Kinh tế dữ liệu - xu thế của tương lai gần

(BKTO) - Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, kinh tế dữ liệu ngày càng lên ngôi khi làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đã và đang tác động toàn diện đến sự vận hành của các nền kinh tế. Không nằm ngoài xu hướng này, Việt Nam đã nêu mục tiêu kinh tế dữ liệu sẽ đóng góp khoảng 5% GDP vào năm 2025.

t11.jpg
Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế dữ liệu đóng góp khoảng 5% GDP vào năm 2025. Ảnh minh họa

Kinh tế dữ liệu ngày càng đóng vai trò quan trọng

Theo thống kê, trên toàn thế giới hiện nay có khoảng 11 tỷ thiết bị đang được kết nối internet. Hãng nghiên cứu thị trường IDC dự tính, vào năm 2025, con số này sẽ lên tới 80 tỷ thiết bị.

Sự phát triển chóng mặt của internet vạn vật sẽ biến dòng chảy của dữ liệu không ngừng trở nên “khổng lồ”. IDC dự đoán rằng, tổng lượng dữ liệu số được tạo ra trên toàn cầu đến năm 2025 sẽ là 180 zettabyte (ZB).

Với tốc độ tăng trưởng chưa từng thấy của dữ liệu, tương lai phía trước là các quyết định quan trọng sẽ phải được đưa ra dựa trên dữ liệu.

Các chuyên gia công nghệ thông tin đánh giá, 5 công ty lớn nhất thế giới hiện nay, gồm: Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft là những nhân tố chính trong nền kinh tế dữ liệu với tổng giá trị thị trường gần 4.000 tỷ USD vào năm 2018.

Các tập đoàn này, cùng với nhiều công ty khác đã nắm bắt, lưu trữ, vận chuyển, phân tích, trao đổi và bán dữ liệu dựa trên kho dữ liệu riêng có, mang lại cho họ sức mạnh thị trường và những lợi ích kinh tế rất lớn.

Dự báo của McKinsey chỉ ra rằng, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên dữ liệu sẽ tạo ra 13.000 tỷ USD trong hoạt động kinh tế toàn cầu vào năm 2030.

Nghiên cứu từ Harvard Business Review cho thấy, Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu nền kinh tế dữ liệu trên toàn cầu, tiếp theo là Anh và Trung Quốc.

Kết quả nghiên cứu này được công bố dựa trên 4 tiêu chí chính: Khối lượng băng thông rộng tuyệt đối mà một quốc gia tiêu thụ; số lượng người dùng hoạt động trên internet; sự cởi mở của thể chế đối với các luồng dữ liệu; khối lượng tiêu thụ băng thông rộng bình quân đầu người.

Chỉ ra những điểm khác biệt giữa nền kinh tế dữ liệu và kinh tế hàng hóa, các nhà nghiên cứu của Vietnam Report nêu rõ, trong nền kinh tế dữ liệu, sự khác biệt giữa người mua và người bán hoặc người tiêu dùng và nhà sản xuất bị xóa nhòa; cung - cầu không nhất thiết quyết định giá mà giá thường không xác định hoặc bị ẩn.

Bởi khi dữ liệu được chuyển đổi thành thông tin có thể thúc đẩy sự đổi mới, giải quyết các vấn đề phức tạp, tạo ra sản phẩm mới hoặc cung cấp dịch vụ tốt hơn, khi đó dữ liệu càng giá trị và nếu được kết hợp với các dữ liệu liên quan khác thì giá trị của dữ liệu có thể được nhân lên rất nhanh chóng.

Hơn nữa, không giống như vốn, tài nguyên thiên nhiên hoặc lao động, dữ liệu là tài nguyên không thể cạn kiệt, ngay cả khi được sử dụng đồng thời bởi nhiều thực thể khác nhau.

Dự báo quy mô thị trường dữ liệu đạt hàng tỷ USD

Tại Việt Nam, những năm qua, tính tất yếu của xu thế chuyển đổi số và điều hành theo hướng dữ liệu đã có nhiều chuyển biến từ cả phía Chính phủ lẫn doanh nghiệp (DN).

Theo Dự thảo Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế dữ liệu đóng góp khoảng 5% GDP.

Trên thực tế, quy mô thị trường dữ liệu của Việt Nam cũng được Tổ chức Vietnam - Briefing dự báo sẽ đạt 1,82 tỷ USD vào cuối năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 5,32% trong giai đoạn 2023-2027.

Trong đó, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo là hai công nghệ chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực.

Nghiên cứu do Vietnam Report và PGS,TS. Vũ Minh Khương - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021 đồng chủ trì đã đưa ra 3 kịch bản ước tính về đóng góp của chuyển đổi số vào tăng hiệu quả kinh doanh và GDP của Top 500 DN lớn nhất Việt Nam. Theo đó, với kịch bản 3 - DN nỗ lực vượt bậc trong chuyển đổi số - thì VNR500 sẽ tăng doanh thu thêm 5,6% và lợi nhuận 3,65%, nhờ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP 1,3 điểm phần trăm với giá trị 3,16 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia ổn định chính trị, có tinh thần đổi mới sáng tạo cao và là 1 trong 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất, khi tăng hơn 20 bậc trong Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới toàn cầu (GII) trong vòng một thập kỷ.

Chính phủ luôn chú trọng ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, coi đây là lực đẩy chủ đạo cho nền kinh tế. Do đó, Chính phủ đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, bao gồm cả lĩnh vực dữ liệu.

Có thể khẳng định, đây là tiền đề thuận lợi, hậu thuẫn cộng đồng DN Việt Nam triển khai, ứng dụng công nghệ và điều hành theo hướng dữ liệu.

Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu của Vietnam Report cho rằng, Việt Nam nói chung và các DN Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi khai thác và phát triển nền kinh tế dữ liệu.

Nổi bật trong số đó là thách thức về hạ tầng số, bởi nền kinh tế dữ liệu gắn chặt với hạ tầng kỹ thuật và kết nối internet, chỉ khi có hạ tầng số đủ mạnh, giải pháp số đủ hiệu quả thì dữ liệu số mới phát huy được hết vai trò, giá trị.

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cải tiến trong lĩnh vực này nhưng vẫn còn hạn chế về mạng internet, cơ sở hạ tầng điện và các dịch vụ công nghệ khác, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng đến việc thu thập và truyền dữ liệu.

Thách thức lớn tiếp theo được các chuyên gia chỉ ra là về thể chế. Trong bức tranh tổng thể về thể chế dữ liệu số của Việt Nam, việc quản trị và phát triển dữ liệu số đang được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, các quy định pháp lý nhìn chung chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nền kinh tế dữ liệu.

Cùng với đó là những thách thức về đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo mật và quyền riêng tư - đây là những điều kiện tiên quyết trong phát triển nền kinh tế số vững mạnh.

Ngoài ra còn có thách thức liên quan đến những kiến thức về dữ liệu và các công nghệ xoay quanh. Do đó, đồng thời với việc thu thập, xử lý, đảm bảo chất lượng dữ liệu, cần quan tâm đến các công nghệ như: AI, học máy, hoặc những công nghệ với phiên bản tiên tiến hơn sẽ xuất hiện trong tương lai…

Cùng chuyên mục
  • Hưng Yên đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh Hưng Yên đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư công.
  • Tăng chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin, giảm rủi ro tín dụng
    một năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Việc nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng sẽ đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, ngành ngân hàng còn nhiều việc phải làm…
  • Sản xuất năng lượng tái tạo mang lại doanh thu bền vững
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Đông Nam Á có thể mất tới 30% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2050 do nhiệt độ toàn cầu tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nhưng việc tăng cường năng lực sản xuất năng lượng tái tạo sẽ giúp các nước trong khu vực tạo ra việc làm mới và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
  • Cà Mau: Phối hợp tuyên truyền chính sách bảo hiểm
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Chiều 25/8, Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau và Tỉnh đoàn tổ chức ký kết Kế hoạch phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) giai đoạn 2023-2027.
  • BSR chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo CIEM
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa làm việc với Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Kinh tế dữ liệu - xu thế của tương lai gần