Cần cụ thể hóa hơn nữa vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán các dự án PPP

(BKTO) - Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) đang được xây dựng với nhiều nội dung đổi mới và sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm nay. Đây được xem là một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường thể chế pháp lý hiệu quả, ổn định và thuận lợi cho việc triển khai dự án PPP. Mong muốn xây dựng các quy định mới để tạo sức hút với các nhà đầu tư, nhiều đại biểu khi góp ý về Dự thảo Luật tại Hội thảo “Dự án PPP và vai trò của KTNN” cũng đề nghị việc sửa đổi chính sách phải chú trọng và phát huy hơn nữa vai trò của KTNN trong kiểm toán dự án PPP.




Việc kiểm toán toàn diện, xuyên xuốt các dự án PPP là cần thiết. Ảnh: Như Ý
Nhận diện rõ bản chấtcủa dự án PPP

Theo các chuyên gia, đầu tư theo hình thức PPP tiếp tục là nhu cầu cấp bách tại Việt Nam. Vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư PPP là đòi hỏi không thể thiếu đối với hoạt động quản lý. Tuy nhiên, việc quy định ra sao đối với hình thức đầu tư này nhằm vừa đảm bảo có tính thu hút đối với các nhà đầu tư, vừa đảm bảo vai trò giám sát, kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động này để giảm đến mức thấp nhất nguy cơ thất thoát, lãng phí là vấn đề đang được các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm.

                
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Dự thảo Luật PPP hiện nay chưa có sự đồng bộ với Luật NSNN, Luật KTNN, do chưa coi dự án PPP là dự án đầu tư công, các tài sản hình thành từ dự án PPP không phải là tài sản công mà chỉ coi phần “Vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng” và “Vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” là tài sản công và KTNN chỉ kiểm toán phần này. Đáng lẽ Dự thảo Luật PPP phải coi cả dự án PPP là dự án đầu tư công, các tài sản hình thành từ dự án PPP đều là tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công là đối tượng kiểm toán của KTNN theo đúng tinh thần của Hiến pháp và quy định của Luật KTNN.
Trong tham luận gửi tới Hội thảo của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan khẳng định, về bản chất, các dự án PPP là hoạt động đầu tư nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư. PPP là dự án huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công chứ không phải đầu tư công trình tư nhân. Nhà nước thực hiện đầu tư qua hợp đồng PPP với nhà đầu tư, Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư mà cho phép nhà đầu tư, DN dự án được thu phí với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Đây cũng là quan điểm chung của nhiều đại biểu tại Hội nghị. Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhận định: Bản chất của dự án PPP là phục vụ lợi ích công. Hợp đồng PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công. Dưới góc nhìn khoa học, đại biểu Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - cũng cho rằng, dự án PPP chính là tài sản công, có sử dụng tài chính công.
Từ việc nhận diện bản chất của dự án PPP, các đại biểu đều thống nhất ý kiến cho rằng: Dự án sử dụng tài chính công, tài sản công thì phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước, ở đây trực tiếp là phải được KTNN kiểm toán. Hàng loạt bất cập trong việc triển khai dự án PPP được phát hiện qua công tác kiểm toán thời gian qua đã minh chứng một cách khách quan cho vai trò quan trọng không thể thiếu của KTNN trong việc thực hiện kiểm toán toàn diện các dự án PPP.

Do đó, song song với xây dựng và ban hành chính sách, Nhà nước cần đảm bảo cơ chế kiểm soát hữu hiệu đối với các dự án PPP, trong đó, vai trò của thanh tra, kiểm toán dự án PPP cần được thể hiện rõ, nhất quán trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, Dự thảo Luật PPP hiện chưa đề cập được toàn diện về chức năng, nhiệm vụ của KTNN và cũng chưa nhìn nhận đúng bản chất của các dự án đầu tư theo hình thức PPP, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia dự án này. Cụ thể, tại Điều 80 của Dự thảo Luật PPP về “Hoạt động KTNN trong đầu tư theo phương thức PPP” quy định: “Thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại Điều 65 và Điều 67 của Luật này”.

Như vậy, mặc dù là có đề cập đến vai trò của KTNN trong việc kiểm toán dự án PPP nhưng quy định này đã siết chặt vai trò, bó hẹp ảnh hưởng của KTNN đối với dự án PPP, hạn chế vai trò giám sát tối cao của Quốc hội mà KTNN là cơ quan trực tiếp giúp Quốc hội thực hiện vai trò giám sát này.

Cần kiểm toán toàn diện, xuyên suốt đối với dự án PPP

Góp ý về quy định “Hoạt động KTNN trong đầu tư theo phương thức PPP” trong Dự thảo Luật PPP, nhiều đại biểu nhấn mạnh, Dự thảo Luật PPP cần cụ thể hóa hơn vai trò của KTNN trong kiểm toán các dự án PPP theo đúng chức năng của KTNN đã được hiến định và quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Theo đó, các dự án PPP phải là đối tượng kiểm toán của KTNN. KTNN cần phải thực hiện kiểm toán xuyên suốt, toàn diện đối với dự án PPP.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình - phân tích, quy định về kiểm toán của KTNN đối với các dự án PPP trong Dự thảo Luật là chưa phù hợp, còn xem dự án PPP tách rời thành các bộ phận riêng lẻ; chưa xem xét dự án PPP với tư cách là dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN; các dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa được KTNN kiểm toán để đánh giá tính tuân thủ, tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của dự án vì các tài sản hình thành từ các dự án này là tài sản công và việc quản lý, sử dụng tài sản này là đối tượng kiểm toán của KTNN.

                
Ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Theo Dự thảo Luật PPP thì Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, DN dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, DN dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Như vậy, vai trò của KTNN trong kiểm toán toàn bộ dự án đầu tư PPP là hết sức quan trọng để làm cơ sở cho việc tiến hành thanh quyết toán và chia sẻ rủi ro của Nhà nước đối với các dự án PPP. Việc KTNN thực hiện kiểm toán đối với các dự án PPP cần phải được xem xét trên các khía cạnh công trình có đúng giá trị không, có đạt chất lượng không, hoàn trả như thế nào. Do đó, quy định KTNN thực hiện kiểm toán trong dự án PPP như Dự thảo Luật PPP là chưa đầy đủ và chặt chẽ.
Xuất phát từ bản chất của dự án PPP là dự án huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cho rằng, nếu không kiểm toán chi phí đầu tư, không kiểm toán toàn diện dự án đầu tư PPP thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí, không thể xác định chính xác giá đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư. Do đó, bà Lan đề nghị “quy định trách nhiệm kiểm toán của KTNN trong suốt quá trình đầu tư dự án PPP nhằm tăng cường chức năng giám sát, hạn chế thất thoát, lãng phí”.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị việc kiểm toán đối với dự án PPP cần được thực hiện theo ba loại hình kiểm toán và không bị giới hạn. Theo TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, trong xây dựng Luật PPP, cơ quan soạn thảo không nên quy định cụ thể về các loại hình kiểm toán đối với việc kiểm toán dự án PPP. Bởi đó là thẩm quyền của KTNN, của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

TS. Nguyễn Minh Phong (Phó Vụ trưởng, Báo Nhân dân) nhìn nhận, cùng với kiểm toán tài chính, KTNN có vai trò quan trọng cả trong kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động đối với các dự án PPP. Qua kiểm toán, KTNN vừa phát hiện những sai sót, kẽ hở trong thực thi pháp luật hiện hành, vừa chủ động đề xuất điều chỉnh, bổ sung và thay thế những quy định lỗi thời, lấp đầy những kẽ hở trong xây dựng và thực thi pháp luật liên quan đến PPP. Trong cuộc chiến chống tham nhũng trong thực thi các dự án PPP, KTNN cần có thêm vị thế và công cụ mới.

Còn theo PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, trong quá trình hoàn thiện quy định liên quan đến hợp đồng PPP, đối với quy định về giám sát dự án PPP, cần phát huy vai trò của kiểm toán nói chung và KTNN nói riêng, không chỉ kiểm toán tài chính mà bao gồm cả kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

H.THOAN - N.LỘC
Cùng chuyên mục
Cần cụ thể hóa hơn nữa vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán các dự án PPP