KTNN đã đóng góp lớn vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, ngân sách

(BKTO) - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trảlời phỏng vấn của Báo Kiểm toán




Ông Phùng Quốc Hiển. Ảnh: PHỐ HIẾN

Xin ông vui lòng cho biết ý kiến đánh giá về sự tham gia, đóng góp của KTNN đối với hoạt động của Quốc hội nói chung và của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) trong năm vừa qua?

- Có thể nói năm 2015 có nhiều sự kiện hết sức quan trọng, trong đó Luật KTNN (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Như vậy, trong năm vừa qua sự phối hợp giữa Ủy ban TC-NS và KTNN được thể hiện rõ trong công tác xây dựng pháp luật, trước tiên là Luật KTNN (sửa đổi). Luật đã được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung rất quan trọng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KTNN theo quy định của Hiến pháp. Hiện nay, hai cơ quan cũng đang tiếp tục phối hợp để cụ thể hóa thêm một bước nữa những nội dung liên quan.

Thứ hai là, KTNN đã phối hợp rất có trách nhiệm và hiệu quả với Ủy ban TC-NS trong việc xây dựng nhiều bộ Luật khác liên quan, như: Luật NSNN, Luật sửa đổi các Luật về thuế… Thông qua kiểm toán, KTNN đã đưa ra những đánh giá đối với các chính sách, những tác động của chính sách đối với nền kinh tế và chỉ ra những tồn tại, khiếm khuyết của chính sách, từ đó góp phần đưa ra những đánh giá khi Chính phủ trình Luật cũng như hoàn thiện Dự án Luật một cách tốt nhất.

Thứ ba, sự phối hợp của hai cơ quan còn thể hiện trong xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT). KTNN là cơ quan độc lập đưa ra KHKT, tuy nhiên KHKT được báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện, do đó Ủy ban TC-NS đã phối hợp với KTNN để xác định, làm rõ thêm những vấn đề, những ngành, lĩnh vực cần đi sâu kiểm toán.

KTNN cũng phối hợp với Ủy ban TC-NS và có đóng góp lớn trong đánh giá việc quyết toán NSNN. Qua đó, KTNN đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến việc thu, chi NSNN; liên quan đến những đối tượng thụ hưởng ngân sách và tập trung phân tích, đánh giá xem các chính sách đã đi vào cuộc sống ra sao, có hiệu quả hay lãng phí... Theo tôi, những năm gần đây KTNN đã làm rất tốt điều này.

Thứ tư, KTNN đã tham gia tích cực vào xây dựng dự toán NSNN. Hiện tại, KTNN cũng đang phối hợp với Ủy ban TC-NS xây dựng dự toán NSNN năm 2016, Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm; xem xét vấn đề tăng nợ công. Thời gian qua hoạt động KTNN đã đụng đến một vấn đề nóng bỏng, đó là nợ công. Phần lớn những yếu tố liên quan đến nợ công đều được KTNN phân tích, đánh giá đầy đủ. Đối với Ủy ban TC-NS, tất cả các báo cáo thẩm tra liên quan đến ngân sách đều căn cứ vào số liệu của KTNN để phân tích, đánh giá, đưa ra những nhận định, kể cả trong báo cáo thẩm tra về việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm.

Như vậy, Uỷ ban TC-NS và KTNN luôn có mối quan hệ song hành cùng hướng tới một mục tiêu vì sự phát triển của đất nước, vì sự công khai minh bạch và đảm bảo hiệu quả trong sử dụng NSNN; là công cụ, là đòn bẩy để thúc đẩy quá trình đi tới mục tiêu hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.

Với địa vị đã được Hiến định và cụ thể hóa bằng Luật KTNN (sửa đổi), ông kỳ vọng như thế nào đối với hoạt động của KTNN trong thời gian tới, đặc biệt là trong việc chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương trong lĩnh vực tài chính, ngân sách?

- 5 năm tới nước ta sẽ bước vào giai đoạn hết sức quan trọng của đất nước để hoàn thành được mục tiêu cơ bản là trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, hoạt động kinh tế sẽ rất sôi động, nhất là khi chúng ta tham gia sâu vào hoạt động kinh tế quốc tế. Trong quá trình hội nhập, kinh tế sẽ phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi các hoạt động phải được minh bạch, được kiểm soát và phải tuân thủ kỷ cương, pháp luật. Tất cả các hoạt động thu chi liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách có quan hệ với Nhà nước đều cần có sự kiểm tra, kiểm soát. KTNN có vai trò chính trong thực hiện các nhiệm vụ đó.

Tôi luôn kỳ vọng vào hoạt động kiểm toán nhà nước do KTNN hiện đã có địa vị pháp lý cao và hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, KTNN đã có một bề dày kinh nghiệm, đội ngũ của KTNN ngày càng phát triển, năng lực, trình độ đã được thử thách, rèn luyện và nâng lên. Đặc biệt, KTNN đã có nhiều đổi mới trong những năm gần đây, từ tổ chức bộ máy tới phương pháp tổ chức làm việc, đổi mới trong nhận định, đánh giá và phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Quốc hội. Những yếu tố đó chính là cơ sở quan trọng để KTNN tiếp tục phát triển và đáp ứng được yêu cầu. Xét cho cùng, sự phát triển của KTNN đi cùng với sự phát triển của đất nước, KTNN góp phần để nền kinh tế được vận hành một cách hiệu quả và hiệu quả là thước đo cuối cùng. Chúng tôi cũng đề nghị KTNN không chỉ dừng ở kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ mà phải kiểm toán hoạt động, coi đó chính là mục tiêu của KTNN trong tương lai.

Vậy ông có đề xuất, định hướng gì để tăng cường hiệu quả phối hợp và đóng góp của KTNN đối với hoạt động của Quốc hội cũng như trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban TC-NS?

- Tôi cho rằng để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai cơ quan, Uỷ ban TC-NS khóa tới cần tổng kết lại Quy chế phối hợp với KTNN trong thời gian qua. Bởi vì quy chế phối hợp hiện nay đã được sửa nhưng cũng đã kéo dài hơn 10 năm. Trong bối cảnh mới này Quy chế nên được rà soát lại để bổ sung, hoàn chỉnh hoặc xây dựng mới để tăng cường sự phối hợp giữa hai cơ quan theo đúng tinh thần của Hiến pháp; Luật KTNN, Luật NSNN cũng đã được sửa đổi bổ sung, hệ thống pháp luật về tài chính, ngân sách đã thay đổi đòi hỏi quy chế phối hợp cũng cần phải sửa đổi.

Hai là, KTNN cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động phối hợp với Ủy ban TC-NS và các cơ quan của Quốc hội. Đặc biệt KTNN cần tiến tới thực hiện quy định báo cáo trước Quốc hội song song với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban TC-NS về những vấn đề kiểm toán. Tôi cho rằng việc trình bày báo cáo trước Quốc hội chính là để nâng tầm vị thế của KTNN, phù hợp với quy định của pháp luật.

Ba là, KTNN cần phải đổi mới hơn nữa để nâng cao trình độ, trách nhiệm nhằm đáp ứng yêu cầu và phù hợp với quy định của Luật KTNN (sửa đổi). Tôi rất hy vọng, với bề dày kinh nghiệm đã có, thời gian tới KTNN sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Quốc hội, cũng như của các ĐBQH. Ủy ban TC-NS sẽ luôn song hành để cùng KTNN thực hiện mọi nhiệm vụ được Quốc hội giao.

NGUYỄN HỒNG (thực hiện)
Cùng chuyên mục
KTNN đã đóng góp lớn vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, ngân sách