Kinh nghiệm và giải pháp tổ chức kiểm toán hiệu quả lĩnh vực tài nguyên khoáng sản

(BKTO) - Tây Nguyên là địa bàn rộng lớn, giàu tài nguyên khoáng sản (TNKS), nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng như: đất, đá, cát, sỏi… Các hoạt động về TNKS ở đây diễn ra sôi động và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của vùng. Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn “nóng” về hoạt động khai thác trái phép, khai thác không hiệu quả, gây lãng phí và thất thoát TNKS quốc gia. Qua công tác kiểm toán, KTNN khu vực XII đã phát hiện nhiều bất cập, sai sót, vi phạm; đồng thời đúc rút những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán lĩnh vực TNKS, góp phần quản lý, sử dụng, khai thác TNKS hợp lý, hiệu quả.




Để nâng cao chất lượng kiểm toán, cần làm tốt công tác thu thập thông tin, phân tích rủi ro, tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định của pháp luật về lĩnh vực TNKS. Ảnh: TTXVN

Sai sót, vi phạm trong hầu hết các khâu

Từ các cuộc kiểm toán do KTNN khu vực XII thực hiện cho thấy, những bất cập, sai sót trong công tác quản lý, sử dụng TNKS xảy ra ở hầu hết các khâu từ quy hoạch, thẩm định, cấp phép khai thác khoáng sản, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản và sai sót trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính gây thất thu NSNN.

Cụ thể là tình trạng khai thác trái phép, khai thác ngoài phạm vi mỏ được cấp phép. Chẳng hạn, tại cuộc kiểm toán chuyên đề TNKS năm 2014 tại tỉnh A, KTNN phát hiện 13 tổ chức, cá nhân khai thác đất, cát trái phép gây hủy hoại môi trường, thất thu 2,9 tỷ đồng thuế, phí; tại tỉnh B có 10 DN chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 8,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng khai thác không theo quy hoạch dẫn đến sạt lở bờ sông (đối với cát), hủy hoại môi trường; khai thác chưa tuân theo thiết kế; chế biến, vận chuyển khoáng sản ảnh hưởng đến môi trường, làm hư hỏng hạ tầng giao thông, gây bức xúc trong xã hội; khai thác không đúng công suất, khai thác vượt công suất vẫn diễn ra ở tất cả các tỉnh được kiểm toán; lợi dụng hoạt động thăm dò để khai thác khoáng sản…

Qua kiểm toán cũng phát hiện, các tổ chức, cá nhân khai thác còn chưa thực hiện đúng nghĩa vụ về thuế, phí, như: không kê khai hoặc kê khai thuế không đúng với sản lượng thực tế khai thác; khai không đúng, không đủ sản lượng tính phí bảo vệ môi trường (BVMT); tính sai, tính thiếu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định do UBND tỉnh chưa ban hành tỷ lệ quy đổi từ sản lượng (m3) sang khối lượng (tấn) khoáng sản để tính phí BVMT theo quy định; Sở Tài nguyên và Môi trường tính toán sai tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dẫn đến xác định thiếu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp NSNN đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác; Cục Tài nguyên nước xác định thiếu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với sản lượng nước của các nhà máy thủy điện (tính thiếu phần sản lượng chênh lệch giữa công suất thiết kế và công suất khai thác thực tế); khai miễn giảm Thuế Thu nhập DN cả phần doanh thu từ hoạt động khai thác khoáng sản không đúng quy định.

Trong khi đó, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật trong khai thác TNKS của các địa phương chưa được chú trọng, quyết liệt nên tình trạng khai thác trái phép kéo dài nhưng không xử lý vi phạm; thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan có chức năng của tỉnh với UBND các huyện trong công tác quản lý TNKS;... Đồng thời, việc thực hiện nghĩa vụ về môi trường như nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường chưa được thực hiện nghiêm túc, không thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, không làm thủ tục đóng cửa mỏ khi giấy phép hết hạn theo quy định.

Chú trọng các phương pháp kiểm toán đặc thù đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản

Từ thực tiễn triển khai và những phát hiện nổi bật qua các cuộc kiểm toán, có thể thấy rằng, để triển khai tổ chức kiểm toán hiệu quả lĩnh vực TNKS trong điều kiện KTNN các khu vực còn có những khó khăn, hạn chế nhất định thì cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Trước hết, đơn vị chủ trì kiểm toán phải bám sát chỉ đạo của Ngành về nội dung, mục tiêu, trọng tâm kiểm toán cũng như phương án, kế hoạch của cuộc kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt; chủ động trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong Ngành, kết hợp với tổ chức tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực TNKS; bám sát Đề cương chuyên đề của Ngành để thiết kế hệ thống mẫu biểu phù hợp cho mỗi nội dung/đơn vị cần thu thập.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác thu thập thông tin, phân tích rủi ro, tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định của pháp luật về lĩnh vực TNKS qua từng thời kỳ; tập trung phân tích chuyên sâu cơ sở dữ liệu, các thông tin có được từ các cơ quan quản lý để nắm bắt được nhiều thông tin, nhiều chiều. Từ đó có thể rút ngắn thời gian, nhanh chóng xác định được nội dung, trọng tâm, trọng yếu trong xây dựng kế hoạch kiểm toán; thành lập Đoàn kiểm toán, sắp xếp và bố trí nhân sự tham gia phù hợp.

Thực hiện kiểm toán tổng hợp tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Cục Thuế. Đặc biệt, để lựa chọn mẫu kiểm toán đạt hiệu quả trong khi áp lực về thời gian, tiến độ, kiểm toán viên cần tập trung phân tích, nhận dạng các rủi ro để lựa chọn đối tượng kiểm toán và kiểm tra đối chiếu phù hợp; trong đó ưu tiên lựa chọn các điểm “nóng” về khai thác, chế biến khoáng sản, các khu vực khai thác tập trung sản lượng lớn; các trường hợp giấy phép khai thác sản lượng lớn, giấy phép sắp hết hạn hoặc đang gia hạn; chọn một số khoáng sản có giá trị cao như: vàng, đá granite, đá bazan… dễ xảy ra sai sót.

Đặc thù lĩnh vực TNKS cũng đặt ra yêu cầu kiểm toán viên phải có sự chuẩn bị để áp dụng các phương pháp, kỹ thuật kiểm toán cho phù hợp, hiệu quả. Ngoài việc sử dụng các phương pháp kiểm toán truyền thống, cần chú trọng các phương pháp, kỹ thuật kiểm toán đặc thù như: phương pháp đo đếm, đi thực tế kiểm tra hiện trường; phỏng vấn, tham vấn chuyên gia, sử dụng các ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc xác định tọa độ, bản đồ, giám sát hoạt động khai thác (Maps, GPS, GIS,…).

Để dễ nhận biết các trường hợp khai thác trái phép, kiểm toán viên cần kết hợp đối chiếu danh sách tổ chức, cá nhân khai thác do cơ quan tài nguyên và môi trường quản lý với sổ bộ thuế tài nguyên, phí BVMT do cơ quan thuế quản lý, kể cả việc phối hợp đối chiếu với các nhà thầu xây dựng công trình trên địa bàn đã tiêu thụ lượng lớn đất, đá, cát, sỏi từ các mỏ khai thác trên địa bàn (kỹ năng đối chiếu với bên thứ 3 - các bên liên quan). Đồng thời, nhằm phát hiện sai phạm về nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân, kiểm toán viên cần đề nghị cung cấp báo cáo sản lượng (theo Luật Khoáng sản) đơn vị nộp tại cơ quan tài nguyên và môi trường và Tờ khai thuế phí tại cơ quan thuế để thực hiện việc đối chiếu, từ đó phát hiện chênh lệch về sản lượng khai thác thực tế so với sản lượng đã kê khai thuế; kết hợp kiểm tra giá tính thuế tài nguyên trên Tờ khai thuế với bảng giá của tỉnh, giá trên hóa đơn để phát hiện đơn vị khai sai giá tính thuế; kiểm tra định mức vật tư, tiêu hao, tỷ lệ bóc đất che phủ, tỷ lệ hao hụt nhiên liệu, năng lượng để tính toán lại, xác định ra sản lượng khai thác thực tế, trên cơ sở đó xác định nghĩa vụ tăng thêm.

ThS. NGUYỄN ĐĂNG THỦY
KTNN khu vực XII
Cùng chuyên mục
Kinh nghiệm và giải pháp tổ chức kiểm toán hiệu quả lĩnh vực tài nguyên khoáng sản