Dự thảo Luật PPP còn nhiều ý kiến khác nhau về quyền tiếp nhận tài sản của bên cho vay. Ảnh: TTXVN
Cân nhắc quy định vềquyền tiếp nhận tài sảncủa bên cho vay
Điều 55, Dự thảo Luật PPP trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 43 quy định, bên cho vay có quyền tiếp nhận một phần hoặc toàn bộ tài sản của nhà đầu tư, DN dự án PPP đã hình thành theo hợp đồng trong trường hợp nhà đầu tư hoặc DN dự án PPP không thực hiện được các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng PPP hoặc hợp đồng vay vốn. Bên cho vay còn có quyền đề xuất cơ quan có thẩm quyền chỉ định nhà đầu tư khác để ký kết và tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án. Dự thảo Luật cũng quy định, bên cho vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì thực hiện theo quy định của pháp luật ngân hàng.
Băn khoăn về quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, dự án PPP là đối tác công - tư, có sự tham gia của Nhà nước, mà bên cho vay có quyền nhận một phần hoặc toàn bộ tài sản và có thể mời gọi đối tác khác liệu có phù hợp? Theo ông Giàu, quy định như vậy thì quyền của bên cho vay là quá lớn và đề nghị phải đối chiếu với nền tảng là Bộ luật Dân sự trong quan hệ dân sự xem quyền của bên cho vay tại Luật này có cao hơn không.
Làm rõ hơn vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phân tích, việc tiếp nhận tài sản của bên cho vay trong trường hợp này thực chất là cụ thể hóa một chế định của Bộ luật Dân sự về việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong trường hợp này, bên bảo đảm có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận bảo đảm theo quy định pháp luật. Nhưng theo quy định của Luật Đất đai, đối với trường hợp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thì không phải tất cả mọi đối tượng đều có thể được nhận quyền sử dụng đất đó, nhất là đối với tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Vì vậy, theo ông Hoàng Thanh Tùng, quy định như Dự thảo Luật sẽ mâu thuẫn, không khả thi, không thực hiện được trong thực tế, cần được xem xét lại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh, quy định về quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay trong Dự thảo Luật là vấn đề cực kỳ lớn, gắn liền với quyền sử dụng đất. Nếu áp dụng cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì còn liên quan đến chủ quyền quốc gia, vì thế phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng.
Cần tiếp tục rà soát, quy địnhcụ thể, chặt chẽ hơn
Tiếp thu ý kiến góp ý trên, Dự thảo Luật Đầu tư PPP mới nhất đã sửa đổi, bổ sung quy định Điều 55 theo hướng, trường hợp nhà đầu tư, DN dự án PPP vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng cấp tín dụng đã ký kết với bên cho vay, bên cho vay sẽ có quyền đề xuất cơ quan có thẩm quyền của dự án chỉ định một nhà đầu tư khác thay thế và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng để thực hiện quyền tiếp quản dự án. Đồng thời, Điều 55 quy định bên cho vay thực hiện thủ tục xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng thông qua việc chuyển hợp đồng cấp tín dụng, tài sản bảo đảm tiền vay cho nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định.
Theo Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật, với quy định này, trong thực tế sẽ không phát sinh trường hợp bên cho vay (kể cả trong nước hay nước ngoài) có quyền sở hữu tài sản của dự án cũng như quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc tiếp thu, chỉnh sửa Dự thảo Luật theo hướng sửa quyền tiếp nhận dự án thành quyền tiếp quản dự án mới chỉ là chỉnh sửa về mặt câu chữ, chưa rõ nội hàm và chưa giải quyết được vấn đề.
Ông Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề: Nếu là quyền tiếp quản dự án thì nội hàm có bao gồm quyền sở hữu hay chỉ là quyền thu nhận và quản lý? Nếu bao gồm cả quyền sở hữu thì vấn đề đặt ra vẫn không giải quyết được. Bởi vì, khi nhà đầu tư, ví dụ như chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, họ tiếp quản dự án mà không có quyền sử dụng đất (theo Luật Đất đai thì họ không được phép) thì vẫn vướng, nếu cho họ xử lý thì lại trái với nguyên tắc trong Luật Đất đai. Còn nếu quyền tiếp quản mà không bao gồm nội hàm là quyền sử dụng đất hay quyền sở hữu thì lại dẫn tới hạn chế quyền bên cho vay là tổ chức tín dụng trong nước. Do đó vấn đề này cần phải làm rõ. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng phải làm rõ hơn việc sau khi tiếp quản hay tiếp nhận thì tổ chức tín dụng phải xử lý tài sản đó phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, tức là sau 3 năm phải mua lại hoặc chuyển nhượng để đảm bảo tỷ lệ sở hữu đối với bất động sản.
Từ các ý kiến thảo luận, UBTVQH nhấn mạnh, việc đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật là nguyên tắc hàng đầu. Đồng tình có những quy định đặc thù để có thể triển khai PPP một cách hợp lý và thu hút được đầu tư, tuy nhiên, UBTVQH cho rằng Dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng và có quy định cụ thể để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất.
Đ.KHOA