Mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu từ hàng chục năm qua đã và đang khiến cho nền kinh tế nước ta ngày càng phụ thuộc sâu và nhiều hơn vào nước ngoài, từ nguồn lực tài chính - tiền tệ đến công nghệ, thị trường và cả nguồn lao động chất lượng cao; trong khi nguồn nội lực chưa được phát huy và khai thác tốt cùng với thị trường trong nước chưa được coi trọng và phát triển tương xứng. Nếu khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động xuất khẩu được hưởng nhiều chính sách ưu đãi và thủ tục đơn giản như: chính sách thuế, chính sách đất đai, chính sách lao động tiền lương... thì ngược lại, khu vực kinh tế và thị trường trong nước luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ tiếp cận các nguồn lực như: đất đai, tiền tệ tín dụng, lao động... đến áp lực từ chính sách quản lý thuế, quản lý giá, quản lý thị trường..., thậm chí cả một “rừng” thủ tục rườm rà phức tạp lẫn hệ thống thanh, kiểm tra trùng trùng điệp điệp...
Trong bối cảnh khó khăn đó, chỉ riêng khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn chiếm gần 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp trên 40% GDP, còn thị trường trong nước cũng ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ cho 100 triệu người tiêu dùng với tiêu dùng cuối cùng chiếm khoảng 70% GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng tới 2 con số mỗi năm.
Rõ ràng, mặc dù khu vực kinh tế FDI và dòng hàng hóa hướng ra thị trường quốc tế được hưởng nhiều ưu đãi, được tạo điều kiện thuận lợi tối đa, song vẫn chủ yếu dựa trên ưu thế giá rẻ, từ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, lao động, tài nguyên, thuế phí ưu đãi, chi phí bảo vệ môi trường, chi phí đầu tư..., còn phần lớn sản phẩm tạo ra vẫn dừng lại ở gia công lắp ráp với giá trị gia tăng thấp. Tuy những năm gần đây, ở Việt Nam đã có mặt một số tập đoàn xuyên quốc gia nhưng những khâu sản xuất chủ yếu vẫn chưa phải là công nghệ cao và chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng. Chính vì vậy, tuy Việt Nam liên tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, song vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và chất lượng tăng trưởng cũng như phân bổ kết quả tăng trưởng còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, sự phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư và thị trường nước ngoài còn làm cho sự chủ động trong hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta bị hạn chế đáng kể.
Bối cảnh kinh tế thế giới dự báo có thể lâm vào suy thoái kinh tế, thậm chí đình lạm ngay từ năm 2023 nhất định sẽ gây ra hàng loạt khó khăn và thách thức cho mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu, nhưng lại hoàn toàn là cơ hội, thậm chí là vận hội cho nền kinh tế Việt Nam nếu mạnh dạn chuyển định hướng chiến lược sang phát huy nội lực và phát triển thị trường trong nước. Một mặt, Việt Nam chỉ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ cao mà trong nước chưa thể tự chủ được và dự án đầu tư gắn với những “mắt xích” tạo ra giá trị gia tăng cao ở Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam cần dựa trên lợi thế cạnh tranh tuyệt đối và tương đối về hàm lượng công nghệ, chất lượng và giá trị gia tăng cao nhất. Mặt khác, khu vực kinh tế trong nước cần được hưởng môi trường đầu tư và các ưu đãi đầu tư tương tự hoặc ít nhất là gần bằng các nhà đầu tư nước ngoài. Ưu tiên phát triển thị trường trong nước cần trở thành chiến lược cho giai đoạn phát triển mới, cả ưu tiên phát triển nguồn cung hàng hóa dịch vụ có chất lượng cao lẫn phát triển cầu có khả năng thanh toán trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát tốt lạm phát.
Với mô hình kinh tế phát huy nội lực và hướng vào phát triển thị trường trong nước, Việt Nam không chỉ giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài, tăng tính độc lập tự chủ trong tăng trưởng kinh tế cũng như trong hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô mà còn tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn, bền vững hơn và phân phối kết quả tăng trưởng công bằng hơn./.