Kinh tế Khu vực Eurozone kết thúc chuỗi tăng trưởng âm

(BKTO) - Tăng trưởng kinh tế khu vực Đồng tiền Chung châu Âu (Eurozone) đã kết thúc chuỗi tăng trưởng âm sau 2 quý liên tiếp.

euro_lam_phat-afp.jpg
Đà tăng giá cả đã giảm nhẹ trong tháng 7 tại khu vực Eurozone - Nguồn: Internet

Kết thúc chuỗi tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp

Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 31/7 cho thấy tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 đạt 0,3%, sau hai quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Trong khi đó, đà tăng giá cả đã giảm nhẹ, từ 5,5% trong tháng 6, còn 5,3% trong tháng 7. Lạm phát lõi, không bao gồm giá lương thực và năng lượng, giữ nguyên ở mức 5,5%.

Dữ liệu trên được công bố vài ngày sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,25 điểm phần trăm lên 3,75% - mức cao nhất trong 23 năm qua, đồng thời để ngỏ khả năng cân nhắc việc tăng lãi suất tiếp theo tùy vào các số liệu kinh tế. Đây là lần tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp trong vòng một năm của ECB nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát cao dai dẳng.

Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, lựa chọn tăng hay giữ nguyên lãi suất đều phụ thuộc vào việc đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu và duy trì ở mức này trong thời gian dài.

Nỗi lo 2 "đầu tàu" kinh tế của khu vực

kinh-te-duc.jpg
Sự sụt giảm của "đầu tàu" kinh tế Đức ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của khu vực - Ảnh minh họa

Tuy thoát khỏi tăng trưởng âm nhưng thống kê cho thấy hoạt động kinh doanh ở Khu vực Eurozone trong tháng 7 suy giảm mạnh hơn rất nhiều so với dự báo do nhu cầu đối với ngành dịch vụ then chốt của Eurozone suy giảm, trong khi sản lượng sản xuất cũng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực Eurozone, do ngân hàng Hamburg Commercial Bank (HCOB) của Đức phối hợp với S&P Global tổng hợp, giảm xuống mức 48,9 trong tháng Bảy so với mức 49,9 trong tháng Sáu.

Chỉ số PMI trong tháng 7 cũng là chỉ số thấp nhất trong vòng 8 tháng qua, thấp hơn mức 49,7 do hãng tin Reuters ước tính sơ bộ trước đó và cũng thấp hơn nhiều so với ngưỡng 50 để được công nhận là tăng trưởng. PMI vốn được coi là thước đo quan trọng phản ánh sức khỏe nền kinh tế.

Cụ thể, theo số liệu của hãng tin Reuters, PMI đối với ngành dịch vụ của Eurozone trong tháng 7 giảm xuống 51,1 so với mức 52 của tháng Sáu. PMI đối với ngành sản xuất của Eurozone trong tháng Bảy giảm xuống mức 42,7 từ mức 43,4 trong tháng Sáu.

Ông Cyrus de la Rubia - nhà kinh tế trưởng đồng thời là trưởng bộ phận nghiên cứu của ngân hàng HCOB - nhận định: "Ngành sản xuất và chế tạo vẫn là 'gót chân Achilles' (điểm yếu) của khu vực Eurozone. Các nhà sản xuất đã tiếp tục cắt giảm sản lượng với tốc độ tăng nhanh vào tháng 7. Trong khi đó, hoạt động ngành dịch vụ vẫn đang mở rộng, mặc dù với tốc độ chậm hơn rất nhiều so với hồi đầu năm."

Chuyên gia này cũng cho rằng kinh tế Eurozone sẽ tiếp tục đi theo chiều hướng suy giảm trong những tháng tới do ngành dịch vụ đang mất đà tăng trưởng.

Theo hãng tin AFP, sự sụt giảm mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế của hai "đầu tàu" trong khu vực này là Pháp và Đức đã phần nào gây ra sự suy giảm tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh ở khu vực Eurozone nói chung. Theo số liệu mới nhất, hoạt động kinh tế của Đức đã thu hẹp khi sản lượng sản xuất lần đầu tiên giảm mạnh kể từ tháng 1/2023.

Cùng chuyên mục
Kinh tế Khu vực Eurozone kết thúc chuỗi tăng trưởng âm