Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2018
Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, năm 2018 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức 6,8%, cao hơn mức 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chứng tỏ sự vững vàng cho dù có trở lực bên ngoài, chủ yếu nhờ vào sức cầu mạnh trong nước, phản ánh tăng trưởng mạnh về đầu tư và tiêu dùng tư nhân, kết hợp sự năng động của các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát cơ bản được kiếm soát, trong đó mức lạm phát cả năm ước tính khoảng 4%, tốc độ tăng CPI vẫn ở mức vừa phải là 3,6% trong 10 tháng qua.
Quang cảnh buổi họp báo công bố báo cáo "Điểm lại" |
Tài khoản vãng lai dự kiến vẫn thặng dư, chủ yếu do cán cân thương mại được cải thiện. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt kỷ lục tăng thặng dư ở mức gần 7,2 tỷ USD trong 10 tháng năm 2018; thặng dư tài khoản vốn cũng ở mức lớn do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được duy trì bền vững. Xuất khẩu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao trên hầu hết các mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu đa dạng.
Tận dụng cơ hội để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế
WB dự báo, về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu- giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020. Lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt.
Các chỉ số chủ yếu của Việt Nam trong ngắn hạn |
Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài.
Ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhận định, để tiếp sức cho triển vọng tăng trưởng dài hạn, nâng cao khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô cũng như năng lực cạnh tranh, các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng những diễn biến vẫn có lợi cho tăng trưởng để đẩy mạnh cải cách cơ cấu, bao gồm cả cải cách khu vực DNNN và khu vực ngân hàng, song song với nâng cao hiệu suất đầu tư công, nâng cao năng suất, sản lượng tiềm năng và hỗ trợ tăng cường các dịch vụ sự nghiệp.
Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt, củng cố tình hình tài khóa và hạn chế tăng trưởng tín dụng để củng cố khung chính sách kinh tế vĩ mô và nâng cao khả năng chống chịu những cú sốc có thể diễn ra.
Cũng theo ông Sebastian Eckardt, các chính sách cải thiện hiệu quả quản lý nợ công cần được tiếp tục triển khai nhằm tiết kiệm chi phí, chuyển sang dựa nhiều hơn vào nguồn vốn thị trường đang ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng lên. Các chính sách nhằm tăng cường tạo thuận lợi thương mại sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam, kết hợp với việc đẩy mạnh cải cách về môi trường kinh doanh, là điều kiện để thu hút đầu tư, bao gồm cả đầu tư nước ngoài.
N. HỒNG