Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023, ngày 18/3, Liên chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Người Làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Talkshow “Người làm báo trong kỷ nguyên số”.
Nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm thách thức
Chia sẻ tại Talkshow, Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hà Nội, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị - cho rằng, công nghệ số ra đời đã làm thay đổi toàn bộ quá trình tác nghiệp của phóng viên.
Nhờ công nghệ, người làm báo có hiệu quả, năng suất hơn nhưng cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức khi phải đối mặt với 3 vấn đề là: Nội dung, công nghệ, kinh tế báo chí.
Hiện nay, nhiều tổng biên tập đang chịu sức ép lớn về việc thu phí đọc báo để mang lại nguồn thu cho cơ quan và để làm được điều này, ngoài thông tin thời sự, chuyên sâu, phải có các tác phẩm khác biệt để người đọc bỏ tiền ra mua. Bên cạnh đó, thách thức, áp lực rất lớn đối với người làm báo hiện nay là phải biết kết hợp giữa nội dung và công nghệ.
Theo Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Điện tử Dân Việt/Nông thôn Ngày nay, bên cạnh những hỗ trợ hữu ích, kỷ nguyên số cũng đem đến khó khăn và thách thức lớn đối với những người làm báo. Nhà báo trẻ bắt nhịp công nghệ làm báo nhanh hơn, nhưng bị trượt theo thông tin mà không đi sâu vào các vấn đề.
Mạng xã hội ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ với truyền thông báo chí, có đề tài chưa được viết xong đã xuất hiện trên facebook, có những người lấy thông tin trên facebook để viết.
Chưa kể, nhà báo kỷ nguyên số còn bị mất nhiều thời gian cho mạng xã hội, thiết bị công nghệ, điều này cũng làm giảm thời gian để họ chú tâm, đào sâu vấn đề nào đó. Hơn nữa, báo chí cũng có nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt” trong việc cung cấp thông tin đến độc giả, đồng thời có nguy cơ phụ thuộc và bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo.
Từ năm 1990 đến nay, công nghệ làm thay đổi toàn bộ quá trình tác nghiệp của phóng viên. Kỹ năng của từng phóng viên trong mỗi thời kỳ có thể khác nhau, nhưng quan trọng nhất là tính chiến đấu và trách nhiệm xã hội. Sức trẻ từ thế hệ phóng viên mới giúp các bạn hòa nhập rất nhanh, chính vì thế, các nhà quản lý cũng rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ hiện nay.
Nhà báo Hồ Quang Lợi
Trong khi đó, Nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn Ban Biên tập Tạp chí Người Làm Báo - cho rằng, với những phương tiện làm báo với tốc độ “chớp mắt” như hiện nay, người làm báo rất dễ đánh mất mình và rơi vào cạm bẫy, cám dỗ; vì quá mải mê theo đuổi các thông tin trên mạng xã hội mà không xác minh, đi tác nghiệp; thậm chí có thể đánh mất lương tâm của người làm nghề, dùng nghề phục vụ lợi ích của bản thân.
Kết hợp giữa nội dung và công nghệ
Trước băn khoăn về việc có nên tách hai yếu tố nội dung và công nghệ trong nghề báo, Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, nội dung báo chí đương nhiên phải tốt mới có bạn đọc, nhưng chưa đủ. Người làm báo bây giờ ngay khi gõ bàn phím đã phải nghĩ đến việc tiếp cận công chúng theo cách thức nào.
“Chúng tôi hay gọi vui rằng nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng, kết hợp cả hai thì ra tác phẩm báo chí vừa hay, vừa lan ” - Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ; đồng thời khẳng định thêm, người làm nội dung phải nghĩ đến công nghệ. Ở trên thế giới, rất nhiều nhà báo làm tốt cả 2 khía cạnh này, nhiều cơ quan để có sức mạnh thì cũng phải kết hợp nội dung và công nghệ.
Trao đổi về giải pháp và kinh nghiệm trong thời gian tới, Nhà báo Hồ Quang Lợi nêu rõ, với tất cả những người học nghề, làm nghề cần có 3 điều quan tâm: Học, lao động, sáng tạo. Nghề báo là nghề của sự sáng tạo, nếu không có sự sáng tạo cá nhân thì người làm báo khó có thể khẳng định được bản sắc của mình.
Tính sáng tạo cũng là vấn đề lớn của tác phẩm báo chí đòi hỏi người làm báo phải rèn luyện, từ khi ngồi trên ghế nhà trường đến khi đi làm. Nghiệp vụ báo chí cần học từ thực tiễn, từ nhân dân, không chỉ tập trung vào nội dung truyền thống, phải cần tìm tòi cả công nghệ số.
Theo Nhà báo Nguyễn Minh Đức, trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, người làm báo phải biết ứng dụng đa phương tiện như: Viết, chụp ảnh, quay phim, sử dụng phần mềm để dựng, biên tập video... Thậm chí, người làm báo tại hiện trường có thể lên hình trực tiếp.
Ông Đức cũng khuyến nghị sinh viên ngành báo chí hiện nay phải làm chủ được báo chí đa phương tiện, công nghệ, hiểu chuyên sâu về một lĩnh vực. Đặc biệt phải có sự yêu nghề, không nên vì muốn nổi tiếng hay giàu có mà đến với báo chí. Các sinh viên muốn dấn thân vào nghề báo phải xác định có trách nhiệm thương yêu nhân dân, bảo vệ người yếu thế.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công nghệ và ngoại ngữ trong hoạt động báo chí, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, trong thời buổi công nghệ số và làm việc toàn cầu hiện nay, nếu tác phẩm không đặc sắc thì không có giá trị. Chính vì thế, người làm báo cần phải biết công nghệ, thông thạo ngoại ngữ, hiểu chuyên sâu về một số vấn đề, lĩnh vực. Người làm báo hiện đại luôn phải nghĩ trong đầu tác phẩm của mình đi theo con đường nào để tiếp cận công chúng một cách hiệu quả./.