Lạm phát đang được kiểm soát

(BKT) - Bình quân 9 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,16% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi đó mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5%. Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cần theo dõi sát giá, nhất là những mặt hàng nền kinh tế đất nước chưa chủ động được như: Xăng dầu; hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu… để có giải pháp phù hợp, giữ chỉ số lạm phát theo mục tiêu và hạn chế đà lạm phát gia tăng vào đầu năm 2024.

cpi.jpg
Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2 - 3,6%. Ảnh minh họa

CPI bình quân năm 2023 khoảng 3,2-3,6%

Theo Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng năm 2023 cơ bản được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định do thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung lương thực, thực phẩm, rau quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Riêng mặt hàng lúa gạo giá tăng do cung và nhu cầu từng giai đoạn; giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như: Xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.

Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp có yếu tố từ chính sách giá các mặt hàng thiết yếu được điều hành hiệu quả, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng giúp kiểm soát CPI đó là mức cầu thấp của nền kinh tế.

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2023 ở mức 4,5% và lạm phát 9 tháng qua, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2-3,6% so với năm 2022. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân khoảng 3,3-3,6%. Ngân hàng Nhà nước cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng ở mức 3,4% (cộng trừ 0,3%).

Bộ Tài chính cho rằng từ nay đến cuối năm còn dư địa kiểm soát lạm phát và là điều kiện thuận lợi để điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý theo lộ trình. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá các mặt hàng này đến CPI năm 2023 phụ thuộc thời điểm ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh giá các mặt hàng của các Bộ, ngành. Trường hợp điều chỉnh vào tháng cuối năm thì tác động đến CPI bình quân năm 2023 dự kiến không quá lớn nhưng sẽ tác động trễ sang năm 2024.

Lo ngại lạm phát tăng vào đầu năm 2024

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát trong 3 tháng vừa qua tăng nhanh và đến hết 9 tháng tăng 3,66% so với cùng kỳ năm 2022. Ước tính cả năm 2023 lạm phát vẫn ở mức 3,46% nhưng sang đầu năm 2024 sẽ tăng mạnh lên 4,6-4,7%. Nguyên nhân là do đầu tháng 10/2023, giá dầu tăng khá mạnh (hơn 4%) và dự báo giá dầu còn biến động trong thời gian tới. Thêm vào đó, cuộc xung đột tại Israel, lạm phát tại Mỹ cũng đang có xu hướng quay trở lại… là những yếu tố có thể tác động đến lạm phát của Việt Nam trong năm 2024.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, dự báo từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều rủi ro nên không thể chủ quan trong điều hành giá. Giá xăng dầu dự báo diễn biến phức tạp, do đó việc đảm bảo nguồn cung trong nước là yếu tố vô cùng quan trọng trong điều hành. Công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục chủ động và linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2023 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao cũng như làm giảm bớt áp lực, tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2024. Các Bộ, ngành phải có kịch bản truyền thông khi dự kiến điều chỉnh giá những mặt hàng do Bộ, ngành quản lý.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17/10 đánh giá, lạm phát toàn phần của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh kể từ tháng 6, tăng 1,13% và đạt 3,7% trong tháng 9 (tăng 0,7 điểm phần trăm so với tháng 8).

Lạm phát tăng bởi giá lương thực, thực phẩm và nhà ở; ngoài ra còn có thêm áp lực từ việc tăng giá năng lượng và giáo dục. Lạm phát cơ bản giảm từ 4% trong tháng 8 xuống còn 3,8% trong tháng 9. Tuy nhiên, số liệu cho thấy, bình quân 9 tháng vẫn ở mức cao, tăng 4,49% so với cùng kỳ 2022 và cao hơn mức tăng CPI bình quân chung. Xu hướng lạm phát tăng mạnh tiếp tục cần được Việt Nam theo dõi chặt chẽ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: 9 tháng năm 2023 CPI tăng 3,16% là thành công trong điều hành. Từ nay đến cuối năm, các Bộ, ngành phải kiên định điều hành lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Từ nay tới cuối năm vẫn còn dư địa điều hành giá, tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành, giữ được chỉ số lạm phát thấp hơn mục tiêu. Đặc biệt lưu ý công tác điều hành giá một số hàng hóa thiết yếu, như: Giá xăng dầu, giá điện, giá lúa gạo...

Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Trong quý IV/2023, các Bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai theo lộ trình. Theo đó, cần đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo lộ trình, thời điểm, mức độ phù hợp./.

Cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Cùng chuyên mục
Lạm phát đang được kiểm soát