Xây dựng hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương

(BKTO) - Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách địa phương (NSĐP) là kim chỉ nam để định hướng chi tiết các bước công việc cần thực hiện, qua đó kiểm toán viên có thể cân đối được thời gian và các tổ, đoàn kiểm toán có thể quản lý tiến độ, giám sát chất lượng kiểm toán.

pho-tong-ktnn-ket-luan.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đề nghị Ban Đề tài bám sát thực tiễn hoạt động của Ngành để đưa ra các giải pháp phù hợp. Ảnh: Nguyễn Ly

Sáng 14/9, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Xây dựng hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương” do ThS. Hoàng Cẩm Tú (Vụ Tổng hợp), TS. Trương Đức Thành (KTNN khu vực IX) và ThS. Dương Thanh Hải (KTNN khu vực I) đồng chủ nhiệm.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng và Ban Đề tài.

ths.-hoang-cam-tu-vu-tong-hop-trinh-bay-ket-qua-nghien-cuu.jpg
ThS. Hoàng Cẩm Tú (Vụ Tổng hợp) thay mặt Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo ThS. Hoàng Cẩm Tú, hướng dẫn kiểm toán là một phần quan trọng, không thể thiếu của bộ khung tài liệu khi kiểm toán báo cáo tài chính với mục tiêu xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo và thông tin tài chính. Chính vì vậy, các công ty kiểm toán độc lập, hãng kiểm toán lớn trên thế giới đều xây dựng hướng dẫn và chương trình kiểm toán để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính.

Hỗ trợ cho hoạt động này, các hiệp hội kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề cũng ban hành các hướng dẫn, kèm theo các chương trình kiểm toán mẫu để các thành viên nghiên cứu áp dụng. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc xây dựng hướng dẫn chi tiết hoặc chương trình kiểm toán BCQT NSĐP tại các cơ quan kiểm toán tối cao khó thực hiện do đặc thù quản lý của các cấp ngân sách mỗi quốc gia, cũng như các yêu cầu quản lý trong lĩnh vực công có đặc điểm khác biệt so với lĩnh vực tư.

quang-canh-buoi-nghiem-thu.jpg
Quang cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo quy định của Điều 71 Luật NSNN năm 2015, KTNN Việt Nam phải kiểm toán BCQT ngân sách nhà nước và BCQT NSĐP trước khi trình Quốc hội, HĐND cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, KTNN đã ban hành nhiều quy trình, hướng dẫn kiểm toán trong lĩnh vực ngân sách, như: Quy trình kiểm toán ngân sách, Đề cương kiểm toán NSĐP, Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong lĩnh vực kiểm toán báo cáo tài chính, BCQT NSĐP, Hướng dẫn kiểm toán NSĐP.

Song thực tế cho thấy, các cuộc kiểm toán đều là kiểm toán NSĐP, lồng ghép việc xác nhận tính trung thực, hợp lý của các BCQT; kiểm toán việc tuân thủ pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của các hoạt động. Do đó, việc xác nhận BCQT NSĐP còn nhiều lúng túng, chưa được chú trọng, thiếu công cụ thực hiện thống nhất....

Với định hướng tiến tới kiểm toán 100% BCQT NSĐP, trong đó phải xác nhận tính trung thực, hợp lý của BCQT NSĐP theo các khuôn khổ pháp lý của Luật Ngân sách nhà nước, việc xây dựng hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP có ý nghĩa cả về mặt thực tiễn và lý luận.

Đề tài được chia thành 3 chương: Chương 1 - Tổng quan về hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP, Chương 2 - Thực trạng về kiểm toán BCQT NSĐP, Chương 3 - Hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP.

ngo-minh-kiem-kiem-toan-truong-ktnn-khu-vuc-7-phan-bien-2-nhan-xet-de-tai.jpg
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm nhận xét Đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng khoa học KTNN đánh giá kết quả nghiên cứu Đề tài có giá trị về mặt thực tiễn, có giá trị ứng dụng cao trong tổ chức hoạt động kiểm toán BCQT NSĐP của KTNN. Nhiều ý kiến thẩm định của các nhà khoa học tham gia trong quá trình hoàn thiện Đề tài đã được Ban chủ nhiệm Đề tài tiếp thu, giải trình phù hợp.

Để Đề tài có giá trị khoa học và sức thuyết phục cao hơn, Ban chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu, bổ sung một số vấn đề như: Bổ sung hướng dẫn cụ thể tiêu chí kiểm toán (Đoạn 26 đến 28 Chuẩn mực KTNN 1300) làm cơ sở cho kiểm toán viên đánh giá, đưa ra ý kiến xác nhận của KTNN đối với BCQT NSĐP; cách thức trình bày ý kiến xác nhận của KTNN đối với Báo cáo quyết toán NSĐP theo Chuẩn mực KTNN 1700.

Ngoài ra, Ban Đề tài bổ sung nội dung kiểm toán tại Sở Tài chính, Cục Thuế và Hải quan về công tác lập dự toán. Đối với nội dung kiểm toán công tác lập, giao dự toán thu chi, Ban Đề tài bổ sung phần tài liệu cần thu thập về các hướng dẫn lập giao dự toán do Bộ Tài chính hướng dẫn hằng năm do đây là viện dẫn quan trọng phù hợp với tình hình kinh tế chính trị tại địa phương và ảnh hưởng đến điều hành ngân sách.

Kết luận tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá: Đề tài cơ bản đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận về hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; phân tích thực trạng kiểm toán BCQT NSĐP; chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Ban Đề tài nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện Đề tài, trong đó lưu ý: Bổ sung kiến thức về nội dung cơ bản của hướng dẫn kiểm toán; rà soát chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến kiểm toán BCQT NSĐP; bổ sung một số nội dung hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP hiện hành còn thiếu, cũng như thực tiễn kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu Chuẩn mực KTNN.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài xếp loại Khá./.

Cùng chuyên mục
Xây dựng hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương