Bà Nguyễn Thị Bích Thảo và Anh hùng LLVTND La Văn Cầu. Ảnh: TS
Những ngày này, ngôi nhà nhỏ nằm trong khu tập thể quân đội của bà Nguyễn Thị Bích Thảo lại nhộn nhịp hơn thường ngày. Nơi đây, những thành viên đội cảm tử quân năm nào thường gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm gian khổ mà hào hùng từ những ngày tiền khởi nghĩa đến 60 ngày đêm quyết tử bảo vệ Thủ đô.
Sinh năm 1925 trong một gia đình tư sản yêu nước, bà Thảo sớm dấn thân vào con đường đầy chông gai, gian khổ của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Bà kể, từ khi còn nhỏ, bà và hai người chị của mình là bà Bích Tần, Bích Hạnh đã chịu ảnh hưởng lý tưởng cộng sản của người anh cả - cố nhà văn Như Phong (tức Nguyễn Đình Thạc). Trong không khí cách mạng sục sôi của Hà Nội, năm 1944, ba chị em bà đã tham gia hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ cứu quốc với các hoạt động rải truyền đơn kêu gọi nhân dân ủng hộ quân giải phóng, kêu gọi binh lính Pháp phản chiến ở các phố Cửa Đông, vận động bãi thị ở chợ Đồng Xuân.
Nhớ lại những ngày chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, bà kể: “Một tối đầu tháng 8/1945, anh Thạc bí mật trở về nhà và giao cho ba chị em nhiệm vụ may cờ cho ngày tổng khởi nghĩa. Công việc được tiến hành bí mật để tránh địch phát hiện. Tôi cũng được anh đưa cho một bức vẽ lá cờ đỏ sao vàng làm mẫu. Mỗi người chia nhau đi các chợ mua vải, mỗi nơi mua một màu, mỗi nơi chỉ mua vài mét để địch khỏi nghi ngờ. Đêm đến, ba chị em đóng chặt cửa phòng, thắp nến ngồi khâu tay suốt đêm và nóng lòng chờ đợi. Niềm hạnh phúc như vỡ òa khi ba chị em được tự tay treo những lá cờ đỏ trên phố trong ngày chiến thắng. Giây phút ấy vẫn như bản nhạc lòng ngân vang mỗi dịp Thủ đô kỷ niệm ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền 19/8/1945”.
Giữa bao ký ức sống dậy, bà Thảo vẫn nhớ như in kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Bà nhớ lại, hôm đó, trong cuộc mít tinh tại khu Việt Nam học xã, hai chị em bà Thảo, bà Hạnh mặc áo dài trắng, được giao nhiệm vụ kéo cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ. Trời thu se se lạnh, bà Thảo đang mải mê ngắm lá cờ tung bay thì bỗng có một bàn tay vỗ nhẹ vào vai. Quay lại, cả bà và chị đều bất ngờ, sửng sốt khi người đó chính là Bác Hồ. Hai chị em chỉ còn biết xúc động, rưng rưng chào Bác mà không thể nói thêm được điều gì. Còn Người vẫn đứng đó, nở nụ cười âu yếm hỏi thăm hai chị em. “Các cháu lấy thêm áo mặc cho đỡ lạnh” - Câu nói đó vẫn in đậm trong tâm trí bà cho đến hôm nay.
“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”!
Cách mạng Tháng Tám thành công, bà Thảo được tổ chức cử đi học lớp y tá Hồng Thập tự ở nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức). Đêm 19/12/1946 khi lệnh toàn quốc kháng chiến phát đi cũng là lúc ba chị em tình nguyện ở lại Hà Nội, gia nhập đội cảm tử quân, biên chế tại Trung đội 2 thuộc Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn Thủ đô.
Những ngày ấy, Hà Nội lại chìm trong lửa đạn. Ngày 14/02/1947, Pháp mở trận đánh lớn vào Đồng Xuân, ba chị em bà nhận nhiệm vụ bảo vệ địa bàn. Mỗi người mỗi việc, riêng bà Thảo đã qua lớp đào tạo y nên được trực tiếp tham gia tại trận địa, làm công tác cứu thương. Trước khi nhận nhiệm vụ, xác định “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ba chị em cùng đứng trước lá cờ đỏ sao vàng tuyên thệ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, hòa vào khúc tráng ca “60 ngày đêm khói lửa ở Hà Nội” của những người lính cảm tử. 60 ngày đêm đó, bà đã cùng với đồng đội vượt qua mưa bom bão đạn, kề cận với cái chết, kịp thời băng bó, chữa trị cho các chiến sĩ bị thương; bảo đảm lực lượng để Trung đoàn Thủ đô giữ vững khí thế chiến đấu và tạo nên kỳ tích đặc biệt.
Ngay trong những ngày lửa đạn, tinh thần lãng mạn, tinh tế của những người con Thủ đô vẫn bộc lộ rõ. Bà Thảo nhớ lại: Tết Nguyên đán Đinh Hợi (năm 1947) cả Trung đoàn vừa đánh giặc vừa chuẩn bị đón một cái Tết đặc biệt. Ngoài việc chuẩn bị cho bộ đội đón Tết, lãnh đạo Trung đoàn còn chuẩn bị một bữa tiệc để mời một số đại biểu người nước ngoài đang có mặt tại Hà Nội lúc đó. Ý tưởng làm chiếc bánh hình lá quốc kỳ ra đời. Mấy chị em trong đơn vị phân công nhau chuẩn bị. Hai chị em Bích Hạnh, Bích Thảo trực tiếp tham gia làm bánh. Khuôn bánh được đặt ở phố Hàng Thiếc, rộng 40cm, dài 60cm, dày 3cm.Chiếc bánh được hoàn thành, trông xa tưởng như lá cờ đỏ sao vàng thật. Được tận mắt chứng kiến và nếm món ăn đặc biệt này, các đại biểu đã rất ngạc nhiên trước tinh thần chiến đấu lạc quan của quân, dân Hà Nội và không ngớt lời ngợi khen sự khéo léo, tài hoa của nam, nữ bộ đội ta… Đây cũng là một trong những kỷ niệm mà bà Thảo còn nhớ mãi tới tận bây giờ…
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, những ký ức về năm tháng không thể nào quên vẫn đọng lại trong tâm trí nữ cảm tử quân và được bà cẩn thận ghi chép lại trong cuốn hồi ký của gia đình. Ở đó, câu chuyện về một gia đình ở phố Đồng Xuân, Hà Nội có 3 người con gái - tức 3 chị em bà - và 3 chàng rể đã gia nhập đội cảm tử quân bảo vệ Thủ đô; chuyện tình cảm đầy xúc động của bà với chồng - liệt sĩ Đỗ Đình Sửu, góp phần khắc họa bức tranh của Hà Nội một thời hào hùng với những con người kiên trung, bất khuất và giàu tình nghĩa.