Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân

(BKTO) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân.

http-media.baokiemtoannhanuoc.vn-files-library-images-2-43.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964. Ảnh tư liệu

Ngày 03/02/1969, kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố tác phẩm nổi tiếng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, trong đó có nội dung: Từng cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết và phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật…

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô…”.

Ngày 03/02/1963, trong bài viết “Đoàn kết tiến lên giành thắng lợi mới” đăng trên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Cá nhân chủ nghĩa: Ít nghĩ đến lợi ích chung của cách mạng, của nhân dân, mà thường lo cho lợi ích riêng của mình. Tham danh lợi, hay suy tị. Có chút thành tích thì tự cao, tự đại, kiêu ngạo, công thần, gây lủng củng trong nội bộ”.

Từ đó, Ngưởi chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc đối với cách mạng, đối với chủ nghĩa xã hội. Trong bài viết “Đạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập số 12 - 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”. Tháng 3/1961, khi bàn về Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Kẻ thù nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội chính là chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và do đó thắng lợi của chủ nghĩa xã hội sẽ không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân và theo Người: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, chủ nghĩa cá nhân nhất định phải tiêu diệt”.

Đồng thời với khẳng định đó, Bác yêu cầu: “Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về giữ gìn đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Cả cuộc đời của Người đã thực hiện trọn vẹn đúng như Di chúc mà Người để lại cho chúng ta: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu dài hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Hơn 92 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thường xuyên có chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực, hiệu quả để phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Nỗ lực rèn luyện phấn đấu của toàn Đảng đã tạo sức mạnh to lớn để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh đủ sức lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vừa qua, phát biểu tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Hơn 90 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho đất nước; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ”.

Tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi Đảng phải tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân với quyết tâm cao, biện pháp đồng bộ để kiên quyết, kiên trì “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Giải pháp quan trọng (và cũng là bài học thành công trong thời gian qua) đòi hỏi từng cán bộ, đảng viên phải thật sự tự giác, kiên quyết, kiên trì gương mẫu, rèn luyện, phấn đấu. Sự nguy hiểm, tác hại ghê gớm của chủ nghĩa cá nhân đặt ra yêu cầu cho mỗi cán bộ, đảng viên cần kiên quyết, kiên trì tu dưỡng rèn luyện từ những việc nhỏ nhất, thực hiện thường xuyên như rửa mặt hằng ngày. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức” đã chỉ rõ: “Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”, trong đó “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng “Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”. Đặc biệt, việc tự giác gương mẫu tự rèn luyện tu dưỡng của cán bộ, đảng viên được thực hiện đồng bộ cùng với đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Đồng thời, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân phải tích cực tham gia triển khai các biện pháp tích cực, khả thi vào cuộc chiến đấu cam go này. Đảng cần đẩy mạnh cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần kiên quyết, kiên trì, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Một trong những biện pháp quan trọng đã được Nghị quyết Đại hội XIII xác định là: “Sàng lọc, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Đồng thời với việc thi hành xử lý nghiêm minh các cán bộ, đảng viên sai phạm theo tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm thì cần làm tốt, kịp thời chu đáo quyết tâm của Đảng “Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội”.

Chúng ta cũng cần chú ý đến vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền các cấp và hiệu quả tự phòng ngừa, tự phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân. Phải huy động được sức mạnh tổng hợp để góp phần khắc phục cho bằng được tình trạng khuyết điểm mà Đảng đã thẳng thắn chỉ ra: Ở một số Bộ, ngành, địa phương, công tác chống tham nhũng, lãng phí chưa có chuyển biến rõ rệt, có nơi việc phòng ngừa còn hình thức. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu. Trên một số địa bàn, lĩnh vực tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp…

Sự tham gia của quần chúng nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân có ý ngĩa rất quan trọng. Cần xác định đây vừa là tình cảm, vừa là quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của quần chúng nhân dân. Ngay từ tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra rằng: “Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dân có quyền lựa chọn những cán bộ như thế”. Sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân đã và đang tạo cơ sở thuận lợi để nhân dân ta tích cực tham gia xây dựng Đảng, thực hiện tốt tình cảm, trách nhiệm của mình với Đảng nhằm thực hiện nhiệm vụ cao cả là xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Cùng chuyên mục
  • Áp lực lạm phát gia tăng
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Mặc dù Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2021 song so với tháng 12/2021, CPI tháng 9/2022 đã tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.
  • Để phát triển kinh tế tuần hoàn
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020: “Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
  • “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Vai trò, vị trí, sự đóng góp to lớn của phụ nữ với xã hội cũng như vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới luôn là vấn đề quan trọng được cả nhân loại quan tâm, chú ý.
  • Bức tranh kinh tế tích cực của Việt Nam không thể bị xuyên tạc
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đã và đang dành được những thành tựu to lớn, toàn diện, hứa hẹn tương lai tươi sáng. Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ lớn, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
  • Phát triển nội lực và thị trường trong nước
    2 năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở hàng đầu trên thế giới khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm lên tới trên dưới 200% GDP và khu vực FDI đóng góp tới khoảng 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 1/5 GDP. Hơn thế nữa, chính khu vực FDI thường xuyên chiếm tới 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đi đôi với thặng dư cán cân thương mại trong khi khu vực kinh tế trong nước chịu thâm hụt thương mại thường xuyên. Bên cạnh đó, mấy năm gần đây, Việt Nam tuy có thặng dư cán cân thương mại hàng hó
Kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân