Việc đầu tư ngân sách cho y tế đang chuyển dần từ cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT.Ảnh: TK
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nước có tỷ lệ chi từ tiền túi hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe dưới 30% là những nước đã bảo đảm công bằng cao trong chăm sóc sức khỏe; từ trên 30% đến dưới 50% là những nước đã có công bằng và tỷ lệ chi từ tiền túi người dân mà cao hơn 50% là những nước chưa đạt được công bằng trong chăm sóc y tế. Ở Việt Nam, theo số liệu Tài khoản Y tế quốc gia, tỷ lệ chi từ tiền túi hộ gia đình cho chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam giảm từ 57,31% năm 2006 xuống 44,84% năm 2010 và ước đạt 48,83% năm 2012 do tốc độ tăng chi ngân sách cho y tế thấp hơn tốc độ tăng nhu cầu và chi phí cho phòng bệnh, khám chữa bệnh. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, chỉ số chi tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khoẻ phấn đấu giảm xuống còn dưới 45% năm 2015 và dưới 40% vào năm 2020.
Cùng với đó, Nhà nước cũng đã đầu tư mạnh mẽ trong việc nâng cấp hệ thống các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, việc Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện và một số bệnh viện đa khoa tỉnh miền núi, khó khăn và một số bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, sản nhi... đã giúp các địa phương xây dựng, nâng cấp các cơ sở y tế, mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân ngay trên địa bàn cư trú, người bệnh được hưởng thụ nhiều dịch vụ hơn. Qua đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí đi lại, sinh hoạt cho người bệnh và người nhà bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh.
Đặc biệt, việc thực hiện chính sách BHYT, hướng tới BHYT toàn dân, nhất là định hướng chuyển dần ngân sách cấp trực tiếp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT, đổi mới cơ chế giá dịch vụ gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế được đánh giá là chủ trương đúng đắn để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính sách này đã tạo điều kiện cho các cơ sở khám chữa bệnh có thêm nguồn thu để trang trải các chi phí phục vụ người bệnh, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên rõ rệt. Đáng chú ý, phần NSNN lẽ ra phải cấp cho các bệnh viện sẽ được Nhà nước dùng để tiếp tục hỗ trợ các đối tượng mua thẻ BHYT theo mệnh giá thẻ ngày càng tăng.
Để tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính y tế phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của người dân, đảm bảo cho mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới NSNN sẽ được tập trung đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo và các vùng khó khăn. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân. Nhà nước tiếp tục tăng cường hỗ trợ mua thẻ BHYT cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội; củng cố và phát triển Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh người nghèo.
ĐĂNG KHOA