Kiến nghị kiểm toán giúp hoàn thiện cơ chế, thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường

(BKTO) - Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), hoạt động kiểm toán đóng vai trò quan trọng nhằm đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, sử dụng tài chính công, từ đó chỉ ra những lỗ hổng của pháp luật và đưa ra những kiến nghị phù hợp, kịp thời.

4.-ktnn-to-chuc-toa-dam-chia-se-kinh-nghiem-kiem-toan-viec-quan-ly-su-dung-kinh-phi-bao-ve-moi-truong-va-ung-pho-bien-doi-khi-hau-giai-doan-2021-2023.-anh-nguyen-ly.jpg
KTNN tổ chức Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023. Ảnh: N.LY

Vẫn còn những kẻ hở trong cơ chế, chính sách và thực thi pháp luật

Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chú trọng và triển khai nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động lĩnh vực môi trường. Giai đoạn 2015-2023, KTNN đã thực hiện 12 cuộc kiểm toán về công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, làng nghề; chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu; quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công… Ngoài ra, còn có trên 30 cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ có lồng ghép các nội dung về môi trường.

Năm 2024, KTNN triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành “Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2023” tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và 12 tỉnh, thành phố. Kết quả kiểm toán cho thấy, các Bộ, ngành được giao chủ trì, phối hợp vẫn chưa hoàn thành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật để thi hành Luật BVMT. Công tác phối hợp của các Bộ, ngành với Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đầy đủ dẫn đến việc xây dựng, ban hành văn bản chưa kịp thời.

Giai đoạn 2021-2023, có 11/37 nhiệm vụ môi trường mới nhưng chưa được phê duyệt và bố trí dự toán, ảnh hưởng đến công tác xây dựng, ban hành một số văn bản quy định, hướng dẫn về BVMT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do cần có kết quả, sản phẩm của các nhiệm vụ môi trường làm cơ sở khoa học để xây dựng quy định, hướng dẫn.

Tại các địa phương được kiểm toán, KTNN chỉ ra nhiều bất cập, chậm trễ trong ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; chưa sử dụng toàn bộ nguồn thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản để hỗ trợ nhiệm vụ bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương; cấp phát kinh phí bằng hình thức lệnh chi tiền trả kinh phí cho nhà thầu thực hiện hợp đồng dịch vụ BVMT không đúng quy định.

Nhiều địa phương chưa có cơ chế thúc đẩy việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải một cách hiệu quả; tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị đạt tỷ lệ rất thấp; lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường cao; hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Việc nghiệm thu, quyết toán chưa chặt chẽ, còn tình trạng xe chở rác chở quá trọng tải, công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải, tính toán khối lượng, cự ly vận chuyển rác chưa chính xác.

Bên cạnh đó, khung pháp lý quốc gia về thích ứng với BĐKH chưa thể hiện đầy đủ tầm nhìn đến năm 2030 và chưa phù hợp với thực tiễn, quy định hiện hành. Kết quả kiểm toán công tác quản lý một số dự án đầu tư sử dụng kinh phí BVMT và ứng phó với BĐKH cho thấy, nhiều sai sót trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế thi công và dự toán, lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng, quản lý khối lượng, đơn giá, chất lượng công trình, quyết toán dự án hoàn thành.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh - KTNN chuyên ngành III, những sai sót này một phần nguyên nhân đến từ đơn vị sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường, nhưng cũng có một số trường hợp do cơ chế, chính sách quản lý chưa rõ ràng, kịp thời. Từ các phát hiện kiểm toán, KTNN đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện 16 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 7 văn bản luật và 5 văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Quan trọng hơn, từ kết luận, kiến nghị kiểm toán, các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, đơn vị đã thay đổi quan điểm, nhận thức và cách triển khai nhiệm vụ về môi trường.

Tiếp tục triển khai kiểm toán môi trường trên phạm vi toàn Ngành

Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Thanh Hà, các vấn đề liên quan tới môi trường và BĐKH mang tính chất phức tạp, liên ngành, liên lĩnh vực và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng dễ bị tổn thương và sự phát triển bền vững của quốc gia. Do đó, thời gian tới, KTNN sẽ tiếp tục triển khai chuyên đề kiểm toán này trên phạm vi toàn Ngành tại các địa phương khác. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế, do tính chất phức tạp của vấn đề môi trường, trong quá trình triển khai kiểm toán, các Đoàn kiểm toán phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ giai đoạn xây dựng kế hoạch kiểm toán đến khi triển khai và lập báo cáo kiểm toán.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh cho biết, KTNN phải thực hiện cam kết với INTOSAI về việc thực hiện kiểm toán chủ đề đánh giá hành động của Chính phủ đối với ứng phó BĐKH. Trong khi đó, các hành động của Chính phủ chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án và liên tục điều chỉnh phù hợp với bối cảnh quốc gia và cam kết quốc tế. Vì vậy, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán phải nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng.

Tại tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023, các Đoàn kiểm toán cho rằng, KTNN cần tăng cường kiểm toán môi trường, BĐKH và các mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng việc phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị hoàn thiện. Từ đó, nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm của kiểm toán viên trong lĩnh vực này, làm cơ sở cho việc khai thác, khảo sát thông tin.

Mặt khác, chủ đề kiểm toán cần chuyên sâu theo từng lĩnh vực, hướng tới kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí BVMT. Kinh nghiệm từ cuộc kiểm toán đã triển khai cho thấy, việc tham khảo ý kiến các chuyên gia để đưa ra phương hướng, phương pháp kiểm toán phù hợp là rất cần thiết. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả trong thu thập, khảo sát thông tin cũng như giảm áp lực về thời gian kiểm toán; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường và các vấn đề, cơ chế, chính sách hiện hành để làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc lựa chọn chủ đề kiểm toán và xây dựng tiêu chí kiểm toán./.

Kết quả kiểm toán liên quan đến lĩnh vực môi trường thời gian qua đã giúp các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, đơn vị thay đổi quan điểm, nhận thức, cách làm việc, quản lý và triển khai nhiệm vụ BVMT, thích ứng BĐKH. Đồng thời, KTNN cũng hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực, cơ hội cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, trong đó có nguồn lực để BVMT và ứng phó với BĐKH.

Cùng chuyên mục
Kiến nghị kiểm toán giúp hoàn thiện cơ chế, thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường