Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của KTNN cùng các cơ quan Trung ương, địa phương đã mở ra chặng đường mới trong thực hiện kiến nghị kiểm toán. Báo Kiểm toán trân trọng giới thiệu với bạn đọc tuyến bài về những chuyển biến và kỳ vọng đột phá trong thực hiện kiến nghị kiểm toán sau Phiên giải trình.
Bài 1: Quyết xử lý dứt điểm các kiến nghị kiểm toán tồn đọng
Nhận thức rõ những bất cập, khó khăn dẫn đến nhiều kết luận, kiến nghị kiểm toán bị tồn đọng; từ những định hướng đặt ra tại Phiên giải trình “Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nhà nước đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021”, các Bộ, ngành, địa phương đều thể hiện quyết tâm xử lý dứt điểm các kiến nghị kiểm toán.
Bất cập, lãng phí từ những kiến nghị kiểm toán bị “treo”
Tại Phiên giải trình, lần đầu tiên, công tác thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN được các đại biểu Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán tập trung phân tích, “mổ xẻ” dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Khẳng định ý nghĩa, giá trị của các kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với công tác điều hành, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến số kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện còn rất lớn.
Trong thời gian tới, KTNN sẽ cố gắng thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Cùng với đó, KTNN quyết tâm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán đưa ra rõ ràng, đúng người, đúng việc, từ đó nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Trong đó, tổng số kiến nghị xử lý tài chính của KTNN dồn tích đến ngày 31/3/2023 chưa thực hiện là 108.180,175 tỷ đồng (trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước là 45.552 tỷ đồng; còn lại chủ yếu là các khoản kiến nghị hoàn thiện thủ tục để thanh quyết toán theo quy định); nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 699 kiến nghị; nhóm kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2020 và năm 2019 trở về trước là 746 kiến nghị. Đơn cử như tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tính đến ngày 31/3/2023, vẫn còn hơn 1.849 tỷ đồng (trên tổng số hơn 18.235 tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính niên độ năm 2020 và năm 2019 trở về trước) chưa được thực hiện...
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, trên thực tế, rất khó để kỳ vọng việc thực hiện kết luận kiến nghị của KTNN có thể đạt 100%. Tuy nhiên, việc tồn tích số lượng lớn số kiến nghị xử lý tài chính của KTNN, nếu so sánh với nguồn thu ngân sách thì đó có thể coi là một sự lãng phí, thất thoát nguồn lực rất lớn.
Đặc biệt quan tâm đến việc tồn đọng các kiến nghị về cơ chế, chính sách, bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP. Hà Nội - nhấn mạnh, các kiến nghị về cơ chế, chính sách từ niên độ kiểm toán năm 2019 trở về trước đến nay vẫn chưa được thực hiện chính là một trong những “điểm nghẽn” cần phải tập trung tháo gỡ.
“Qua khảo sát cho thấy, kiến nghị của Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bộ GTVT hoặc một số Bộ và các địa phương cũng nằm đâu đó ở phần vướng mắc về cơ chế, chính sách” - bà Mai cho biết.
Theo đó, đại biểu đề nghị KTNN cần bóc tách, làm rõ trong số các kiến nghị về cơ chế, chính sách còn tồn đọng, những văn bản nào sai quy định, phải thực hiện thay thế, điều chỉnh ngay. Đồng thời, với những cơ chế, chính sách không đúng quy định của Nhà nước và thực tiễn thì cũng cần được làm rõ và có hướng xử lý phù hợp; bởi “nếu đã sai mà không thực hiện ngay thì sẽ tiếp tục sai trong những năm sau”.
Giải quyết dứt điểm bằng nhiều giải pháp
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời là đơn vị được kiểm toán, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đánh giá, sự vào cuộc của KTNN cùng các kết luận, kiến nghị kiểm toán góp phần rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đối với Bộ GTVT. Vì vậy, sau khi nhận được thông báo kết quả kiểm toán, Bộ đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị khẩn trương nghiên cứu, tổ chức thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN.
“Bộ đang và sẽ tiếp tục quyết liệt tổ chức thực hiện một số các nhiệm vụ để sớm hoàn thành các nội dung theo kết luận, kiến nghị của KTNN”. Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Duy Lâm cho biết, đối với các kiến nghị về cơ chế, chính sách, Bộ giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị rà soát, xây dựng, ban hành và trình cấp thẩm quyền ban hành đối với các chính sách còn thiếu, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn. Bộ cũng tích cực xử lý các thủ tục pháp lý như: Khẩn trương và kịp thời phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh các phương án tài chính, chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt trong việc thực hiện quyết toán các dự án để làm cơ sở thực hiện các kết luận kiểm toán. “Đối với các nhà thầu không phối hợp thực hiện kiến nghị kiểm toán, Bộ GTVT sẽ xem xét không được tham gia thực hiện các dự án do Bộ quản lý, cho đến khi thực hiện xong toàn bộ kiến nghị” - ông Lâm nêu rõ.
Cũng cho rằng việc thực hiện kiến nghị kiểm toán là nhiệm vụ quan trọng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, UBND Thành phố đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, đánh giá trực tiếp việc thực hiện nội dung này tại các cấp ủy Đảng, các đơn vị. Trên cơ sở kết luận của các đoàn kiểm tra, giám sát cũng như phân tích, nhận diện rõ các kiến nghị tồn đọng, Thành phố đã ban hành kế hoạch để triển khai, khắc phục những tồn tại trong tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán. “Qua giám sát và từ Phiên giải trình này, chúng tôi xác định phải sâu sát hơn, đôn đốc quyết liệt và cần phải cương quyết hơn trong xử lý” - ông Hải cho biết, đồng thời khẳng định Thành phố sẽ xử lý nghiêm trường hợp không nghiêm túc triển khai thực hiện kiến nghị.
Từ Phiên giải trình, với những chủ trương được đưa ra, chúng ta cần tiếp tục triển khai các công việc với tinh thần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, không để thất thoát, tiêu cực; thực hiện nghiêm kiến nghị kiểm toán nhưng cũng cần xem xét giải quyết, không để tồn đọng những vấn đề không khả thi.Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi
Là một trong những địa phương tồn đọng khá nhiều kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, sau Phiên giải trình, Thành phố sẽ lập một danh sách những nội dung cần làm ngay. Trong đó, Thành phố sẽ phân nhóm kiến nghị để chỉ đạo thực hiện các nội dung kiến nghị thu hồi lớn, tập trung tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thành phố. Đối với những nội dung khó, không khả thi hoặc vượt thẩm quyền, Thành phố sẽ kiến nghị cơ quan chức năng có hướng giải quyết triệt để.
Cùng với những giải pháp từ đơn vị được kiểm toán, nhiều ý kiến cũng đề nghị KTNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội báo cáo cơ quan có thẩm quyền hướng xử lý đối với các kiến nghị kiểm toán tồn đọng trong thời gian dài, không thể thực hiện được do nguyên nhân bất khả kháng. Đặc biệt, để đảm bảo các kiến nghị kiểm toán được thực hiện sớm theo quy định, không còn kiến nghị “treo”, KTNN cần nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, đồng thời đồng hành, phối hợp chặt chẽ hơn với đơn vị được kiểm toán trong theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán…
Thực tế cho thấy, nhiều kết luận, kiến nghị của KTNN kéo dài nhiều năm chưa thực hiện nhưng chỉ trong 4 tháng sau khi Kế hoạch tổ chức Phiên giải trình được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện thu nộp về ngân sách nhà nước nhiều khoản tài chính được KTNN kiến nghị. Từ kết quả tích cực đó, với những giải pháp quyết liệt, rốt ráo được các Bộ, ngành, địa phương đặt ra và triển khai trong thời gian tới, hy vọng các kết luận, kiến nghị kiểm toán sẽ được thực hiện kịp thời, hiệu lực, hiệu quả đóng góp thiết thực vào việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách./.
Bài 2: Phải "gỡ" từ... cơ chế!