Di tích lịch sử - văn hóa Đền Ghềnh (Gia Lâm, Hà Nội) là công trình được tu bổ chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, nhiều hoạt động được triển khai như: huy động nguồn lực và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ nhất ở việc phục hồi, tu bổ DT, khôi phục các hoạt động văn hóa, lễ hội. Nguồn đóng góp từ xã hội hóa lên tới hàng trăm tỷ đồng, đó là chưa kể đóng góp bằng hiện vật. Do kinh phí tu bổ, phục hồi DT rất tốn kém, trong khi nguồn vốn ngân sách hạn chế nên đây được coi là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong bảo vệ và phát huy giá trị DT. Ước tính, mỗi năm cả nước có khoảng trên 100 DT được tu bổ, phục hồi với mức đầu tư trung bình 2 đến 3 tỷ đồng cho một DT từ nguồn vốn xã hội hóa. Có những DT được cộng đồng đóng góp 100% kinh phí để phục hồi với chi phí lên tới chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, cũng phải thừa nhận công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DT còn bộc lộ những hạn chế, vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước chưa được thể hiện rõ. Nhận thức của xã hội về di sản văn hóa chưa thật sâu sắc và toàn diện, hoạt động tham gia phục hồi, tu bổ DT còn mang tính tự phát, chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng bảo vệ di sản văn hóa ở các địa phương… Trong khi đó, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, hạn chế về trình độ, nhận thức dẫn đến nhiều bất cập, thiếu sót trong triển khai công tác xã hội hóa...
Những mặt trái của xã hội hóa thể hiện rõ nhất qua các tác động tiêu cực tới DT thời gian qua, như: làm thay đổi hiện trạng DT sau khi phục hồi, tu bổ; tiếp nhận những hiện vật mới, không phù hợp với DT. Thứ nhất, do ban quản lý các DT dễ dàng chấp thuận phương án phục hồi theo yêu cầu để nhận được tiền tài trợ. Thứ hai, sử dụng đội ngũ không có kiến thức về phục hồi DT. Đáng báo động khi hiện nay, phần lớn việc phục hồi các DT ở nước ta vẫn do các đơn vị xây dựng dân dụng thực hiện. Thiếu kiến thức về di sản, không chấp hành các quy định về phục hồi DT, dẫn đến chất lượng DT sau phục hồi không đảm bảo, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Tình trạng tiếp nhận các hiện vật được hiến tặng không phù hợp, làm sai lệch, biến tướng DT cũng diễn ra ở nhiều nơi. Điển hình là trường hợp tiếp nhận hòn đá lạ ở đền Hùng (Phú Thọ); hàng loạt các linh vật không phù hợp ở đình, chùa; hay gần đây nhất là sự việc ban quản lý khu DT Đền Trần (Thái Bình) đã tự ý tiếp nhận một số bia đá có thiết kế không hợp lý, nội dung chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Câu chuyện làm thế nào để tiếp nhận và quản lý nguồn công đức tại các DT một cách hiệu quả luôn được đặt ra, song vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng.
Để xảy ra những hệ quả như vậy, trách nhiệm của ban quản lý DT, chính quyền địa phương là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa, những người có lòng hảo tâm nhưng thiếu hiểu biết về di sản cũng không thể thờ ơ. Kinh nghiệm phục hồi, tu bổ DT ở nhiều nước tiên tiến trong khu vực - như Nhật Bản, Hàn Quốc - cho thấy, họ nghiên cứu tư liệu rất kỹ, tuyệt đối tuân thủ theo quy định của pháp luật khi triển khai. Dù có sẵn tư liệu, nhưng nếu việc phục hồi không phù hợp với quy định của pháp luật cũng không thể thực hiện. Đây cần được coi là bài học quý báu cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị DT ở Việt Nam.
NGUYỄN LỘC