất là quy định về những tài sản đưa vào và không đưa vào định giá DN; hướng dẫn về phương pháp xác định GTDN; các quy định về xác định giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, giá trị lợi thế kinh doanh, sử dụng đất sau CPH… nhằm phát hiện bất cập, vướng mắc, những lỗ hổng có thể làm thất thoát tài sản nhà nước trong xác định GTDN, tổ chức bán vốn nhà nước để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về CPH DNNN.

Chọn DNNN có kế hoạch CPH để kiểm toán báo cáo tài chính và việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước hằng năm, qua đó, xác nhận số liệu báo cáo tài chính và tình hình tài chính của DN những năm trước thời điểm xác định GTDN, giúp lãnh đạo DN, đơn vị tư vấn thẩm định giá có đầy đủ số liệu về tình hình tài chính, tài sản, lợi nhuận hằng năm làm cơ sở xác định GTDN.

Nâng cao chất lượng kiểm toán công tác xác định giá trị quyền sử dụng đất; kiểm toán công tác tư vấn thẩm định giá đất, việc thẩm định giá của các cơ quan có liên quan và việc quyết định giá trị quyền sử dụng đất của UBND cấp tỉnh. Như vậy, phải mở rộng đơn vị được kiểm toán hoặc đối chiếu đến các đơn vị có liên quan, có trách nhiệm trong định giá đất.

Chú trọng kiểm toán việc xác định GTDN của mọi phương pháp mà đơn vị tư vấn đã áp dụng. Quá trình kiểm toán, trường hợp nghi ngờ có sự chênh lệch đáng kể trong định giá chất lượng tài sản, có thể gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, đoàn kiểm toán phải tổ chức thu thập thông tin về giá cả từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng cần định giá hoặc từ các cơ quan quản lý giá, thống kê, thuê tổ chức có chuyên môn khác hoặc chuyên gia để xác định lại chất lượng còn lại của tài sản.

Tăng cường kiểm toán công tác xác định giá trị vốn nhà nước khi chuyển sang công ty cổ phần khi có yêu cầu của cơ quan chủ quản, qua đó giúp Bộ, ngành, địa phương xác định vốn nhà nước và nghĩa vụ nộp về Quỹ Hỗ trợ phát triển DN.

Ban hành Đề cương Hướng dẫn kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý tài chính khi CPH; tập huấn, hướng dẫn đầy đủ quy trình, thủ tục về kiểm toán định giá DN và xử lý tài chính khi CPH nhằm trang bị kiến thức đầy đủ cho kiểm toán viên, góp phần nâng cao chất lượng kiến nghị kiểm toán, giúp công tác CPH hiệu quả hơn.
ThS. NGUYỄN ĐỨC TÍN
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V
M.ANH (ghi)
Cùng chuyên mục
Kiểm toán việc xác định giá trị doanh nghiệp: Cần làm gì để nâng cao hiệu quả?