Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thanh, quyết toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19

(BKTO) - Kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” đã được Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp sáng 11/4.

110420230809-z4254563822004_576dc8bc7ecd206610dbc0e5d631cc08.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tóm tắt kết quả giám sát. Ảnh: VPQH

Huy động hơn 236 nghìn tỷ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19

Báo cáo tại phiên họp về việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, qua giám sát cho thấy công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch.

Đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) là trên 189 nghìn tỷ đồng, huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vắc xin), tài trợ là trên 47 nghìn tỷ đồng.

Quỹ Vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng; tổng số vắc xin nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều, trong đó, riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực huy động để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch về cơ bản đã được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thực hiện theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp đã tiến hành kiểm toán, kiểm tra, thanh tra về công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống Covid-19. Qua đó đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế và kiến nghị các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục.

Nhiều khó khăn trong quản lý, thanh, quyết toán

Bên cạnh kết quả đạt được, kết quả giám sát cũng chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

110420230850-z4254676061055_557eebc588b5d4febf754e2410a7d475.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Đó là, hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh, tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch; mới chỉ có các phương án phòng, chống dịch theo tình trạng khẩn cấp mà chưa có phương án trong tình trạng cấp bách (chưa đến mức khẩn cấp).

Việc ban hành chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời; một số chính sách chưa đạt được kết quả như dự kiến.

Bên cạnh đó là những khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ NSNN. Các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh; còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.

Những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán chưa được các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn kịp thời hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chậm chi trả chế độ hỗ trợ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch và chi hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Việc tiếp nhận trang thiết bị, phương tiện, thuốc, sinh phẩm, hóa chất được tài trợ thiếu thủ tục, hồ sơ, không xác định được giá trị tài sản dẫn đến không đủ cơ sở pháp lý trong việc xác nhận quyền sở hữu toàn dân, quản lý, theo dõi, hạch toán.

Trong nước chưa chủ động được nguồn thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế, sinh hóa phẩm; một số tỉnh, thành phố tuy đã có kế hoạch ứng phó nhưng nguồn lực tại chỗ chưa thể đáp ứng ngay, chưa đảm bảo được nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch nhất là trong giai đoạn dịch bùng phát nhanh, phức tạp, thực hiện giãn cách kéo dài...

Từ kết quả giám sát, với mục tiêu tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phải hoàn thành trước 31/12/2023.

Cụ thể là cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đối với thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị thực tế sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn trước ngày 31/12/2022 theo giá và thủ tục thanh toán do Chính phủ quy định.

Cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đã cung cấp thực tế dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có hợp đồng đặt hàng theo khối lượng thực tế phát sinh theo giá do UBND cấp tỉnh quyết định.

Đồng thời, cho phép xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản được tài trợ, cho, biếu, tặng từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/12/2022 tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực tế đã tiếp nhận, quản lý, sử dụng nhưng vì lý do khách quan nên không có đủ hồ sơ, tài liệu, không xác định giá trị hoặc giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ có sự chênh lệch cao hơn so với giá mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường hoặc trên cổng thông tin của cơ quan chức năng. Chính phủ hướng dẫn việc thành lập hội đồng để xác nhận giá trị tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản quy định tại Nghị quyết./.

Cùng chuyên mục
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thanh, quyết toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19