Áp dụng quy định tính tiền cho thuê rừng, môi trường rừng chưa phù hợp
Theo KTNN, Đề án thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang ban hành chưa xác định các đối tượng phải trả dịch vụ môi trường rừng là: Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp; các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải chi trả tiền dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng cho nuôi trồng thủy sản.
KTNN cũng nêu rõ, có 22 chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng thay thế chậm so với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT); 5/40 chủ đầu tư chưa nộp tiền trồng rừng thay thế số tiền 21,033 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2023, số tiền trồng rừng thay thế còn đang tồn tại Quỹ là 135,236 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án đã được các chủ đầu tư nộp tiền quá thời hạn 12 tháng nhưng chưa bố trí được đất để trồng rừng với số tiền 37,477 tỷ đồng. Tháng 5/2019, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Green Hill của Công ty TNHH Hải An Huy với diện tích rừng chuyển mục đích (71,1ha) là rừng tự nhiên, không phù hợp khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Cùng với đó, trong việc cho thuê rừng, cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn Quốc gia Phú Quốc, có 7 hợp đồng cho thuê rừng phòng hộ với mục đích bảo vệ, chăm sóc rừng kết hợp thực hiện các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhưng thanh toán 1 lần cho cả thời gian thuê 50 năm (6 hợp đồng) và thanh toán theo giai đoạn 10 năm 1 lần (1 hợp đồng) không đúng quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, có 1 hợp đồng thuê môi trường rừng đặc dụng để thực hiện dự án vườn thú thanh toán tiền thuê theo giai đoạn 10 năm 1 lần cũng không đúng quy định.
Cụ thể, KTNN phát hiện Hợp đồng số 245/HĐ-TR ngày 01/10/2013 ký giữa Vườn Quốc gia Phú Quốc với Công ty TNHH MTV Phú Quốc Trần Gia, cho thuê rừng phòng hộ thời gian 49 năm, thanh toán tiền hằng năm nhưng chưa thanh toán tiền thuê rừng từ khi ký hợp đồng đến nay. Hay Hợp đồng số 157A/HĐ-BQLRPH ngày 02/12/2019 ký với Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Gầm Ghì La Veranda cho thuê rừng để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Gầm Ghì Resort, có tiêu đề và nội dung hợp đồng là cho thuê rừng nhưng thời gian và mức giá cho thuê thì căn cứ vào khoản 6 Điều 23 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cho thuê môi trường rừng.
Hoặc tại Hợp đồng số 01/HĐThR-VQG ngày 07/10/2016 ký với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc cho thuê môi trường rừng đặc dụng để thực hiện dự án vườn thú áp dụng giá để tính tiền cho thuê môi trường rừng theo Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang. Trong khi đó, Quyết định này quy định về giá các loại rừng và giá cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được ban hành căn cứ vào Nghị định số 48/2007/NĐ-CP của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng và Thông tư liên tịch của liên Bộ NNPTNT - Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2007/NĐ-CP, nhưng tại các văn bản này không có quy định liên quan đến tính giá cho thuê môi trường rừng. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND, tỉnh Kiên Giang quy định áp dụng để tính tiền thuê rừng (hay còn gọi là thuê môi trường rừng), do đó, Vườn Quốc gia Phú Quốc đã áp dụng quy định này để tính tiền cho thuê môi trường rừng đặc dụng. KTNN đánh giá, điều này là không phù hợp, bởi theo quy định tại khoản 21 và 22 Điều 2 Luật Lâm nghiệp thì việc cho thuê rừng và cho thuê môi trường rừng là 2 hoạt động khác nhau.
KTNN kiến nghị Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền cho thuê môi trường rừng đặc dụng, cho thuê môi trường rừng phòng hộ và cho thuê môi trường rừng sản xuất để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được quy định tại khoản 6 Điều 14, khoản 6 Điều 23 và khoản 3 Điều 32 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Cần chấn chỉnh nhiều thiếu sót, bất cập sau kiểm toán
Ban Quản lý rừng Kiên Giang còn ký 4 hợp đồng cho thuê rừng phòng hộ (3 hợp đồng ký năm 2011 và 1 hợp đồng ký năm 2012), mà theo hợp đồng thì tiền thuê được thanh toán hằng năm, nhưng đến nay, Ban Quản lý rừng chưa thực hiện thu tiền cho thuê. Thời điểm hiện tại, Vườn Quốc gia Phú Quốc đã thu tiền cho thuê đối với 8/10 hợp đồng cho thuê rừng, cho thuê môi trường rừng đã ký với số tiền 9,854 tỷ đồng nhưng số tiền này đang tồn trong tài khoản của Vườn Quốc gia Phú Quốc mở tại Ngân hàng BIDV do chưa có văn bản hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Từ những bất cập phát hiện qua kiểm toán, KTNN đề nghị UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung đối tượng phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng tại Đề án thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng ban hành tại Quyết định số 71/QĐ-UBND ngày 14/01/2021. Trong đó, rà soát bổ sung đầy đủ đối tượng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Đồng thời rà soát các quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế do chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các dự án có nguồn gốc là rừng tự nhiên không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và có phương án xử lý đối với các trường hợp chưa nộp tiền hoặc đã nộp tiền trồng rừng thay thế nhưng chưa trồng rừng, đang còn tồn tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Kiên Giang đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
KTNN cũng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo tổ chức kiểm tra việc cho thuê rừng, cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn Quốc gia Phú Quốc và Ban Quản lý rừng Kiên Giang, nhất là về căn cứ, thủ tục lập hợp đồng cho thuê, thời gian thanh toán tiền thuê, áp dụng mức thu tiền cho thuê, quản lý thu tiền cho thuê để xử lý theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh Kiên Giang cũng cần sửa đổi phạm vi áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định về giá các loại rừng trên địa bàn./.