Một cơ sở khai thác dầu ở Cotulla, Texas, Mỹ - Ảnh: AFP/TTXVN |
Giá dầu lao dốc không phanh
Đầu tháng 4/2020, Whites trở thành công ty khai thác dầu đá phiến lớn đầu tiên của Mỹ phá sản trước sự sụp đổ của giá dầu. Đơn phá sản của Whites đã được lãnh đạo doanh nghiệp này nộp tòa án. Nhiều công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ đang đối diện áp lực nợ lớn nhất từ trước đến nay khi giá dầu lao dốc thảm khốc.
Chi phí sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đòi hỏi mức giá hòa vốn trong khoảng từ 50 đến 55 USD/thùng. Thế nhưng với sự gia tăng mạnh trong sản xuất dầu của Saudi Arabia và Nga để giành giật thị phần cộng với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã đẩy các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến đối mặt với điều được giới chuyên môn ví von là “cuộc tắm máu”. Hiện giá dầu WTI chỉ giao dịch ở mức khoảng 26 USD/thùng và có thời điểm đã ở mức 20 USD/thùng.
Theo PVM Oil Associates, hiện nhu cầu dầu thấp đến mức các nhà máy lọc dầu giảm công suất hoạt động của mình tới 5% xuống còn 82,3% vào tuần trước, mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2017. Trong khi đó, “tồn kho dầu thô tăng mạnh lên 13,8 triệu thùng”, Stephen Brennock của PVM đã viết trong một ghi chú. “Mỹ đã không tiêu thụ quá ít xăng như vậy trong 26 năm qua”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/4, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn giảm 2,26 USD (8%), xuống 26,08 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng mất 1,06 USD (3,1%), xuống 33,05 USD/thùng.
Dù là người khơi mào cuộc chiến, nhưng Nga cũng đang gánh chịu những tổn thất lớn. Giá dầu trên thế giới tụt giảm mạnh, trong đó của Rosneft là 42%. Trên thị trường chứng khoán, nếu như chỉ số Down Jones bị tụt giá 20%, thì RTS của Nga mất đến 36%. Đồng tiền rúp trượt giá đến 20% so với đồng đô la.
Cổ phiếu của những doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán bị mất giá mạnh tác động nhiều đến chỉ số nợ của họ. Đồng rúp mất giá dẫn đến tình trạng tăng giá tất cả các mặt hàng nhập khẩu. Lạm phát vừa được giảm xuống ở mức 3-4%, rồi sẽ lại tăng lên. Đó là chưa nói đến việc lãi suất ngân hàng trung ương Nga từ hai năm qua thường xuyên được hạ, nay ở mức khoảng 6%.
Nếu dầu mỏ chỉ đóng góp 37% vào ngân sách Nga, thì với Saudi Arabia là 65%. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), để giúp cân bằng NSNN thì Nga cần giữ giá dầu ở mức 42,4 USD/thùng, còn Saudi Arabia-quốc gia phụ thuộc nhiều vào việc bán dầu-phải cần duy trì giá dầu từ 83,6 USD/thùng.
Vì vậy, có thể thấy việc duy trì giá dầu thấp trong thời gian càng dài sẽ khiến Saudi Arabia, Nga, Mỹ và nhiều nước khác bị ảnh hưởng nặng nề. Thế giới đang trông chờ vào một thỏa thuận mới giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), trong đó có Saudi Arabia, Nga và nước có sản lượng dầu mỏ lớn khác là Mỹ.
PVN nộp NSNN quý I đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, bằng 89,7% so với kế hoạch quý I - Ảnh: TTXVN |
Doang nghiệp xăng dầu Việt điêu đứng
Tác động kép do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp cộng với việc giá dầu giảm sâu cũng đã khiến các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam bị ảnh hưởng lớn.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, tổng doanh thu của toàn PVN tháng 3 chỉ đạt 49 nghìn tỷ đồng, bằng 80,8% kế hoạch tháng. Tính chung quý I đạt 165 nghìn tỷ đồng, bằng 90,9% kế hoạch quý I và bằng 25,7% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.440 tỷ đồng, giảm 4.580 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Tập đoàn cho biết, trường hợp giá dầu thô giảm xuống 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng sẽ làm doanh thu bán dầu thô năm 2020 giảm tương ứng 9.200 tỷ đồng đến 55.100 tỷ đồng.
Nộp NSNN toàn PVN tháng 3 đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, bằng 90,6% kế hoạch tháng, tính chung quý I đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, bằng 89,7% so với kế hoạch quý I và bằng 25,3% kế hoạch năm.
Trước tình hình đó, PVN cùng các đơn vị thành viên đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó nhằm mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho người lao động dầu khí, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, tác động của đại dịch và cú sốc giá dầu.
Một "ông lớn" khác là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tình hình cũng không mấy khả quan khi chịu tác động lớn từ việc giá dầu giảm. Cụ thể, trong quý I/2020, tổng doanh thu Petrolimex ước đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ 572 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu sẽ giảm 12.517 tỷ đồng, ước lỗ 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020. Nộp NSNN dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 nếu dịch kéo dài đến quý IV.
Theo lý giải, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thua lỗ là do Petrolimex là doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong khi quý I/2020 giá dầu thế giới giảm quá nhanh tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.
Trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp, các hãng hàng không tiếp tục tạm dừng các chuyến bay trong nước và quốc tế, nhu cầu vận tải đường thuỷ, đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đến tình hình sản xuất kinh doanh của Petrolimex.
Theo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tình trạng giá dầu xuống thấp như hiện nay khiến thiệt hại về kinh tế là rất lớn, những điểm lợi từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp. Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho hàng loạt dự án, gây chậm trễ trong công tác lắp đặt, chậm tiến độ vận hành so với kế hoạch.
Các hoạt động dịch vụ của PVN như khoan, vận chuyển, hoá chất... đều bị tác động tiêu cực, một số công ty bị lỗ như Bình Sơn, PV Oil…. Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất còn cho biết đang xem xét tới phương án dừng vận hành nhà máy một thời gian. Lý do được đưa ra là giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm sâu, tình hình dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm 30-40% so với cùng kỳ các năm. Ở một số thời điểm lượng hàng tồn kho của BSR lên tới hơn 90%, buộc nhà máy phải gửi hàng đến các kho khiến chi phí tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)