Kinh nghiệm thành công từ một cuộc kiểm toán trọng điểm

(BKTO) - Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư ở tỉnh Đắk Lắk vào năm 2009. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 5 năm, tính từ ngày khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

anh.jpg
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần quyết tâm đã làm nên cuộc kiểm toán “vàng”. Ảnh tư liệu

Nhiều phát hiện nổi bật từ một cuộc kiểm toán khó, phức tạp

Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư ở tỉnh Đắk Lắk. Dự án do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 làm chủ đầu tư công trình đầu mối và hệ thống kênh. Riêng UBND tỉnh Đắk Lắk chọn chủ đầu tư xử lý việc giải phóng mặt bằng, đền bù và di dân tái định cư.

Triển khai kế hoạch kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt, Đoàn kiểm toán đã nỗ lực thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng chú ý tại cuộc kiểm toán vốn được đánh giá là rất khó, liên quan đến nhiều chính sách về quản lý rừng, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng… Những kết quả này đã được Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá cao và là một trong hai cuộc kiểm toán được khen thưởng đột xuất năm vừa qua. 

Qua kiểm toán, Đoàn kiểm toán đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng, như: Công tác khảo sát, thiết kế chưa phù hợp với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án; hồ sơ thiết kế còn chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành thủy lợi... 

Đáng chú ý, việc tuân thủ quy định công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng các loại; trồng rừng thay thế chưa được thực hiện theo quy định.  Theo kết quả kiểm toán, diện tích đất tại vùng thực hiện dự án 2.860,2 hécta chưa được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng dự án... 

Tại thời điểm kiểm toán (năm 2022), Đoàn kiểm toán xác định có nhiều chênh lệch giữa số liệu điều tra, phúc tra diện tích rừng cần chuyển đổi với số liệu đất có rừng tại dự án, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân, xử lý. 

Đặc biệt, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được Đoàn kiểm toán xác định là có nhiều sai sót. Đơn cử, qua kiểm tra 100 bộ hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, Đoàn kiểm toán chỉ ra nhiều tồn tại: Bồi thường, hỗ trợ cho 02 đối tượng khác nhau đối với cùng 01 thửa đất hoặc cùng 01 thửa đất nhưng hỗ trợ 02 lần cho 01 đối tượng, số liệu kiểm đếm để lập phương án cũng khác nhau mặc dù thời điểm kiểm đếm gần nhau; bồi thường, hỗ trợ với số lượng, khối lượng, đơn giá của nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng không phù hợp với biên bản kiểm đếm; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp không đúng đối tượng; hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân không đúng theo tỷ lệ diện tích thu hồi đất trên tổng diện tích đất; không xác nhận thời điểm cụ thể bắt đầu sử dụng đất ổn định của các hộ dân để làm căn cứ áp dụng mức hỗ trợ. 

Qua kiểm toán về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư xây dựng kênh chính bắc từ K10+760, hệ thống kênh cấp 1 trở xuống hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk, Đoàn kiểm toán của KTNN khu vực XII có nhiều phát hiện nổi bật, cả trong công tác quản lý đầu tư, lẫn chế độ chính sách. Đây chính là kết quả đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm của KTNN khu vực XII và sự đồng lòng, quyết tâm hành động của Đoàn kiểm toán.

UBND tỉnh Đắk Lắk quy định việc hỗ trợ về đất không đủ điều kiện bồi thường với thời điểm sử dụng đất kể từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014 trong đó có đất lấn, chiếm của các Công ty lâm nghiệp là chưa có cơ sở pháp lý... 

Từ những phát hiện qua kiểm toán, ngoài những kiến nghị xử lý tài chính, Đoàn kiểm toán còn kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan thanh tra làm rõ 03 vụ việc, các cơ quan chức năng có liên quan làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 04 nội dung; 

Kiến nghị địa phương kiểm điểmtrách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với việc: Trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại khu tái định cư số 2 vốn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn sai sót… 

Chuẩn bị nguồn lực tốt nhất cho cuộc kiểm toán

Theo KTNN khu vực XII, xác định cuộc kiểm toán có liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; cũng như công tác chuyển đổi đất rừng diễn ra trong thời gian dài rất phức tạp, lãnh đạo đơn vị đã đặc biệt chú trọng vào công tác chuẩn bị, trong đó tập trung mọi nguồn lực tốt nhất để thực hiện cuộc kiểm toán. 

Là Trưởng đoàn cuộc kiểm toán, Phó Kiểm toán trưởng Phạm Danh Bình cho biết, xác định đây là một trong những cuộc kiểm toán trọng điểm trong kế hoạch kiểm toán năm 2022, với độ phức tạp cao, Kiểm toán trưởng đã chỉ đạo tập trung nguồn lực tốt nhất để tham gia Đoàn kiểm toán. Theo đó, bám sát kế hoạch kiểm toán do Tổng Kiểm toán nhà nước giao, KTNN khu vực XII đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết và phương án triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, hướng đến thực hiện cuộc kiểm toán đạt kết quả cao, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. 

Xác định các phát hiện về lỗ hổng chính sách, quy định đóng vai trò rất quan trọng, được Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu đơn vị kiểm toán chú trọng làm rõ, lãnh đạo đơn vị đã quán triệt đến Đoàn kiểm toán tập trung vào vấn đề này để chủ động tìm hiểu, nắm bắt từ nhiều nguồn thông tin trước khi thực hiện kiểm toán. “Để xác định được các cơ chế, chính sách bất cập đòi hỏi kiểm toán viên phải nghiên cứu kỹ pháp luật chung và quy định chuyên ngành để có thể đối chiếu, đánh giá tính hợp pháp và hợp lý của cơ chế, chính sách” - Phó Kiểm toán trưởng Phạm Danh Bình nói

Theo ông Bình, ngoài kiến nghị xử tài chính, xử lý trách nhiệm, việc kiến nghị sửa đổi 02 văn bản của địa phương là minh chứng rõ nhất cho quá trình chuẩn bị rày công, từ khâu khảo sát, thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán cho đến triển khai kiểm toán, giúp cho các phát hiện kiểm toán "đúng" và "trúng" theo yêu cầu đặt ra. 

Để quá trình kiểm toán được tổ chức thuận lợi và đạt kết quả cao, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên yêu cầu các đơn vị kiểm toán cần chuẩn bị từ sớm, từ xa, đảm bảo nguồn lực tốt nhất khi tiến hành kiểm toán. Theo đó, khi thẩm định báo cáo cuộc kiểm toán này, các Vụ tham mưu cũng cho rằng, cuộc kiểm toán đã bám sát chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác chuẩn bị kiểm toán; đồng thời đánh giá cao tinh thần quyết tâm của Đoàn kiểm toán trong việc tập trung tìm tòi, phát hiện bất cập để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, sửa đổi quy định. 

"Trước khi tiến hành kiểm toán, đơn vị đã tổ chức phổ biến sâu rộng về kế hoạch, nội dung, mục tiêu kiểm toán và các kiểm toán viên nghiên cứu, trao đổi để thống nhất thực hiện trong quá trình triển khai kiểm toán" - ông Bình cho biết. 

Bên cạnh nhiệm vụ kiểm toán, lãnh đạo đơn vị xác định công tác kiểm soát đóng vai trò quan trọng, góp phần ngăn ngừa rủi ro, sai sót trong quá trình kiểm toán, do đó, trong quá trình chuẩn bị, lãnh đạo KTNN khu vực XII đã bố trí các nhân sự có chuyên môn, giàu kinh nghiệm nhất để tham gia kiểm soát, phối hợp với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán để kiểm soát, từ khâu khảo sát cho đến khi phát hành báo cáo kiểm toán. 

dsc_4779.jpg
Lựa chọn nhân sự tham gia vào công tác kiểm toán là yếu tố quan trọng quyết định thành công của cuộc kiểm toán. Ảnh: tư liệu

Là bộ phận tham gia kiểm soát hồ sơ của cuộc kiểm toán toán, lãnh đạo Phòng Ngân sách Địa phương (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) cho biết, cuộc kiểm toán có nội dung đánh giá tương đối khó, do dự án kéo dài, liên quan đến nhiều thời kỳ, chính sách thay đổi, tuy nhiên, Đoàn kiểm toán đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và cuộc kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán nhà nước khen thưởng đột xuất. /.

Cùng chuyên mục
Kinh nghiệm thành công từ một cuộc kiểm toán trọng điểm