Kiến nghị Đại học Quốc gia Hà Nội chấm dứt việc phân bổ, giao dự toán, sử dụng kinh phí không đúng quy định

(BKTO) - Phân bổ kinh phí, giao dự toán, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khoa học, công nghệ (KHCN) không đảm bảo quy định; nhiều đề tài chậm tiến độ; chưa thực hiện quy trình quản lý, sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ KHCN… Đó là những hạn chế, bất cập được phát hiện qua kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho KHCN giai đoạn 2020-2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội.

dhqghn.jpg

Chưa phát huy hiệu quả nguồn vốn

Theo kết quả kiểm toán, tổng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN giai đoạn 2020-2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là hơn 495,9 tỷ đồng (chi thường xuyên 346,4 tỷ đồng, chi đầu tư hơn 149,5 tỷ đồng). Số kinh phí này cơ bản được phân bổ, sử dụng cho các nhiệm vụ KHCN trong khuôn khổ chiến lược phát triển KHCN theo định hướng của Đảng và Nhà nước; thực hiện 658 nhiệm vụ KHCN, trong đó có 259 nhiệm vụ KHCN chuyển tiếp và 399 nhiệm vụ KHCN mở mới (22 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia và 381 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ; 255 nhiệm vụ cấp cơ sở).

Nhiều kết quả nghiên cứu được đăng trên các Báo, tạp chí khoa học quốc tế đã góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của ĐHQGHN. Ngoài ra, các sản phẩm, kết quả của đề tài, nhiệm vụ khoa học đã được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho giảng viên và sinh viên nghiên cứu, học tập và đào tạo.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng kinh phí cho KHCN trong giai đoạn này. Theo đó, ĐHQGHN lập dự toán đối với một số đề tài, nhiệm vụ mở mới, nhiệm vụ trọng tâm khi chưa được thẩm định nội dung, dự toán kinh phí và chưa có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền hoặc có quyết định phê duyệt nhiệm vụ nhưng chưa tổ chức thẩm định kinh phí chương trình, nhiệm vụ, chưa đúng với hướng dẫn của Bộ KHCN và Bộ Tài chính.

Giai đoạn 2020-2022, ĐHQGHN lập dự toán, phân bổ dự toán kinh phí cho nhiệm vụ tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học chưa phù hợp tính chất nguồn kinh phí theo quy định; năm 2021, lập, phân bổ dự toán kinh phí chi thường xuyên theo chức năng đối với một số đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo chưa đúng quy định; chưa ưu tiên triển khai các nhiệm vụ thuộc các đề án, nhiệm vụ trọng tâm đã lập dự toán và được Bộ Tài chính ghi chú tại quyết định giao dự toán.

KTNN kiến nghị ĐHQGHN kiểm điểm, làm rõ, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định của pháp luật đối với việc lập, phân bổ, giao dự toán, sử dụng nguồn kinh phí chi sự nghiệp KHCN cho dự án tăng cường năng lực nghiên cứu KHCN chưa phù hợp tính chất nguồn kinh phí quy định tại Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, ĐHQGHN không thành lập Hội đồng xác định nhiệm vụ cấp ĐHQGHN giao trực tiếp; một số nhiệm vụ giao trực tiếp chưa có trong danh mục KHCN, chưa thuyết minh căn cứ giao trực tiếp theo quy định.

Trong công tác thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ KHCN, thành phần một số đề tài không đảm bảo quy định; biên bản họp thẩm định kinh phí không thẩm định chi tiết nội dung các khoản chi, các thành viên không đánh giá sự phù hợp về dự toán kinh phí; một số nhiệm vụ chưa tiếp thu, chỉnh sửa đầy đủ các ý kiến của Hội đồng thẩm định.

“Các nhiệm vụ được ưu tiên giao dự toán nhưng thực hiện không đúng tiến độ, phải gia hạn thực hiện, dẫn đến số dư chuyển nguồn các năm lớn, chưa phát huy hiệu quả nguồn vốn được bố trí” - kết quả kiểm toán nêu rõ.

Từ kết quả kiểm toán trên, KTNN kiến nghị ĐHQGHN chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc lập, phân bổ dự toán chưa đúng quy định của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Bộ KHCN. Đồng thời, chấm dứt việc phân bổ, giao dự toán, sử dụng kinh phí không đúng chế độ quy định; rà soát, kiểm tra và tổng hợp số kinh phí sử dụng không đúng nguồn kinh phí, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật; xây dựng nội dung và dự toán chi nhiệm vụ KHCN đảm bảo tuân thủ nguồn kinh phí được quy định tại Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN cần chấn chỉnh việc tổ chức các hội đồng xét duyệt danh mục, thẩm định, phê duyệt thuyết minh đề tài, nhiệm vụ KHCN. Đồng thời, tổ chức xét chọn, thẩm định, xét duyệt, phê duyệt nhiệm vụ KHCN đảm bảo tuân thủ theo quy định của Nhà nước và ĐHQGHN.

Cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, tại ĐHQGHN, thời gian ký hợp đồng thực hiện đề tài chậm hơn (1-2 tháng) so với quyết định phê duyệt. Trong giai đoạn 2020-2022, tỷ lệ số lượng đề tài được ĐHQGHN kiểm tra còn thấp; công tác báo cáo tình hình thực hiện của một số đề tài, nhiệm vụ khoa học chưa tuân thủ đúng thời gian, nhiều đề tài chậm tiến độ phải gia hạn thời gian thực hiện.

ai7i7464.jpg
Kết quả kiểm toán chỉ ra nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tại ĐHQGHN chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian thực hiện. Ảnh minh họa: VNU

ĐHQGHN cũng chưa thực hiện quy trình quản lý, sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ KHCN; các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ không lập báo cáo về tài sản gửi cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhiệm vụ KHCN theo quy định tại Nghị định 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước.

Đối với hoạt động của Phòng Thí nghiệm trọng điểm cấp Nhà nước (phòng TNTĐ), kết quả kiểm toán cho thấy, Phòng Thí nghiệm chưa có nhiều kết quả phân tích và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực enzyme, protein hoặc thương mại hóa kết quả nghiên cứu được tạo ra. Trong khi đó, ĐHQGHN chưa thường xuyên kiểm tra để nắm bắt kịp thời kết quả hoạt động của phòng TNTĐ; Phòng TNTĐ định kỳ không gửi đầy đủ báo cáo Bộ KHCN và ĐHQGHN về tình hình hoạt động của Phòng, chưa kiểm tra, giám sát và xử lý kết quả đánh giá theo quy định của Bộ KHCN.

Qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN giai đoạn 2020-2022, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 1,4 tỷ đồng; gồm: Hủy dự toán kinh phí đã cấp cho các đề tài, dự án nhưng không hoàn thành, chưa triển khai thực hiện 1 tỷ đồng hoặc dừng thực hiện 400 triệu đồng.

Đối với chi đầu tư xây dựng, ĐHQGHN chưa ban hành quy định đặc thù để quản lý các dự án đầu tư xây dựng trong lĩnh vực đầu tư KHCN theo quy định của Luật KHCN, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP và các quyết định của ĐHQGHN.

KTNN kiến nghị ĐHQGHN chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong quản lý, xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ KHCN chưa đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ; kiểm tra, rà soát các tài sản là sản phẩm của nhiệm vụ KHCN đã được hội đồng nghiệm thu để thực hiện giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo quy định của Nhà nước.

Đồng thời, chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc ký hợp đồng, thực hiện đề tài, nhiệm vụ KH&CN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đảm bảo thời gian theo thuyết minh được phê duyệt và thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đối với các đề tài theo đúng hướng dẫn của ĐHQGHN.

ĐHQGHN cũng cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chưa chấp hành chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động của phòng TNTĐ công nghệ Enzym và Protein (cấp Nhà nước), để tồn tại trong nhiều năm. KTNN kiến nghị ĐHQGHN phối hợp với Bộ KHCN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động của Phòng TNTĐ, báo cáo Chính phủ về phương án sắp xếp hoạt động của Phòng này để hoạt động hiệu quả.

KTNN kiến nghị ĐHQGHN ban hành quyết định thay thế Hướng dẫn số 4633/HD-ĐHQGHN ngày 26/11/2015 về việc xây dựng và thực hiện dự án đầu tư ở ĐHQGHN để phù họp với chức năng, nhiệm vụ của các Ban Khoa học Công nghệ, Ban Kế hoạch - Tài chính theo Quyết định số 3888/QĐ-ĐHQGHN ngày 3/11/2022 và các văn bản liên quan.

Cùng chuyên mục
Kiến nghị Đại học Quốc gia Hà Nội chấm dứt việc phân bổ, giao dự toán, sử dụng kinh phí không đúng quy định