KTNN góp phần phát hiện và xử lý tham nhũng

(BKTO) - Báo cáo của Chính phủ tại Hộinghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) mới đây chỉrõ: Công tác PCTN đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tíchcực trên nhiều phương diện. Thông qua nhiều hoạt động cụ thể, KTNN cũng đã gópphần vào kết quả chung này.




Trong 10 năm, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 187.530 tỷ đồng.Ảnh: ĐÔNG SƠN

Kiểm toán giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lý tham nhũng

“Qua 10 năm thực hiện Luật PCTN, các cơ quan Thanh tra, KTNN, Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã tích cực phối hợp công tác, phát hiện được nhiều vụ việc tham nhũng, góp phần ngăn chặn, răn đe và xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng” - Báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Trên thực tế, 10 năm qua, thực hiện trách nhiệm quy định trong Luật KTNN và Luật PCTN, KTNN đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp kết quả kiểm toán theo yêu cầu. Từ năm 2006 đến tháng 9/2015, KTNN đã cung cấp 68 bộ hồ sơ, tài liệu cho các đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành cơ quan nhà nước, phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát. Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí, KTNN đã ký Quy chế phối hợp và thỏa thuận hợp tác với 14 Bộ, cơ quan Trung ương và 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó, một số Quy chế có nội dung phối hợp đấu tranh PCTN. Đáng lưu ý, từ khi Luật PCTN có hiệu lực đến nay, công tác phối hợp giữa KTNN với các cơ quan Nhà nước nhất là các cơ quan trực tiếp có trách nhiệm đấu tranh PCTN như Viện Kiểm sát, Tòa án, Cơ quan cảnh sát điều tra, Thanh tra… đã có những chuyển biến tích cực, rõ rệt. Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp các cơ quan này trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí.

Không chỉ thực hiện tốt công tác phối hợp trong PCTN, KTNN còn nâng cao chất lượng kiểm toán, giúp phát hiện và xử lý tham nhũng. Theo báo cáo của Chính phủ, trong 10 năm, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 187.530 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý tổng số 477 vụ việc; trong đó chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 cá nhân có hành vi tham nhũng. KTNN cũng đã đóng góp nhiều kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực. Như vậy, cùng với hoạt động thanh tra, giải quyết tố cáo, hoạt động kiểm toán của KTNN đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách, ngăn ngừa tiêu cực, lãng phí, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Chủ động hơn nữa trong PCTN

Theo lãnh đạo KTNN, trong nhiệm kỳ 2016-2020, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của KTNN là chủ động hơn nữa trong công tác PCTN, lãng phí. Bởi vậy, KTNN sẽ tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí như đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các DN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty; đẩy mạnh kiểm toán hoạt động theo chuyên đề độc lập, thiết thực, những vấn đề nổi cộm được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, trước thực trạng một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện PCTN, KTNN sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền triển khai kiểm toán trách nhiệm kinh tế của cán bộ lãnh đạo trong nhiệm kỳ công tác, trước mắt có thể quy định lồng ghép đánh giá trách nhiệm kinh tế của cán bộ lãnh đạo trong 3 loại hình kiểm toán, tập trung vào nhóm cán bộ được giao trách nhiệm đại diện vốn chủ sở hữu, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các DN. Đồng thời, KTNN sẽ tập trung theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo công khai, kịp thời tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán; thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa Ban cán sự Đảng KTNN với các cơ quan có liên quan trong công tác PCTN và thiết lập đường dây nóng nhằm thu thập thông tin phản ánh trực tiếp của công chức, người lao động KTNN và nhân dân về tham nhũng...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán theo tinh thần Chỉ thị số 769/CT-KTNN ban hành ngày 29/4, thời gian tới, KTNN cũng sẽ triển khai thực hiện đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của toàn cơ quan và trong nội bộ các đơn vị trực thuộc, xử lý nghiêm đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu nhằm đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ. Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng đã từng nhấn mạnh: Công tác kiểm toán của KTNN phải được siết chặt lại theo hướng nâng cao kỷ luật, kỷ cương, chất lượng hoạt động kiểm toán để kịp thời phát hiện ra sai phạm, thất thoát trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, từ đó kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách hoặc chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Hoàn thành tốt nhiệm vụ này, KTNN sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi tham nhũng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công./.

Box: Một số đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả PCTN:

KTNN kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra, làm rõ sai phạm pháp luật, có dấu hiệu tham nhũng đã được phát hiện qua kiểm toán để chuyển cơ quan điều tra; quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan điều tra, thanh tra trong việc thông báo cho KTNN kết quả điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật do KTNN chuyển hoặc cung cấp hồ sơ theo yêu cầu.

Bộ Công an đề xuất nghiên cứu xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng về PCTN nhất là tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám định tư pháp... với cơ quan điều tra trong việc trao đổi, cung cấp thông tin kịp thời theo định kỳ giao ban để chủ động đánh giá thực trạng, dự báo xu thế phát triển của tội phạm tham nhũng và xác định nguồn án về tham nhũng, tập trung cho cơ quan chuyên trách xác minh, điều tra, làm rõ.
NGỌC MAI
Cùng chuyên mục
KTNN góp phần phát hiện và xử lý tham nhũng