Ảnh minh họa - Nguồn: Sưu tầm. |
Kinh tế Hàn Quốc bộc lộ dấu hiệu "suy giảm sâu"
Ngày 16/4, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cho biết kinh tế nước này bộc lộ dấu hiệu "suy giảm sâu" trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa làm đình trệ các DN toàn cầu và tác động tới nhu cầu tiêu dùng.
Trong ấn phẩm Các xu hướng kinh tế hàng tháng, KDI nhấn mạnh: "Nền kinh tế Hàn Quốc đang cho thấy sự suy giảm ngày càng sâu rộng và gây ra những bất ổn khi dịch Covid-19 lan rộng".
Tổng sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc đã suy giảm ở mức cao nhất trong chín năm trong tháng Hai, trong bối cảnh sự suy thoái kinh tế do sự lây lan của dịch Covid-19 bắt đầu tác động tới hoạt động sản xuất và chi tiêu trong nước. Mức giảm 3,5% theo tháng trong tháng 2/2020 đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2011, thời điểm sản lượng giảm 3,7%.
Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cùng ngày công bố số liệu cho thấy Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại 4,6 tỷ USD trong tháng 3/2020, tăng so với mức gần 4 tỷ USD trong tháng trước đó. Đây là tháng thứ 98 liên tiếp kể từ tháng 2/2012 Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại.
Kim ngạch xuất khẩu, chiếm khoảng 50% nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc, đạt gần 47 tỷ USD trong tháng 3/2020, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 0,3% lên trên 42 tỷ USD.
Xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc tháng vừa qua giảm 3%, trong khi xuất khẩu các sản phẩm dầu, tàu biển và đồ điện tử gia dụng giảm ở mức hai con số. Xuất khẩu ôtô và phụ tùng ôtô của Hàn Quốc trong tháng Ba tăng lần lượt hơn 7% và 0,9%, trong khi xuất khẩu các thiết bị viễn thông như điện thoại thông minh tăng trên 15%.
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này, trong tháng vừa qua giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, song xuất khẩu sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản tăng lần lượt 16,8%, 9,5% và 13,1%.
Trong ba tháng đầu năm nay, Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại 8,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu giảm 1,4% xuống gần 131 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 1,4% xuống hơn 122 tỷ USD.
Chỉ số tâm lý tiêu dùng trong tháng 3/2020 ở Hàn Quốc cũng giảm mạnh từ 104,2 điểm trong tháng 1/2020 và 96,9 điểm trong tháng 2/2020 xuống còn 78,4 điểm. KDI đánh giá tiêu thụ của các ngành cần tiếp xúc trực tiếp giữa người với người trong tháng 3/2020 có khả năng sẽ thu hẹp mạnh hơn nữa so với tháng 2/2020.
Xuất khẩu bình quân theo ngày trong tháng 3/2020 của Hàn Quốc giảm tới 4%, giảm sâu so với tháng 2/2020. Xuất khẩu của nước này trong thời gian tới có khả năng sẽ sụt giảm hơn nữa bởi sau tháng 3/2020 mới là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh trên toàn cầu.
Trên thị trường tài chính, giá cổ phiếu, giá trị đồng won, lãi suất trái phiếu Chính phủ đều giảm do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng cao.
Nhật Bản: Nguy cơ giảm phát quay trở lại nền kinh tế
Trong khi đó tại Nhật Bản, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có nguy cơ làm gia tăng áp lực giảm phát đối với nền kinh tế Nhật Bản vốn đang trên bờ vực suy thoái, khi các biện pháp giãn cách xã hội buộc người dân phải ở nhà và chi tiêu ít hơn.
Hiroshi Ugai - chuyên gia kinh tế trưởng của công ty JPMorgan Securities Japan, cho rằng dù các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm vẫn giữ giá, song nhìn chung Nhật Bản ngày càng có nguy cơ quay trở lại tình trạng giảm phát. Chuyên gia này cảnh báo giá một loạt hàng hóa sẽ bắt đầu giảm xuống vào mùa Thu này, đồng thời dự đoán kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng âm 4% trong năm nay.
Khảo sát Nowcast cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 16-31/3, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cho khách sạn và công viên giải trí đã giảm lần lượt gần 10% và 28%, trong khi hạng mục vé máy bay giảm 14% và chi tiêu cho vé tàu ghi nhận mức giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều lĩnh vực đã bị ảnh hưởng bởi quyết định của chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với nhiều thành phố lớn, trong đó có thủ đô Tokyo. Tuyên bố này kêu gọi người dân ở nhà, nhiều cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động và các nhà hàng đóng cửa sớm.
Theo số liệu của công ty Agoop, hoạt động đi lại của người dân quanh ga Tokyo, một trung tâm giao thông lớn, đã giảm gần 50% vào ngày 15/4 so với thời điểm trước khi tình trạng khẩn cấp nói trên được ban bố. Số người sử dụng các các ga lớn như Tokyo, Shinjuku và Ueno đã giảm hơn 70% vào ngày 13/4 so với cùng kỳ năm ngoái, và lưu lượng người tại ga Osaka còn giảm đến hơn 60%.
Bên cạnh đó, Nhật Bản vẫn đang chứng khiến làn sóng phá sản DN, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Nếu dịch bệnh kéo dài, tình trạng này có thể sẽ còn gia tăng và cuốn theo nhiều việc làm. Giới phân tích cho rằng điều này sẽ làm giảm sức chi tiêu của các hộ gia đình, từ đó gây áp lực giảm giá.
Kể cả khi giá cả có tăng lên thì điều này có thể là do những lý do khác. Nếu dịch bệnh tiếp tục khiến các nhà máy ở Nhật Bản không thể nối lại hoạt động sản xuất trong thời gian quá lâu, các công ty sẽ không thể sản xuất đủ hàng hóa thiết yếu, khiến nguồn cung sụt giảm, từ đó đẩy giá cả các mặt hàng này đi lên.
Kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 1988
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia sẽ tăng trưởng âm 1,7% năm 2020, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm nay sẽ sụt giảm 3%, mức tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, chủ yếu do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Nếu như dự báo trên trở thành hiện thực, kinh tế Campuchia sẽ lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ khi IMF bắt đầu đánh giá về nền kinh tế này vào năm 1988.
Trong kịch bản lạc quan hơn, nếu vắcxin phòng Covid-19 được sản xuất và sử dụng đại trà trong nửa cuối năm nay, IMF cho rằng kinh tế thế giới và kinh tế Campuchia sẽ tăng lần lượt 5,8% và 6,1%.
Báo cáo với tiêu đề “Đại Cách ly” của IMF công bố ngày 16/4 đã chỉ ra rằng cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 là tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, khi đó Campuchia vừa kịp lách qua khe cửa hẹp để có thể thoát khỏi suy giảm và nền kinh tế này chỉ tăng 0,1%.
Cuộc khủng hoảng y tế lần này đang tác động nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế, khiến kinh tế toàn cầu có thể suy giảm mạnh. Cùng với các chuyên gia kinh tế, IMF cũng kêu gọi các chính phủ dành ngân sách cho giai đoạn hồi phục hậu cách ly xã hội. Kể từ năm 1998, kinh tế Campuchia tăng trưởng khá cao với mức tăng trung bình 8%/năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ 53% năm 2004 xuống còn 10% năm 2019. Các lĩnh vực khác như giáo dục và y tế cũng được cải thiện đáng kể.
Để làm dịu cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19, Chính phủ Campuchia đã thông báo dành khoản ngân sách 2 tỷ USD để nâng đỡ các trụ cột của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng và trợ giúp những lao động mất việc làm trong ngành may mặc và du lịch.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia năm 2020giảm mạnh
Một quốc gia ở Đông Nam Á khác cũng bị IMF dự báo mức tăng trưởng kinh tế giảm mạnh là Indonesia. IMF dự báo kinh tế Indonesia sẽ duy trì mức tăng trưởng dương trong năm nay dù chỉ ở mức rất thấp, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa được cập nhật, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Indonesia xuống 0,5% từ mức 5,1% trong dự báo hồi tháng 10/2019.
Báo cáo cho hay việc cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng năm 2020 phản ánh tình trạng gián đoạn kinh tế trầm trọng ở trong nước do dịch Covid-19. IMF cũng cho rằng đại dịch sẽ “tấn công” nền kinh tế Indonesia do nước này quá phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô thay vì hàng thành phẩm.
Các nền kinh tế đang phát triển đều đang đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế, cú sốc giảm cầu trầm trọng trên thị trường quốc tế, các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt và giá cả hàng hóa sụt giảm. Những điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế tại các quốc gia dựa vào xuất khẩu. Tuy nhiên, IMF dự báo rằng kinh tế Indonesia sẽ phục hồi vào năm 2021 với mức tăng lên tới 8,2%, cao nhất kể từ năm 1995 dưới thời cựu Tổng thống Soeharto.
IMF cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Indonesia sẽ tăng lên mức 7,5% trong năm nay, so với mức 5,3% trong năm ngoái, do đại dịch làm đảo lộn các chuỗi cung ứng, buộc các công ty sa thải lao động và khiến nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh khi người tiêu dùng buộc phải ở nhà.
Cũng theo IMF, kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm nay, tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, khi đại dịch Covid-19 đẩy kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930.
Trong khi đó, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Nga và ASEAN-5 ( Indonesia, Thailand, the Philippines and Vietnam)sẽ giảm trung bình 1% trong năm nay. Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bùng phát Covid-19 và là trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ tăng trưởng 1,2%.
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ từ cuộc suy thoái trong năm nay, đạt mức tăng trưởng 5,8% vào năm 2021. Các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 6,1%, trong đó các quốc gia như Mỹ và Italy đạt mức cao nhất, lần lượt là 5,9% và 9,1%.