Quyết liệt chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số
Theo đồng chí Trần Đức Thắng - Bí thư tỉnh ủy Hải Dương - chuyển đổi số là xu thế tất yếu, cần nhanh chóng nắm bắt để mang lại cơ hội to lớn cho Hải Dương phát triển. "Chuyển đổi số không chỉ là cơ hội mà còn là động lực, là công cụ hữu hiệu để giúp Hải Dương đạt được khát vọng phát triển" - Bí thư tỉnh Hải Dương khẳng định.
Do đó, ngày 26/3/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xác định phương hướng và mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 là cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại. Trên cơ sở Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy, ngày 25/6/2021, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2358/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Hải Dương đã tập trung chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ, nhanh chóng các dự án về chuyển đổi số và đầu tư hình thành các trụ cột về chuyển đổi số (chính quyền số, xã hội số và kinh tế số); ứng dụng sâu rộng chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội để thúc đẩy tốc độ phát triển. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện cho từng năm...
Mới đây, tại cuộc họp về thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đã thẳng thắn nhìn nhận, quá trình chuyển đổi số của tỉnh tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn điểm nghẽn là nguồn nhân lực số và hạ tầng số.
Để khơi thông điểm nghẽn, tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị, địa phương. Phân công công việc rõ ràng, có thời gian hoàn thành, có kết quả cụ thể. Tăng cường kiểm tra, đánh giá các đơn vị làm tốt và đề xuất xử lý, phê bình nghiêm trường hợp chậm trễ, né tránh, sợ trách nhiệm.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh và phát huy tốt vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
"Phải thực sự thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang “hỗ trợ, hướng dẫn” để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến để thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số" - đồng chí Lê Ngọc Châu chỉ đạo.
"Trái ngọt" từ chuyển đổi số
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, xuyên suốt các nhiệm vụ, giải pháp, tỉnh Hải Dương đã dần gặt hái được những “trái ngọt” từ chuyển đổi số.
Thực hiện chính quyền số, đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp chứng thư số cho trên 5.600 công chức, viên chức. 9 tháng năm 2024, số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 89,27%. Kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 từ ngày 1/1 - 11/11/2024 đạt 453.520/495.192 hồ sơ (đạt 92%).
Hiện, toàn tỉnh Hải Dương có trên 1,7 triệu công dân được cấp thẻ Căn cước công dân. 17.274 chữ ký số đã được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cung cấp miễn phí cho người dân, doanh nghiệp. Sở Tư pháp hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch với trên 1,9 triệu dữ liệu, trong đó có trên 1,4 triệu dữ liệu được số hóa trên nền dân cư, chiếm 73,7%...
Ðáng chú ý, công tác số hóa hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối chính quyền theo Ðề án 06 của tỉnh Hải Dương đã hoàn thành. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đồng bộ 100% hồ sơ lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng công việc trong các cơ quan nhà nước.
Trong sản xuất công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã sớm ứng dụng chuyển đổi số đem lại lợi nhuận lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Trong lĩnh vực y tế, tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai một số ứng dụng như: Quản lý bệnh viện, xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử, đặt lịch khám bệnh trực tuyến… giúp các cơ sở y tế, người dân dễ tiếp cận thông tin, các dịch vụ y tế thuận tiện, dễ dàng.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp đang trở thành một điểm sáng của tỉnh Hải Dương với các mô hình ứng dụng công nghệ số mang lại hiệu quả kinh tế rất cao như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh... Mô hình truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế, hướng tới xuất khẩu tại các thị trường khó tính, nâng cao giá trị hàng hóa… đã tạo lòng tin về chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Lĩnh vực thương mại điện tử đã thực hiện kết nối các doanh nghiệp, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển và ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… góp phần thúc đẩy dịch vụ phát triển hướng tới xuất khẩu hàng hóa.
Riêng trong năm 2023, Hải Dương có hơn 150.100 hộ sản xuất nông nghiệp kinh doanh hoạt động trên sàn thương mại điện tử, hơn 173.730 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, hơn 1.160 sản phẩm của tỉnh được đưa kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, phát sinh hơn 41.130 giao dịch, xếp thứ 7 trên toàn quốc.
Nhờ những hướng đi đúng đắn, trong vài năm trở lại đây, Hải Dương luôn có chỉ số chuyển đổi số (DTI) đứng trong số 15 tỉnh top đầu cả nước. Trong đó, năm 2020, 2021 tỉnh Hải Dương xếp vị trí thứ 14, năm 2022 xếp vị trí thứ 13 trong cả nước. Đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Hải Dương đứng thứ 17 cả nước, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 22 cả nước./.