Nêu cao quyết tâm phòng, chống tham nhũng
Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, KTNN xác định công tác PCTNTC là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do đó, toàn Ngành đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác này.
Tại các cuộc họp của Ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu PCTNTC trong hoạt động kiểm toán và yêu cầu lãnh đạo các đơn vị nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các quy định về PCTNTC; cụ thể hóa các nội dung, giải pháp để chỉ đạo thực hiện, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, đảm bảo mọi hoạt động được công khai, minh bạch; góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của KTNN trong công tác PCTNTC.
Là đơn vị được Tổng Kiểm toán nhà nước giao theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo việc thực hiện Kế hoạch PCTNTC năm 2023 của KTNN, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, KTNN đang nỗ lực xây dựng văn hóa liêm chính, tạo chuyển biến rõ rệt trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; trong đó “loại bỏ các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán” - ông Tuấn nhấn mạnh; đồng thời cho biết thêm, KTNN cũng phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực để PCTNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Để thực hiện được yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước giao, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải cho biết, trước hết, KTNN cần tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản về hoạt động của KTNN, cụ thể hóa Luật KTNN nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả cho hoạt động của Ngành và công tác PCTNTC. “Hiện, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đã được ban hành, Vụ Pháp chế đang tập trung xây dựng hướng dẫn xử phạt vi phạm để tổ chức triển khai hiệu quả Pháp lệnh” - ông Hải cho biết và nhấn mạnh, đơn vị cũng đang khẩn trương phối hợp hoàn thiện Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, trong đó tập trung xây dựng và ban hành hướng dẫn kiểm toán đối với lĩnh vực kiểm toán mới, các chuyên đề kiểm toán lớn, phạm vi toàn Ngành; quy trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia...
Theo TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, xác định công tác kiểm soát đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro, giúp nâng cao chất lượng kiểm toán, Vụ đã tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán, phù hợp với Luật KTNN và thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán. Trước những nhiệm vụ mới đặt ra, Vụ sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung Hệ thống chuẩn mực KTNN; Quy trình kiểm toán của KTNN; Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán… để làm cơ sở cho hoạt động kiểm toán được tổ chức thực hiện đúng quy định, đạt kết quả cao.
Thông qua hoạt động kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Với vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực tài chính công, tài sản công, thông qua đó để phòng ngừa, phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, KTNN ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao hiện nay.
Theo đó, ngoài việc tăng cường giám sát, kiểm soát, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực từ nội ngành, KTNN sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán; trong đó đẩy mạnh kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước; một số chuyên đề giám sát của Quốc hội và tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, cùng các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. “Trước mắt, KTNN sẽ tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện hoạt động kiểm toán” - ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết.
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTNN sẽ tập trung đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện các bất cập, vướng mắc để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, bịt lỗ hổng cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Đặc biệt, KTNN sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTNTC trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng, tiêu cực do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán.
Bên cạnh đó, các đơn vị kiểm toán cho rằng, để nâng cao tính hiệu lực của hoạt động kiểm toán, KTNN cần tập trung kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo công khai tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan khác có liên quan theo quy định. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNN khu vực V sẽ tiếp tục rà soát các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng, nhất là kiến nghị xử lý trách nhiệm liên quan đến sai phạm được phát hiện qua hoạt động kiểm toán để tiếp tục kiến nghị xử lý triệt để, góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật, từ đó giúp chấn chỉnh, phòng ngừa các nguy cơ tham nhũng, tiêu cực - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín cho biết./.
Các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trong quá trình kiểm toán nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, Thủ trưởng đơn vị phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm toán.
- Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn -