Các kỹ sư đang làm việc bên trong xưởng lắp ráp tại Nhà máy VinFast Hải Phòng, Việt Nam. Ảnh tư liệu
Khát vọng và bản lĩnhtừ những doanh nghiệpthức thời
Phó Tổng Giám đốc VinGroup Võ Quang Huệ cho biết, sau vỏn vẹn 20 tháng chính thức tham gia thị trường, mặc dù là thương hiệu non trẻ nhưng ô tô Vinfast đã bán ra thị trường hơn 40.000 chiếc tính từ thời điểm bàn giao chiếc xe thương mại đầu tiên cho khách hàng vào tháng 6/2019. Điều đáng nói, chỉ với thời gian ngắn, Vinfast nhanh chóng đưa vào vận hành nhà máy sản xuất hiện đại bậc nhất khu vực, ra 3 mẫu xe đầu tiên với kiểu dáng đẹp, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế và đạt doanh số tốt. Báo chí trong, ngoài nước và cộng đồng gọi đây là những kỳ tích. Theo ông Huệ, kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình.
Cũng với mong muốn đại diện cho khối DN tư nhân đi tiên phong mở đường cho giấc mơ Việt Nam thịnh vượng 2045, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ, Học viện Hàng không Vietjet được đầu tư hiện đại bậc nhất trong khu vực, ngay trong khu công nghệ cao Quận 9, TP. HCM. Đặc biệt, công trình Công viên công nghệ cao Hi-tech Park đang gấp rút hoàn thành, trong đó dành ưu tiên hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Đây là minh chứng cho khát vọng và bản lĩnh của DN thức thời.
Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ - ông Trương Gia Bình - khẳng định, hơn lúc nào hết, đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang DN, từng người dân. DN tư nhân đang có một khát khao lớn, một giấc mơ lớn và cần phải được trao niềm tin lớn.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuối năm 2019, kinh tế tư nhân chiếm 42% GDP, đóng góp 30% thu ngân sách và tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Dự báo, đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ chiếm 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế. Có thể khẳng định, kinh tế tư nhân, DN tư nhân có sứ mệnh rất quan trọng và trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và 2045.
Đổi mới tư duy, kiến tạomôi trường kinh doanhbình đẳng
Để hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng 2045, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo kiến nghị, Việt Nam cần trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách. Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistics… Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới. Theo bà Thảo, để hỗ trợ tăng trưởng, rất cần đổi mới tư duy, sự quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương. Vietjet mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các DN.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI - ông Đỗ Minh Phú - cho rằng, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao, cần chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ. Cụ thể, các cơ quan công quyền cần ở tâm thế tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, người dân, đồng hành cùng họ, lấy sự hài lòng và thành công của cộng đồng DN và người dân là thước đo hoàn thành nhiệm vụ. Trong nhận thức và đối xử, phải bình đẳng giữa DN tư nhân và DNNN, DN FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, nhìn nhận.
Còn theo ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Công ty Masan, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới nhưng vẫn có tình trạng được mùa giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm. Bên cạnh đó, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại khi chi phí lưu thông hàng hóa đang chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Giảm thiểu chi phí này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và DN. Vấn đề nữa, phải áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và gắn với phát triển xanh, tái tạo năng lượng.
Đồng quan điểm về một nền kinh tế phát triển xanh, Chủ tịch TH True Milk - bà Thái Hương - nhận định, Việt Nam phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người. Một hướng đi khác rất tiềm năng là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử. Bà Hương cũng kiến nghị Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các DN phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thời đại ngày nay, mục tiêu của DN không đơn thuần là mang lại lợi nhuận cho các cổ đông mà phải tạo ra giá trị xã hội, góp phần vào thịnh vượng chung của đất nước. Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi, hãy chung tay làm nên thành công hơn nữa cho Việt Nam, nơi mà trí thức, tài năng nào cũng có cơ hội được cống hiến, phụng sự; có nhiều DN vươn lên trở thành tập đoàn toàn cầu. Việt Nam 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó.
HỒNG NHUNG