Kỳ vọng tháo gỡ “điểm nghẽn” trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế

(BKTO) - Nhấn mạnh việc cần xem thuốc, vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt vì liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này cần có những quy định cụ thể, khắc phục những bất cập, “điểm nghẽn” trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

1eaaa74b06cac09499db.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Chọn giá rẻ nhất nhưng chất lượng phải bảo đảm

Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật đấu thầu (sửa đổi). Tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật, nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) chỉ rõ, tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh công lập thời gian qua ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là người bệnh nghèo đang tham gia bảo hiểm y tế. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, tháo gỡ nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng này là do những vướng mắc, bất cập của các quy định trong công tác mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa đổi các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trong Luật Đấu thầu sửa đổi lần này, nghiên cứu có quy định phù hợp để tháo gỡ những điểm nghẽn trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) nêu quan điểm, đấu thầu chỉ là một phương tiện, không phải là mục đích. Mục đích của đấu thầu là để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả. Nhưng thời gian qua, xảy ra nhiều vụ tiêu cực nên Dự thảo Luật có nhiều quy định để tăng cường các biện pháp giám sát. Song, điều này sẽ làm tăng thời gian, công sức và hiệu quả chống tiêu cực chưa rõ.

"Nhóm mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước đều phải đấu thầu. Nhiều đơn vị chấp nhận chuyện chậm lại để không xảy ra tiêu cực. Nhưng, trên thực tế có những nhóm mặt hàng đặc biệt trong lĩnh vực y tế liên quan đến việc cứu chữa người bệnh, ảnh hưởng tới tính mạng, sức khoẻ của người dân thì không thể chậm được" - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Đại biểu đề nghị, cần soạn thảo quy định một chương riêng về đấu thầu thuốc. Đồng thời đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có được thuốc cho người bệnh, chứ không chỉ có hình thức đấu thầu.

Theo nữ đại biểu, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu.

Trong trường hợp này, cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân, chứ không phải lại tổ chức đấu thầu và trong thời gian đó bệnh nhân phải chờ đợi. Đây là thực tế đang diễn ra nên vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, quy định về chọn giá kế hoạch cần phải rõ ràng, căn cứ theo thị trường, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau, dẫn đến giá đấu thầu thuốc càng ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng.

Theo đại biểu, mục tiêu của đấu thầu là chọn giá rẻ nhất, nhưng giải pháp nào để giá rẻ nhưng chất lượng phải bảo đảm, nhất là trong đấu thầu thuốc.

Đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đấu thầu, trong đó cần được lượng hóa và tính thành số điểm và phải chịu trách nhiệm công khai, minh bạch bởi Hội đồng thuốc và điều trị…

“Tôi rất hy vọng những vấn đề trên sẽ được cụ thể và chi tiết hóa trong sửa đổi Luật Đấu thầu lần này” - đại biểu nói.

Cần quy định rõ trường hợp cấp bách trong y tế

Cũng đề cập đến vấn đề đấu thầu thuốc, vật tư y tế, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) nêu, Dự thảo Luật quy định khi lựa chọn thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, cấp cứu người bệnh thì nhà thầu được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

0cb2560c3f8df9d3a09c.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Về vấn đề này, đại biểu đề nghị cần làm rõ quy định trường hợp cấp bách trong y tế. Trong đó, cơ quan nào xác định trường hợp cấp bách, bởi có những trường hợp là cấp bách của đơn vị này nhưng không phải là cấp bách của đơn vị khác và hội đồng chuyên môn thuộc các bệnh viện có được quyền xác định cấp bách để kịp thời mua sắm, điều trị cho bệnh nhân hay không? Như vậy mới đảm bảo cho công tác đấu thầu được công khai, minh bạch, đạt hiệu quả, tránh sai sót, vi phạm nhưng vẫn đảm bảo được thuốc, hóa chất, trang thiết bị dùng cho người bệnh.

“Tôi nhận thấy cần thiết bổ sung vào Dự thảo Luật Đấu thầu quy định riêng về đấu thầu cho ngành y tế, cụ thể một số nội dung như mua sắm thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất sinh phẩm và các dịch vụ phi tư vấn khác như bảo trì, sửa chữa, thay thế linh kiện, thay thế trang thiết bị hay thuê các thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị và các dịch vụ y tế” - đại biểu kiến nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn TP.HCM) cũng đề nghị nên quy định trường hợp cấp bách trong y tế, vì hiện nay mới chỉ có quy định cấp cứu, chưa quy định trường hợp cấp bách.

Theo đại biểu, khi không có đơn vị nào dự thầu hoặc là không trúng thầu thì không có thuốc hoặc trang thiết bị để điều trị cho người bệnh. Trường hợp cấp bách này thì xử lý như thế nào, tổ chức nào được phép xác định trường hợp cấp bách?

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, trong Dự thảo Luật chỉ nói về đấu thầu thuốc là chưa đủ. Đại biểu đề xuất Ban soạn thảo bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế bởi lĩnh vực đấu thấu y tế có tính chuyên sâu rất cao. Bên cạnh đó, Dự thảo vẫn xem hàng hóa y tế, vật tư y tế như hàng hóa thông thường, đại biểu cho rằng cần phải xem vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng tình cho rằng, thuốc, vật tư y tế là một loại hàng hóa đặc biệt, đặc thù và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Vì vậy, việc cần có quy định rõ ràng, cụ thể là hết sức cần thiết và cấp bách.

Theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật đã thiết kế một chương về các quy định này và có một số điều khoản ở các chương khác cũng quy định những vấn đề về y tế. “Chúng tôi sẽ rà soát lại để bảo đảm đầy đủ, bao quát, thuận lợi trong quá trình mua sắm các trang thiết bị y tế, thuận lợi cho quá trình thực hiện, tổ chức thực hiện” - Bộ trưởng nói.

Cùng chuyên mục
Kỳ vọng tháo gỡ “điểm nghẽn” trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế