Chú trọng đổi mới hoạt động kiểm toán sẽ góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Đổi mới từ cách tiếp cận, chuẩn bị kiểm toán
Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI, bám sát các quy định về hoạt động kiểm toán, chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, đơn vị đã tập trung triển khai thực hiện cuộc kiểm toán với quyết tâm, nỗ lực cao nhất.
Kết quả kiểm toán đã có nhiều phát hiện nổi bật, đáng chú ý như: PVOIL chưa nộp đủ và kịp thời số tiền chênh lệch vốn nhà nước tăng từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chuyển thành công ty cổ phần theo quy định là 70 tỷ đồng, số tiền phạt chậm nộp là 49 tỷ đồng. Đoàn kiểm toán cũng phát hiện một số bất cập trong Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp nên đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để lý chặt chẽ, công khai, minh bạch Quỹ, tạo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Để có được những kết quả này, đơn vị đã triển khai các giải pháp đồng bộ, đổi mới để nâng cao chất lượng kiểm toán, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, thực hiện kiểm toán.
Theo đó, đơn vị đã thực hiện đổi mới phương thức tổ chức kiểm toán, từ việc tổ chức 01 đoàn kiểm toán có quy mô lớn, thực hiện kiểm toán toàn diện một tập đoàn kinh tế nhà nước sang hình thức tổ chức các đoàn kiểm toán có quy mô vừa, thực hiện kiểm toán một hoặc một nhóm doanh nghiệp thành viên thuộc các tập đoàn kinh tế; do đó đã giúp đơn vị có thêm năng lực và thời gian để đi sâu, tập trung nhiều hơn vào các nội dung kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động song song với mục tiêu kiểm toán xác nhận báo cáo tài chính để nâng cao chất lượng kiểm toán.
“Thay vì các năm trước, khi kiểm toán Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVOIL chỉ là một đầu mối kiểm toán của 01 Tổ kiểm toán, thực hiện trong 01 tháng và kết quả mang lại không được như mong muốn, khi còn nhiều nội dung chưa thể xem xét do giới hạn kiểm toán và nguồn lực, thời gian kiểm toán hạn chế” - lãnh đạo đơn vị cho biết.
Lưu ý công tác nhân sự đóng vai trò quyết định đến thành công của cuộc kiểm toán, lãnh đạo Đoàn cho biết, sau khi cân đối nhân sự đăng ký công tác tại cơ quan từng đợt và tham gia các khóa đào tạo dài hạn, Kiểm toán trưởng tổ chức họp cấp ủy và lãnh đạo đơn vị để rà soát, xây dựng kế hoạch dự kiến nhân sự nhằm đảm bảo sự đồng đều về chất lượng, số lượng giữa các đoàn kiểm toán.
"Cách làm này đã được đơn vị triển khai, duy trì, từng bước hoàn thiện trong những năm gần đây và đã mang lại hiệu quả rõ nét cho công tác kiểm toán. Qua đó, gắn được trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán trong việc lựa chọn nhân sự để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời tạo động lực cho từng bộ phận, cá nhân được lựa chọn tham gia các đoàn kiểm toán" – lãnh đạo Đoàn nói thêm.
Trước khi thực hiện kiểm toán, đơn vị đã tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm kiểm toán cũng như các vấn đề nghiệp vụ cần lưu ý, những vướng mắc cần thảo luận.Trưởng Đoàn kiểm toán thường xuyên quán triệt các chỉ đạo, hướng dẫn, quy định mới của Ngành, phổ biến kế hoạch kiểm toán được duyệt, nhất là các nội dung trọng tâm cần đi sâu, gắn với phương pháp, thủ tục kiểm toán cụ thể nhằm tạo sự quyết tâm, thống nhất trong nhận thức của thành viên Đoàn kiểm toán. |
Tăng cường trao đổi, tạo sự minh bạch, thống nhất cao
Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI cũng cho biết, trong quá trình thực hiện kiểm toán, Đoàn kiểm toán đã thực hiện nghiêm các quy định, nguyên tắc làm việc đoàn kết, dân chủ, minh bạch, từ đó tạo được sự thống nhất chung, thuận lợi trong toàn Đoàn.
"Trong quá trình kiểm toán, việc trao đổi phương pháp chuyên môn nghiệp vụ, các phát hiện, kết quả kiểm toán giữa các đoàn, tổ kiểm toán cũng đã được lãnh đạo đơn vị, Trưởng Đoàn kiểm toán quan tâm thực hiện nên các phát hiện kiểm toán mới nhanh chóng được nhân rộng; các vấn đề khó, vướng mắc được thảo luận tập thể, lấy ý kiến, phản biện nhiều chiều nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu lực của các kết luận, kiến nghị kiểm toán" - một kiểm toán viên tham gia Đoàn kiểm toán cho biết.
Cuộc kiểm toán chỉ thực sự mang lại kết quả cao, khi mỗi kiểm toán viên nêu cao tinh thần trách nhiệm và đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Đặc biệt, việc đi sâu kiểm toán các nội dung trọng tâm được xác định một cách kỹ lưỡng khi lập kế hoạch kiểm toán vẫn tiếp tục được nghiên cứu để điều chỉnh, hoàn thiện trong quá trình kiểm toán cho phù hợp với thực tiễn, diễn biến hoạt động kiểm toán.
Tại cuộc kiểm toán này, Đoàn kiểm toán đã triệt để áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu – phương pháp kiểm toán mới đang được KTNN tập trung triển khai áp dụng. “Qua công tác kiểm toán, Đoàn kiểm toán đã xác định việc thu nộp tiền cổ phần hóa doanh nghiệp là nội dung trọng tâm cần tập trung và kết quả kiểm toán thu được đã chứng minh nhận định đúng của Đoàn” - lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI cho biết và nói thêm, những kết quả từ cách làm này cũng đã được nhân rộng sang Đoàn kiểm toán tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam thời điểm đó.
Đánh giá về cuộc kiểm toán này, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, đại diện Phòng Doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho biết, cuộc kiểm toán có quy mô nhỏ nhưng mang lại nhiều kết quả kiểm toán có ý nghĩa không chỉ trong việc cung cấp thông tin về tính đúng đắn trung thực của báo cáo tài chính, xác định nghĩa vụ với NSNN mà còn có ý nghĩa trong việc quản trị doanh nghiệp và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong quản lý, sử dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước.
“Đây cũng là một trong số ít đoàn kiểm toán phát hành sớm so với quy định và đảm bảo chất lượng, yêu cầu về mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, nhất là trong bối cảnh vừa thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, vừa phòng, chống dịch bệnh nên càng đáng trân trọng” - lãnh đạo Phòng Doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng cho biết.
NGUYỄN LỘC