Những người làm nên huyền thoại
Với người lính Điện Biên, những nắm cơm muối, điếu thuốc chia nhau, hay bát canh rau rừng trong những ngày nắng như lửa đốt; đặc biệt, những trận chiến ác liệt “máu trộn bùn non” là những kỷ niệm không thể nào quên. Trước muôn vàn nguy hiểm, gian khó, nhưng vượt qua tất cả, với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và bằng tài thao lược của người Tổng chỉ huy - Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sỹ trên chiến trường, những người lính Cụ Hồ năm ấy kiên cường, bất khuất đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đã 70 năm trôi qua kể từ khi Chiến thắng Điện Biên Phủ vang vọng khắp thế giới, nhiều cựu chiến sỹ Điện Biên đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng những ký ức mà mỗi người lính mang theo vẫn là những mảnh ghép chân thực về lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau hãy nhớ về những bài học và giá trị lịch sử; học tập rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, noi gương các anh hùng liệt sỹ năm xưa; vượt qua mọi khó khăn thử thách, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Cựu chiến binh Trần Minh Trường (90 tuổi, xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) - người chiến sỹ đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong suốt 56 ngày đêm, làm nhiệm vụ thông tin, bộ binh, đào giao thông hào đi xuyên lòng núi cho quân đội ta tiến lên tiêu diệt quân thù. Tháng 01/1953, khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Trần Minh Trường lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 77 (Phú Thọ). Sau 1 tháng huấn huyện tân binh, ông được chuyển về Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312, trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. “Nhiệm vụ của bộ đội thông tin trong Chiến dịch Điện Biên Phủ rất quan trọng, công việc đòi hỏi phải chính xác, bí mật, đảm bảo đường dây luôn thông suốt để truyền tải những mệnh lệnh chỉ đạo của cấp trên đến các đơn vị bộ đội” - ông Trường chia sẻ.
Cùng với nhiệm vụ bảo đảm thông tin, ông và các đồng đội còn thay nhau đào công sự. Với sức trẻ, ý chí và lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, không kể ngày đêm, các chiến sỹ đào xuyên lòng núi lên đến các đỉnh đồi - nơi có căn cứ của địch chỉ bằng những dụng cụ thô sơ. Đào đến đâu đều được quân ta ngụy trang hầm bằng cây lau sậy, lá cây rừng nhằm che mắt quân địch. Cựu chiến binh Trần Minh Trường nhớ lại: “Vào những ngày trời mưa, khi đào đất lại theo nước mưa chảy xuống, lấp đầy đường hào, anh em phải đào lại. Trong khi đó, trên trận địa, máy bay địch không ngừng ném bom nhưng cán bộ, chiến sỹ không thể làm nao núng tinh thần, quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh để chiến thắng kẻ thù xâm lược”.
70 năm trước, cựu chiến binh Vũ Văn Chi (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) khi đó mới 24 tuổi hăm hở xung phong ra trận. Khi nhập ngũ ông là chàng trai trẻ quê Thanh Hóa, thuộc biên chế Đại đoàn 312, thực hiện nhiệm vụ mở đường kéo pháo bắn máy bay địch, chiếm lĩnh trận địa, mở đầu cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ qua đi, những ngày tháng kéo pháo ra trận trong điều kiện khắc nghiệt của địa hình Tây Bắc là điều không thể xóa nhòa trong ký ức của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Dù nay đã 98 tuổi, nhưng khi nhắc lại những năm tháng khốc liệt của Chiến dịch và giây phút chiến thắng, ông Chi không khỏi tự hào, xúc động: "Bộ đội ta giải phóng cứ điểm Him Lam trước. Đến 03h00 chiều giải phóng được Him Lam và tối hôm đó là cùng hành quân sang đồi Độc Lập, đến 08h00 sáng hôm sau giải phóng đồi Độc Lập. Sau trở về chốt ở suối Tả Lèng và tiếp tục giải phóng đồi E, đồi D và A1; tiếp đó, chúng tôi hành quân ra Mường Phăng để làm lễ chiến thắng".
Cựu chiến binh Bùi Kim Điều (sinh năm 1930), đang sinh sống tại TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, nhập ngũ tháng 02/1952, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị là chiến sỹ thông tin ở Đại đội 405, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 đã ôn lại kỷ niệm về những năm tháng hào hùng. Đó là buổi chiều 07/5/1954 lịch sử, sau khi nhận lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ, quân và dân ta tấn công tiến vào phân khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. “Chiến dịch giành thắng lợi, ngày 13/5, đơn vị chúng tôi được mừng chiến thắng ở Mường Phăng, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì. Chúng tôi được Đại tướng khen ngợi, biểu dương thành tích. Đơn vị có 5 anh hùng được tuyên dương. Đại đoàn được Bác Hồ ủy nhiệm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” - Chiến sỹ Bùi Kim Điều kể lại.
Cựu chiến binh Dương Chí Kỳ (TP. Hồ Chí Minh) vô cùng xúc động khi nhắc về một thời lửa đạn, gian khó, “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” nhưng “gan không núng, chí không mòn”. Theo ông Kỳ, năm 1953, ông cùng các thế hệ thanh niên thời ấy nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ xếp bút nghiên tình nguyện nhập ngũ. Ông được trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316; được tham gia vào trận tổng công kích cuối cùng, làm hầm, làm đường hào vào cứ điểm A1, đưa súng cối 82 ra trận địa từ tối 05/5/1954, đánh cho tới trưa 07/5/1954 thì quân Pháp đầu hàng, quân ta đại thắng.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công
70 năm đã trôi qua, không thể vượt qua được quy luật sinh tử, nhiều chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã không còn nữa. Hàng ngàn, hàng vạn người chưa thể kể tên đã hy sinh xương máu, góp công, góp sức cho Chiến thắng Điện Biên Phủ, cho độc lập tự do của Tổ quốc; trong đó, vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa xác định được thông tin, danh tính. Máu xương của các anh, các chị đã hóa vào lòng đất thiêng Tây Bắc, Điện Biên để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do; nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những năm qua, với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa với tinh thần trách nhiệm, tấm lòng trân trọng và sự biết ơn sâu sắc; đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và nghĩa tình, trách nhiệm, tri ân sâu sắc, nhân văn.
Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về sự hy sinh, cống hiến to lớn của những người có công với cách mạng để khơi dậy lòng yêu nước, phát huy mạnh mẽ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn" và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với lịch sử và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công, đề nghị các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu ban hành các cơ chế, biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy vai trò của người có công, thương binh, bệnh binh và gia đình, nhất là trong sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình. “Chú trọng xây dựng và chỉnh trang không gian, cảnh quan nghĩa trang liệt sỹ bảo đảm khang trang, sạch đẹp, thể hiện sự thiêng liêng, tôn kính để nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ’" giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho các thế hệ mai sau. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong quản lý dữ liệu thông tin, hình ảnh, kỷ vật về các anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh; xác định ADN đối với các trường hợp liệt sỹ chưa rõ thông tin” - Thủ tướng đề nghị./.