Kinh tế Việt Nam phục hồi chưa đồng đều

(BKTO) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại đà tăng trưởng sau cú sốc Covid-19 nhưng kết quả phục hồi còn chưa đồng đều giữa các ngành, một số lĩnh vực vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.




Báo cáo cập nhật kinh tế tháng 4/2021 của WB cho biết: Quý I/2021, tăng trưởng GDP đạt 4,5% so cùng kỳ năm trước, tương đương với quý IV/2020. Tuy vẫn thấp hơn so với các mức trước đại dịch nhưng tốc độ tăng trưởng này đã phản ánh quá trình phục hồi đang diễn ra trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có sự khác biệt đáng kể giữa các ngành. Một mặt, so với cùng kỳ năm trước, nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều bởi cú sốc, tăng trưởng 3,2% và ngành công nghiệp và xây dựng tăng tốc từ 5,6% trong quý cuối năm 2020 lên 6,3% nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực kinh tế đối ngoại.

Mặt khác, ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 3,3% so cùng kỳ năm trước, bằng khoảng một nửa so với tốc độ tăng trưởng trước đại dịch. Đặc biệt, các lĩnh vực liên quan đến du lịch vẫn suy giảm nặng nề khi dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp phục hồi trong tháng 3/2021, khi các nhà máy trở lại hoạt động sau kỳ nghỉ Tết với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,1% so cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực năng động nhất là đồ uống do các DN đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước vào mùa hè. Các ngành chế tạo kim loại, linh kiện điện tử, thiết bị điện, máy móc và xe cơ giới cũng tăng trưởng nhờ sức cầu mạnh từ khu vực kinh tế đối ngoại. Chỉ số PMI tăng từ 51,3 vào tháng 02 lên 51,6 trong tháng 3, một lần nữa khẳng định các ngành chế biến, chế tạo tiếp tục mở rộng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 02/2021 giảm 4,4% so tháng trước. Đến tháng 3, doanh số bán lẻ lại giảm thêm 0,9% so tháng trước khi tiêu dùng yếu đi sau Tết. Tuy doanh số bán lẻ vẫn tăng 10,5% so cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng chủ yếu do hiệu ứng cơ sở vì sức cầu trong nước đã giảm đáng kể khi bắt đầu đại dịch cách đây 1 năm.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 18,4% và 27,5% so cùng kỳ năm trước vào tháng 03/2020. Các mặt hàng đóng góp nhiều nhất cho mức tăng xuất nhập khẩu hàng hóa bao gồm máy tính, hàng điện tử và máy móc, chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị thương mại hàng hóa của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của nhóm mặt hàng này tăng lần lượt khoảng 45% và 26%, cho thấy xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào từ nước ngoài…

Việt Nam thu hút được 4,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tháng 03/2021, cao hơn 34% so với tháng trước đó. Đây là tháng thứ hai liên tiếp FDI đăng ký đạt mức tăng trưởng cao. Mức tăng này chủ yếu do dự án đầu tư mới trị giá 3,1 tỷ USD vào Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng tại Long An.


Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,22% so tháng trước và 1,1% so cùng kỳ năm trước trong tháng 3/2021. Lạm phát CPI cao hơn chủ yếu là do Chính phủ điều chỉnh tăng giá xăng dầu khoảng 6,9% vào cuối tháng 02 và trong tháng 3, sau khi giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng đều đặn từ tháng 10/2020.

Tín dụng cho nền kinh tế tăng 12,5% so cùng kỳ năm trước trong tháng 3/2021. Tốc độ tăng này gần sát với các mức trước Covid, cho thấy tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua đó giúp cung cấp vốn đầy đủ để hỗ trợ phục hồi kinh tế.


Các cơ quan chức năng dường như đã chuyển sang chính sách tài khóa trung lập hơn khi nền kinh tế đã và đang phục hồi. Cân đối ngân sách đạt bội thu lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch. Trong quý I/2021, Chính phủ thu ngân sách 403,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước, trong khi tổng chi giảm 0,4% so cùng kỳ năm trước xuống còn 341,9 nghìn tỷ đồng, dẫn đến bội thu ngân sách trên 60 nghìn tỷ đồng, cao hơn 29% so với cách đây 1 năm.

Giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo tiến độ với tỷ lệ giải ngân khoảng 13%, tương đương quý I/2020. Đến cuối tháng 3/2021, Kho bạc Nhà nước huy động được tổng cộng 39,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch quý I/2021.

Theo WB, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ nhưng còn chưa đồng đều. Quá trình phục hồi có thể gặp phải những cú sốc mới hoặc khó khăn kéo dài ở một số lĩnh vực của nền kinh tế. Các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tiếp tục các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu khủng hoảng vẫn tiếp diễn và nền kinh tế không phục hồi nhanh như dự kiến. Việc cân nhắc gói gia hạn thời hạn nộp thuế có thể hỗ trợ vốn lưu động cho các DN. Tiếp tục hỗ trợ cho các cá nhân và hộ gia đình vẫn đang chịu ảnh hưởng của cú sốc Covid-19 cũng là cách để đẩy mạnh nhu cầu từ khu vực tư nhân. Trong điều kiện tác động của khủng hoảng đến DN còn kéo dài, khu vực tài chính cần được theo dõi chặt chẽ./.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
  • Vietnam Expo 2021: Cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Từ ngày 14-17/4, Vietnam Expo 2021 - sự kiện xúc tiến thương mại trọng điểm do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, các tổ chức xúc tiến thương mại tổ chức tại Hà Nội. Đây là sự kiện mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận, triển khai nhiều mô hình kinh doanh trong kỷ nguyên số.
  • Ngăn chặn và xử lý tình trạng sốt đất ảo
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO)- Bước vào quý I/2021, tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động. Tuy lượng giao dịch bất động sản - qua theo dõi của Bộ Xây dựng - chỉ bằng khoảng 70% so với quý IV/2020, song giá bất động sản có nhiều biến động; đặc biệt, giá bất động sản đất nền có hiện tượng tăng nóng, cục bộ ở một số địa phương trên cả nước trong thời gian qua.
  • PCI 2020: Môi trường kinh doanh duy trì đà cải thiện.
    3 năm trước Kinh tế
    (BKTO)- Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 cho thấy sự chuyển động tích cực trong nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam giai đoạn 5 năm (từ 2016 đến nay). Những chuyển động tích cực được cộng đồng DN ghi nhận bao gồm môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có bước tiến, tính năng động của bộ máy chính quyền được nâng cao, đặc biệt chi phí không chính thức được giảm bớt.
  • Thúc đẩy số hóa và phát triển bền vững để tạo giá trị lâu dài cho doanh nghiệp gia đình
    3 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo PwC, tại Việt Nam, 100 DN gia đình lớn nhất đóng góp tới 25% vào GDP của quốc gia. Các DN gia đình đang thực sự là động cơ tăng trưởng và phục hồi trong thời kỳ có nhiều thách thức.
  • Tín dụng chảy mạnh vào bất động sản và một số lĩnh vực ưu tiên
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tính đến ngày 31/3, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020. Trong đó, tín dụng chảy mạnh vào bất động sản và một số lĩnh vực ưu tiên.
Kinh tế Việt Nam phục hồi chưa đồng đều