Kinh tế tiếp đà phục hồi nhưng cần thận trọng với lạm phát

(BKTO) - Nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi. Tuy nhiên, các cấp có thẩm quyền cần thận trọng với lạm phát. Rủi ro nhu cầu toàn cầu yếu hơn và gián đoạn nguồn cung sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế.



                
   

Nguồn: WB

   

Nhiều chỉ tiêu tiếp tục tăng trưởng mạnh

Theo Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 5/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước, tương đương tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. May mặc, giày dép, điện tử, thiết bị điện và sản phẩm kim loại là những ngành năng động nhất, ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số.
                
   

Nguồn: WB

   

Tăng trưởng doanh thu bán lẻ được nâng từ 10,4% trong tháng 3 lên 12,1% trong tháng 4 so cùng kỳ năm trước do nhu cầu trong nước vốn đang được củng cố lại tiếp tục mạnh mẽ hơn nhờ người dân tăng chi tiêu cho hai kỳ nghỉ lễ dài và du khách quốc tế đã bắt đầu quay lại.

Đây là lần đầu tiên tăng trưởng doanh thu bán lẻ quay về sát với tốc độ trước đại dịch. Kết quả đáng chú ý này phản ánh sự tăng trưởng vững chắc của doanh thu bán lẻ hàng hóa (tăng 12,4% so cùng kỳ năm trước) và sự hồi phục mạnh mẽ của doanh thu dịch vụ tiêu dùng với tốc độ tăng trưởng 11% trong tháng 4 so cùng kỳ năm trước, gần gấp đôi so với tốc độ tăng trong tháng 3.

Sự phục hồi của dịch vụ tiêu dùng được dẫn dắt chủ yếu bởi doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ (tăng đến 14,8% so cùng kỳ năm trước).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng tốc từ 17% trong tháng 3 lên 25,2% trong tháng 4 so cùng kỳ năm trước, trong khi tăng trưởng nhập khẩu nhích nhẹ từ 14,6% lên 16,5% so cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 0,8 tỷ USD trong tháng 4.
                
   

Nguồn: WB

   

Tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ 15,9% trong tháng 3 lên 16,4% trong tháng 4 so cùng kỳ năm trước, tốc độ cao nhất kể từ tháng 01/2018.

Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn phản ánh nhu cầu tín dụng cao hơn do người tiêu dùng tăng chi tiêu cho hai kỳ nghỉ lễ dài và các DN đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong mùa hè.

Cân đối ngân sách bội thu 2,9 tỷ USD trong tháng 4. Thu ngân sách tăng tháng thứ tư liên tiếp với tốc độ 32,2% so cùng kỳ năm trước trong khi chi ngân sách giảm 2,4% so cùng kỳ năm trước do giảm chi thường xuyên.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách đạt 46% dự toán trong khi chi chỉ đạt 26% dự toán, dẫn đến bội thu 7,7 tỷ USD. Giải ngân đầu tư công đạt 18,2% kế hoạch do Quốc hội phê duyệt, tương đương với mức ghi nhận trong cùng kỳ năm trước.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của lạm phát

Từ các chỉ số tăng trưởng trên, WB nhận định: Nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi bất chấp bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt.
                
   

Nguồn: WB

   

Mặc dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 2,4% trong tháng 3 lên 2,6% trong tháng 4 so cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng lên 1,5% - tỷ lệ cao trong 17 tháng qua. Cả lạm phát cơ bản và giá lương thực, thực phẩm đều tiếp tục nhích lên.

Do vậy, các cấp có thẩm quyền vẫn cần thận trọng với lạm phát và các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của lạm phát.

Nếu lạm phát tiếp diễn trong trung hạn thì nền kinh tế nên được cho phép điều chỉnh theo mức giá cả cao hơn nhằm nâng cao năng suất và tổng cung.

Gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục nâng giá nhập khẩu và ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá thương mại vốn đã xấu đi đáng kể trong quý I/2022.
                
   

Nguồn: WB

   

Trong khi xuất khẩu tăng trưởng nhanh hơn thì tăng trưởng nhập khẩu lại đi ngang, phản ánh sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tác động của chính sách Không-Covid ở Trung Quốc.

Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc, ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong năm 2022, và điều này có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh xuất khẩu của Việt Nam.

Vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nên tác động toàn phần của tình trạng phong tỏa ở quốc gia này đối với hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn được cảm nhận trong những tháng tới.

"Điều này cho thấy đa dạng hóa đối tác thương mại sẽ là một cân nhắc chiến lược an toàn để giảm nhẹ rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì" - Báo cáo của WB nhấn mạnh./.
THÀNH ĐỨC

Cùng chuyên mục
Kinh tế tiếp đà phục hồi nhưng cần thận trọng với lạm phát