Kiến nghị Quốc hội gỡ vướng cho công tác quy hoạch

(BKTO) – Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.



Chiều 25/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe trình bày báo cáo và cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh tham dự phiên họp.
                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Hành lang pháp lý cần thiết cho tổ chức thực hiện lập quy hoạch

Trình bày báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, quy hoạch là nhiệm vụ khó, phức tạp, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các vùng, các địa phương. Do đó, trong quá trình giám sát, lãnh đạo Quốc hội đã dành thời gian để tham dự nhiều cuộc làm việc với Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hoặc họp Đoàn.

Đặc biệt, ngày 21/4/2022, lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo Chính phủ để đánh giá kỹ lưỡng các kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là thống nhất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác quy hoạch trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đã được xây dựng và ban hành tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai lập và tổ chức thực hiện quy hoạch.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó trưởng Đoàn giám sát trình bày kết quả giám sát. Ảnh: quochoi.vn

   

Theo đó, đã sửa đổi 73 luật, pháp lệnh; 6 Nghị quyết của Quốc hội; 1 Nghị quyết UBTVQH. Chính phủ ban hành 42 Nghị định, 6 Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Chỉ thị, 2 Quyết định; các Bộ ban hành 94 Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đã được triển khai tích cực. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 108/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 40/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 62/63 quy hoạch tỉnh.

Đến nay, có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt. Ngoài ra, nhiều quy hoạch các cấp cũng đang trong quá trình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí với tổng số vốn dự toán đã duyệt là 4.367,99 tỷ đồng. Số giải ngân tính đến 28/2/2022 của các Bộ, ngành là 244,687 tỷ đồng (bằng 19,67%); các địa phương là 1.147,45 tỷ đồng (bằng 36,72%).

Chính phủ đã ban hành Danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực, 04 Bộ đã ban hành quyết định bãi bỏ 61 quy hoạch và 51 địa phương đã ban hành quyết định bãi bỏ 507 quy hoạch sản phẩm, đã góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, Luật Quy hoạch trong quá trình triển khai còn khó khăn, vướng mắc, một số quy định còn bất cập. Đó là, tồn tại cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong Luật Quy hoạch như nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia; khái niệm “tích hợp quy hoạch”.

Việc lập đồng thời các quy hoạch gặp khó khăn; quy định về kinh phí trong hoạt động quy hoạch chưa phù hợp; chưa quy định thời hạn để hoàn thành các quy hoạch; việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm và còn bất cập.
                
   

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch còn bất cập, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ như một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất còn chưa thống nhất về phạm vi, đối tượng dẫn đến sự thiếu đồng bộ về nội dung của các loại quy hoạch này trên cùng một đơn vị lãnh thổ…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra, lực lượng tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế về số lượng, khó lựa chọn được tư vấn có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm; một đơn vị tư vấn tham gia lập đồng thời nhiều quy hoạch có thể dẫn đến không bảo đảm chất lượng.

Trong tổng số 110 đơn vị tư vấn đã ký hợp đồng tư vấn lập quy hoạch cho các Bộ, ngành, địa phương, trong đó một số đơn vị tư vấn đồng thời tư vấn cho nhiều quy hoạch. “Việc lựa chọn tư vấn còn gặp khó khăn do thủ tục đấu thầu phức tạp. Mặt khác, từ nay đến cuối năm 2022 thời gian không còn nhiều, số lượng quy hoạch dự kiến được trình Hội đồng thẩm định rất lớn có thể dẫn đến tình trạng quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định” - Phó trưởng Đoàn giám sát cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Trong đó, một số giải pháp cần thiết phải triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 như: cho phép Chính phủ thực hiện các giải pháp thúc đẩy công tác lập quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi; nghiên cứu, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc; Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Về giải pháp trong dài hạn, Đoàn giám sát đề xuất cần tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; tiếp tục rà soát các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác quy hoạch bảo đảm đồng bộ thống nhất với Luật Quy hoạch sau khi đã được sửa đổi, bổ sung.

Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao kết quả giám sát, báo cáo giám sát. UBTVQH đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện báo cáo tóm tắt và video, với mục tiêu là có một nghị quyết của Quốc hội, trong đó tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc để lập, duyệt được các quy hoạch trong thời gian sớm nhất, bảo đảm chất lượng.
Đ. KHOA




Cùng chuyên mục
Kiến nghị Quốc hội gỡ vướng cho công tác quy hoạch