Hải Dương hỗ trợ cơ sở nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số

(BKTO) - Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hải Dương hỗ trợ 50% chi phí mua trang thiết bị để sử dụng nền tảng kỹ thuật số, xây dựng hệ thống điều khiển từ xa... cho các cơ sở nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số.

l_hai-duong-co-hon-15.500-ha-rau-mau-trai-cay-san-xuat-theo-quy-trinh-gap.-trong-do-co-hon-1.500-ha-duoc-cap-giay-chung-nhan-dat-chuan-vietgap-globalgap.jpg
Hải Dương hỗ trợ cho các cơ sở nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số. Ảnh sưu tầm

Kinh phí hỗ trợ mỗi cơ sở nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số không quá 500 triệu đồng. Đây là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trên địa bàn Hải Dương vừa được Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh ban hành.

Cùng một thời điểm và cùng một nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách hỗ trợ có lợi nhất. Mỗi đối tượng thụ hưởng được hưởng không quá 3 chính sách hỗ trợ theo quy định này.

Tập trung hỗ trợ các chủ thể có kế hoạch, chương trình, dự án sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ... phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh; đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường.

Kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp chỉ giải ngân sau khi các chủ thể được hỗ trợ đã hoàn thành dự án, công trình và có đầy đủ hồ sơ theo quy định. Vốn đầu tư công cấp tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.

Cũng theo quy định này, về chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp, tỉnh Hải Dương sẽ hỗ trợ thuê đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn; xây dựng nhà màng để trồng cây rau màu, hoa cây cảnh có giá trị kinh tế cao; mở rộng diện tích cây vụ đông; sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP phục vụ xuất khẩu; thực hiện sản xuất chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn dịch bệnh động vật; đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số; xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ nông sản…

Về chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư phát triển, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới nước tiên tiến tiết kiệm nước, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch…

Hiện toàn tỉnh có 542,5 ha lúa sản xuất trên diện tích khai thác rươi cáy, cơ bản không dùng phân bón và thuốc hóa học, sản lượng thóc sản xuất hữu cơ trên 2.000 tấn/năm; rau sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 30 ha, với sản lượng 750 tấn/năm. Dự kiến đến năm 2030, diện tích lúa sản xuất hữu cơ khoảng 750 ha, với sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm; rau màu 500 ha, với sản lượng 12.500 tấn/năm; cây ăn quả khoảng 300 ha, sản lượng 4.500 tấn/năm.

Để được hỗ trợ, các đối tượng (các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) phải bảo đảm các điều kiện như sản xuất rau thủy canh, khí canh, dưa lưới, dưa thơm, cây giống... trong nhà màng có quy mô tối thiểu 3.000 m2.

Các vùng sản xuất thủy sản tập trung bảo đảm có quy mô từ 5 ha trở lên, cơ sở nuôi cá sông trong ao hoặc các cơ sở sản xuất giống.

Cơ sở chăn nuôi có quy mô tối thiểu bảo đảm một trong các điều kiện: 100 con lợn nái, đực giống; 1.000 con lợn thịt hoặc trại chăn nuôi hỗn hợp từ 500 con gồm lợn nái và lợn thịt; 3.000 con gia cầm sinh sản hoặc 5.000 con gia cầm thương phẩm; 100 con trâu, bò sinh sản hoặc 200 con trâu, bò thịt trở lên./.

Cùng chuyên mục
Hải Dương hỗ trợ cơ sở nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số