Kinh tế số góp phần thúc đẩy tăng trưởng

(BKTO) - Kinh tế số đã và đang thúc đẩy các ngành, lĩnh vực và các địa phương phát triển. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025, các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành, cập nhật kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số.

pm.jpg
Ước tính kinh tế số phải tăng trưởng khoảng 20 - 25%/năm mới đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025. Ảnh minh họa

Đóng góp 9,02% GDP

Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) cho biết, ước tính sơ bộ tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trên GDP năm 2022 là 14,26% (cao hơn 1,7 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP 2022). Trong đó, kinh tế số ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) đóng góp chính với tỷ trọng 9,02% GDP và tác động lan tỏa của ICT đóng góp vào các ngành, lĩnh vực khác là 5,24%.

Trong hoạt động của các ngành, lĩnh vực kinh tế khác (ngoài ICT), nhóm hoạt động kinh tế có mức độ lan tỏa của ICT nhiều nhất là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (đóng góp khoảng 19%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (đóng góp khoảng 16%)…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TTTT, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số - nhấn mạnh: Công nghệ số, kinh tế số có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sự cạnh tranh của nền kinh tế.

Để đạt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức.

Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo công nghệ số, đầu tư hạ tầng số, thu hút nhân tài số, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành, cập nhật kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số.

Bộ, ngành chủ quản nền tảng số quốc gia lập kế hoạch hành động phát triển, tổ chức công nhận và thúc đẩy triển khai các nền tảng số quốc gia.

Các địa phương xây dựng, bổ sung kế hoạch thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo, sở khám, chữa bệnh, trên địa bàn đô thị, phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ TTTT) thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh… giúp thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương đi vào thực chất, hiệu quả…

tanthanh4.jpg
100% doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: ST

Thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển

Đại diện một trong những địa phương sớm ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cho biết: Việc phát triển cửa khẩu số góp phần thúc đẩy kinh tế cửa khẩu của địa phương.

Nền tảng cửa khẩu số này đã chính thức vận hành từ ngày 21/02/2022 tại Lạng Sơn. Đến nay, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Hơn 369 nghìn phương tiện đã được xử lý trên nền tảng cửa khẩu số.

Việc triển khai thí điểm thành công nền tảng cửa khẩu số giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; giúp minh bạch hóa, hạn chế các tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu; đảm bảo tính liên tục trong các hoạt động tại cửa khẩu, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua.

Tương tự, tại tỉnh Yên Bái, việc phát triển kinh tế số đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Xếp hạng chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh, Yên Bái đứng thứ 15/63 tỉnh, thành; trong đó, xếp hạng kinh tế số, Yên Bái đứng thứ 7/63, xếp hạng chính quyền số 15/63, xếp hạng xã hội số đứng thứ 10/63. Kinh tế số ngành, lĩnh vực của tỉnh Yên Bái chiếm tỷ trọng 38,9% trong tổng giá trị kinh tế số trên địa bàn và chiếm 4,53% trong tổng GRDP của tỉnh.

Để có được những kết quả này, tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai mạnh các giải pháp như thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy đưa sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp; phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai mạnh mẽ các mô hình phát triển kinh tế số như: Mô hình chuyển đổi số phát triển du lịch tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Yên Bình; mô hình phát triển kinh tế số, xã hội số cấp xã gắn với sản phẩm, giá trị văn hóa, điều kiện thiên nhiên đặc thù tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Chú trọng mô hình hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm chủ lực theo vùng, miền chuyển đổi số nhằm nâng cao giá trị thương hiệu, sản phẩm: Chè Shan tuyết Suối Giàng; sản phẩm từ quế huyện Văn Yên; cá tầm tại xã Nà Hẩu huyện Văn Yên; quả bưởi Đại Minh tại huyện Yên Bình; du lịch hồ Thác Bà tại huyện Yên Bình; hỗ trợ các doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình làm du lịch ứng dụng công nghệ số nhằm thu hút du khách. Chủ động xây dựng cách tính, có sự tính toán chi tiết số liệu về kinh tế số trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp…/.

Cùng chuyên mục
Kinh tế số góp phần thúc đẩy tăng trưởng