EVN quản lý nợ vay thiếu chặt chẽ

Hàng loạt những thiếu sót, bất cập trong quản lý nợ vay, nợ phải trả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra sau khi kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của EVN.

4-evn.jpg
KTNN chỉ ra nhiều thiếu sót, bất cập trong quản lý nợ vay, nợ phải trả của EVN. Ảnh: ST

Theo dõi nợ chưa thống nhất với bên cho vay

Trong báo cáo kiểm toán phát hành cuối tháng 10/2022, KTNN đánh giá, Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên được kiểm toán đã thực hiện quản lý tài chính theo Quy chế quản lý tài chính của EVN ban hành theo Nghị định số 10/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Kết quả kiểm toán chọn mẫu cũng cho thấy, EVN đã ban hành Quy chế quản lý tài sản và nguồn vốn trong Tập đoàn; các đơn vị được kiểm toán đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật để quản lý việc sử dụng vốn, tiền và tài sản; tổ chức thực hiện giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính; xây dựng, giao và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính; tổ chức công tác kế toán, thực hiện mở sổ kế toán theo dõi, hạch toán tài sản, nợ phải trả, doanh thu, thu nhập và chi phí; đối chiếu công nợ phải thu, phải trả…

Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện hàng loạt những bất cập trong việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính - kế toán, quản lý và sử dụng vốn, nhất là trong quản lý nợ vay, nợ phải trả. Liên quan đến quản lý nợ vay, trong nội bộ Tập đoàn còn có hoạt động vay tiền giữa các bên liên quan là công ty đại chúng chưa phù hợp với quy định. Cụ thể, Công ty Cổ phần (CP) Nhiệt điện Phả Lại cho EVN vay 350 tỷ đồng từ năm 2010 (EVN đã trả ngày 28/12/2021); Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho Công ty mẹ EVNGENCO1 vay 799,9 tỷ đồng từ năm 2014-2015.

Khi kiểm tra chọn mẫu hồ sơ liên quan đến nghiệp vụ vay vốn, KTNN nhận thấy, việc theo dõi tình hình nợ vay của EVN còn chưa thống nhất với các tài liệu đối chiếu nợ vay giữa EVN và bên cho vay. Trong đó, đối với 2 khoản vay từ JICA năm 2011, có 1 hợp đồng vay với mục đích đầu tư cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại II. Tuy nhiên, theo Biểu theo dõi dư nợ vay do Tập đoàn cung cấp thì khoản vay này đang được sử dụng cho các dự án nhà máy điện khác thuộc EVN hoặc các đơn vị phát điện (Thủy điện Pleikrông, Tuyên Quang, Quảng Trị, Sê San 3, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4…). Tương tự, 1 hợp đồng khác có mục đích vay là đầu tư cho Dự án Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Tuy nhiên, theo Biểu theo dõi dư nợ vay do Tập đoàn cung cấp thì khoản vay trên cũng đang được sử dụng cho các dự án điện khác trực thuộc EVN hoặc thuộc các đơn vị phát điện (Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nghi Sơn 1, Thủy điện Sông Tranh 2, Bản Vẽ…). Theo giải trình của EVN, nguồn vốn vay thuộc 2 hợp đồng trên được Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại và Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi trả nợ sớm trước hạn nên EVN đã sử dụng nguồn vốn này cho các dự án khác.

Vấn đề đáng chú ý nữa là số liệu theo dõi nợ vay của EVN tại ngày 31/12/2021 của 2 hợp đồng vay này có chênh lệch với số liệu đối chiếu nợ vay với bên cho vay. Cụ thể, Hợp đồng số 01/2005/TDNN vay JICA: Số liệu đối chiếu nợ là 1.156.933.484 JPY; số liệu EVN theo dõi là 1.121.997.982 JPY; Hợp đồng số VN 13-P8 vay JICA: Số liệu đối chiếu nợ là 30.982.423.678 JPY, số liệu EVN theo dõi là 30.982.435.691 JPY.

Bất cập trong thanh toán nợ, ghi nhận lãi vay

Ngoài 2 khoản vay từ JICA, còn có khoản vay theo Hiệp định vay phụ số 3880 ký ngày 30/12/2004 giữa Bộ Tài chính và Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là EVN) tài trợ cho Dự án Hỗ trợ Thủy lợi từ nguồn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), được giải ngân năm 2007 và có dư nợ tại ngày 31/12/2021 là 23.000 USD. Tuy nhiên, sổ kế toán của EVN không phản ánh việc trả lãi và gốc, không có đối chiếu cuối kỳ.

Kết quả kiểm toán còn chỉ ra những bất cập trong việc ghi nhận, thanh toán nợ gốc, lãi vay của Công ty mẹ EVN và EVNNPT đối với khoản vay của World Bank (WB) từ nguồn vay IDA thuộc Hiệp định vay số 4711-VN (số tiền 73.000.000 SDR) ký ngày 25/5/2010 do có sự chưa thống nhất về sử dụng đồng tiền vay. Cụ thể, Công ty mẹ EVN được vay lại 42.063.297,40 SDR và EVNNPT được vay lại 25.936.702,60 SDR theo Thoả thuận giữa EVN, EVNNPT với BIDV. Số tiền vay và đồng tiền sử dụng trong quan hệ tín dụng trong Thoả thuận là USD. Hằng năm, việc đối chiếu xác nhận giữa EVN, EVNNPT với BIDV được thực hiện theo số dư nợ bằng USD và EVN, EVNNPT đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ đối với nợ vay theo số dư nợ USD và tỷ giá USD do ngân hàng công bố.

Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, các giao dịch thu nợ gốc và tính lãi vay trên các thông báo thu nợ gốc, lãi, phí của WB cũng như số tiền thu gốc và lãi trên tất cả các giấy báo nợ của BIDV gửi EVN và EVNNPT đều được xác định trên số dư nợ bằng nguyên tệ SDR. Việc thông báo thu nợ gốc, lãi, phí của WB là phù hợp với quy định của Hiệp định vay số 4711-VN. Nếu căn cứ vào nguyên tệ SDR được WB sử dụng để thông báo thu nợ gốc, lãi, phí và việc trả lãi, gốc thực tế cho WB của EVN, EVNNPT và tỷ giá chéo giữa SDR với USD do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 31/12/2021 thì số dư nợ vay ước tính quy đổi sang VNĐ sẽ thấp hơn số liệu nợ vay bằng VNĐ mà EVN đang phản ánh trên Báo cáo tài chính tại ngày 31/12/2021 là 146,091 tỷ đồng; thấp hơn số dư nợ vay bằng VNĐ mà EVNNPT đang phản ánh trên Báo cáo tài chính tại ngày 31/12/2021 là 80,556 tỷ đồng.

Liên quan đến việc chuyển giao hoạt động cho vay lại giữa Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (EVNCPC) và EVN, KTNN nêu rõ, tại ngày 31/12/2021, Công ty mẹ EVN đang theo dõi khoản nợ phải thu đối với EVNCPC về việc cho vay lại nguồn vốn vay WB theo Hợp đồng cho vay lại ký ngày 31/12/2009 giữa EVN và EVNCPC là 503.509,89 USD (2 bên có đối chiếu công nợ tại ngày 31/12/2021). Tuy nhiên, sổ kế toán của Công ty mẹ EVN chưa thể hiện được số liệu và đối tượng phải hoàn trả nguồn vốn trên. Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị EVN và các đơn vị phải chấn chỉnh, rà soát xử lý những bất cập nêu trên./.

Không chỉ có những bất cập trong quản lý nợ vay, việc quản lý nợ phải trả của EVN và các đơn vị cũng có nhiều thiếu sót. Đối chiếu công nợ chưa được thực hiện đầy đủ: EVNHCMC đối chiếu được 15/48 đối tượng, đạt 99,2% giá trị; PC Bình Định đối chiếu số dư công nợ với khách hàng mua điện đạt 82,5% giá trị. Đáng chú ý, nhiều khoản nợ phải trả lâu năm nhưng chưa được rà soát xử lý. Trong đó, EVN đang theo dõi nợ phải trả khác với số tiền 37,444 tỷ đồng, nhưng có một số khoản công nợ không được đối chiếu cuối kỳ (khoản phải trả EVNSPC 1,632 tỷ đồng, EVNCPC 1,181 tỷ đồng, Thủy điện Ankhe Kanak 7,052 tỷ đồng, Thiết bị điện Đông Anh 12,57 tỷ đồng…). Còn tại Công ty Truyền tải điện 3 có khoản nợ 1,28 tỷ đồng từ năm 2013 đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa trả và không có đối chiếu xác nhận công nợ…

Cùng chuyên mục
  • Bất cập trong quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng
    5 tháng trước Kết quả kiểm toán
    (BKTO) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa tổ chức kiểm toán Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020-2022” tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) Việt Nam và 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua kiểm toán cho thấy, việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) còn có những bất cập, hạn chế.
  • Dự án nâng cấp đô thị thành phố Long Xuyên: Kiến nghị xử lý hơn 3 tỷ đồng
    5 tháng trước Kết quả kiểm toán
    (BKTO) - Qua kiểm toán Dự án Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang (sau đây gọi tắt là Dự án), Kiểm toán nhà nước (KTNN) ghi nhận những mặt làm được của các cơ quan, đơn vị, nhưng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, sai sót và yêu cầu phải được xử lý, khắc phục kịp thời nhằm tránh ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu và hiệu quả đầu tư Dự án.
  • Kiểm toán chỉ rõ những bất cập trong chính sách và thực thi ưu đãi, đầu tư xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp
    5 tháng trước Kết quả kiểm toán
    (BKTO) - Qua kiểm toán Chuyên đề đánh giá tính hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án đối với Khu kinh tế (KKT) Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận giai đoạn 2020-2022, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị 04 tỉnh phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và khắc phục nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước đối với KKT, KCN, CCN.
  • Công khai kết quả kiểm toán: Kiến nghị tỉnh Đắk Lắk xử lý tài chính gần 493 tỷ đồng
    6 tháng trước Kết quả kiểm toán
    (BKTO) - Qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 và Chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 của tỉnh Đắk Lắk, Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện xử lý tài chính gần 493 tỷ đồng (trong đó tăng thu ngân sách 64,3 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách gần 428,7 tỷ đồng); kiến nghị giảm lỗ gần 3,17 tỷ và kiến nghị khác 10,19 tỷ đồng.
  • Nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng không kê khai
    6 tháng trước Kết quả kiểm toán
    (BKTO) - Trong khi số doanh nghiệp (DN) chấp hành kê khai giao dịch liên kết còn quá ít so với thực tế mà công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế chưa thể kiểm soát hết, cũng như cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được ngành thuế hoàn thiện đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương, như tại tỉnh Long An là một minh chứng cụ thể khi Kiểm toán nhà nước (KTNN) phát hiện và yêu cầu DN phải nộp bổ sung hàng tỷ đồng thuế Thu nhập DN.
EVN quản lý nợ vay thiếu chặt chẽ