Nhiều bất cập trong quản lý vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của EVN

Nhiều phát hiện kiểm toán liên quan đến những tồn tại, bất cập trong quản lý vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kết quả kiểm toán năm 2022.

4-evn.jpg
KTNN những tồn tại, bất cập trong quản lý vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của EVN. Ảnh: ST

EVN đề nghị vốn điều lệ vượt phương án được phê duyệt

KTNN xác định vốn sở hữu của Công ty mẹ - EVN tại ngày 31/12/2021 là 221.282,647 tỷ đồng, cao hơn so với vốn điều lệ quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN (205.390 tỷ đồng) và cao hơn 15.892,647 tỷ đồng so với vốn điều lệ tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 6, ngày 02/01/2019; cũng như cao hơn 2.616,647 tỷ đồng so với phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ đến hết năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 479/QĐ-TTg ngày 29/3/2021.

Ngoài việc xác nhận số liệu này, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập khác trong việc quản lý vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - EVN. Trong đó, ngày 08/7/2022, EVN có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) đề nghị xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định mức vốn điều lệ đến hết năm 2021 của Công ty mẹ - EVN là 221.283 tỷ đồng. KTNN chỉ rõ, mức vốn điều lệ mà EVN đề nghị đã vượt phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 479/QĐ-TTg (218.666 tỷ đồng). Đến thời điểm kiểm toán, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ đến hết năm 2021 cho Công ty mẹ - EVN vẫn chưa được cấp có thẩm quyền thực hiện.

Theo KTNN, khoản mục vốn đầu tư của chủ sở hữu trên Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty mẹ - EVN là 203.371 tỷ đồng, không phù hợp với vốn điều lệ (205.390 tỷ đồng) tại Giấy đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 02/01/2019.

Bên cạnh đó, nguồn vốn bổ sung vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có sự khác biệt so với đề nghị của EVN. Cụ thể, trong văn bản gửi UBQLV, EVN đề nghị bổ sung vốn điều lệ đến hết năm 2021 từ nguồn: Quỹ Đầu tư phát triển (ĐTPT) hình thành từ phân phối lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ - EVN 504 tỷ đồng và EVNNPT là 1.607 tỷ đồng, từ nguồn các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn tiếp nhận tài sản bên ngoài là 9.186 tỷ đồng.

Còn tại văn bản của UBQLV gửi Thủ tướng Chính phủ, UBQLV đề nghị điều chỉnh vốn điều lệ cho Công ty mẹ - EVN đến hết năm 2021 là 218.666 tỷ đồng, tăng 13.276 tỷ đồng so với vốn điều lệ đến hết năm 2018 từ các nguồn vốn thực tế: Chênh lệch vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ (2.483 tỷ đồng), tiếp nhận tài sản từ các đơn vị (9.186 tỷ đồng), Quỹ ĐTPT được phân phối từ lợi nhuận sau thuế (1.607 tỷ đồng).

Trên thực tế, tại Quyết định số 479/QĐ-TTg, Thủ tướng đã phê duyệt nguồn bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - EVN đến hết năm 2021 tăng 13.276 tỷ đồng so với năm 2018…

Kết quả kiểm toán còn cho thấy, việc công ty mẹ EVN hạch toán tăng các nguồn vốn chủ sở hữu 12.718 tỷ đồng trên sổ kế toán từ ngày 31/12/2018 đến ngày 31/12/2021 khi các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ hạch toán tăng các nguồn vốn chủ sở hữu là chưa phù hợp với quy định hiện hành. Trong đó, hạch toán tăng nguồn vốn chủ sở hữu từ nguồn Quỹ ĐTPT hình thành từ lợi nhuận sau thuế 3.571 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cấp 1.493 tỷ đồng, tiếp nhận tài sản được đầu tư từ nguồn vốn ngoài NSNN 2.684 tỷ đồng.

Theo KTNN, các nguồn vốn này không thuộc các nguồn vốn mà Công ty mẹ - EVN được phép bổ sung vốn điều lệ đến hết năm 2021 theo Quyết định số 479/QĐ-TTg. Đồng thời, việc hạch toán tăng các nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ EVN khi các công ty con hạch toán tăng các nguồn vốn của chủ sở hữu chưa được hướng dẫn tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật khác.

Thiếu sót trong hạch toán, tăng vốn điều lệ của các đơn vị

Không chỉ tại EVN, qua kiểm toán cho thấy, việc phê duyệt, giao vốn điều lệ cho các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn và việc hạch toán vốn chủ sở hữu của các đơn vị cũng có nhiều bất cập.

Đáng chú ý, việc EVN phê duyệt và giao vốn điều lệ đến thời điểm ngày 31/12/2018 cho các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn chưa đầy đủ cơ sở, thủ tục. Hội đồng thành viên (HĐTV) EVN đã ban hành các nghị quyết, quyết định giao vốn điều lệ đến hết thời điểm ngày 31/12/2018 cho các Tổng công ty (TCT): EVNNPT là 24.596 tỷ đồng, EVNNPC 20.905 tỷ đồng, EVNCPC 12.788 tỷ đồng, EVNSPC 15.870 tỷ đồng, EVNHANOI 9.892 tỷ đồng, EVNHCMC 11.372 tỷ đồng. Nhưng tại thời điểm phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ cho các TCT, EVN không trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phê duyệt chủ trương theo quy định.

Về mức vốn điều lệ đến hết năm 2018 của EVNHCMC, KTNN nêu rõ, số liệu của HĐTV EVN có sự khác biệt so với số liệu báo cáo của Tổng Giám đốc EVN. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, EVN chưa cung cấp được các hồ sơ, tài liệu làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này.

KTNN kiến nghị Công ty mẹ - EVN báo cáo Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan về các tồn tại, bất cập về số liệu, nguồn vốn bổ sung vốn điều lệ, mức vốn điều lệ đến hết năm 2021 và việc hạch toán vốn chủ sở hữu để thực hiện đúng quy định pháp luật; báo cáo UBQLV, Bộ Tài chính về các tồn tại, bất cập trong việc ban hành, thực hiện các quyết định phê duyệt, giao bổ sung vốn điều lệ và hạch toán các nguồn vốn chủ sở hữu tại các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn…

Bên cạnh đó, HĐTV EVN tiếp tục ban hành Nghị quyết thông qua việc điều chỉnh vốn điều lệ của 5 TCT điện lực tại thời điểm ngày 31/12/2018 bằng với số liệu vốn chủ sở hữu thực tế trên báo cáo tài chính, nhưng do chưa được cơ quan đại diện vốn phê duyệt chủ trương theo quy định nên EVN chưa ban hành quyết định giao vốn điều lệ cho các đơn vị. Liên quan đến vấn đề này, ngày 17/6/2022, UBQLV đã có ý kiến rằng EVN vẫn chưa trình lại UBQLV hồ sơ bổ sung, hoàn thiện phương án điều chỉnh vốn điều lệ của 5 TCT như đã đề nghị; đồng thời, mức vốn điều lệ của 5 TCT đến hết năm 2018 cũng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cũng theo KTNN, trong tổng số nguồn vốn EVN giao vốn điều lệ đến hết năm 2018 cho 5 TCT điện lực có nguồn vốn tiếp nhận tài sản, công trình điện được đầu tư từ nguồn vốn ngoài NSNN. Trên cơ sở các hướng dẫn của Bộ Tài chính và văn bản của EVN, 5 TCT điện lực đã hạch toán tăng tài sản, tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc tiếp nhận tài sản này chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên EVN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc liên quan. Đến thời điểm kiểm toán, Chính phủ đang xây dựng Nghị định về chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN quản lý./.

Cùng chuyên mục
Nhiều bất cập trong quản lý vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của EVN