Chiều 12/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, UBTVQH cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đa số các gói hỗ trợ giải ngân chậm
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) đạt kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 8/2023, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, DN, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí nhưng vẫn còn nhu cầu bổ sung nguồn lực. Một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết (175.217,783 tỷ đồng). Thời gian còn lại để thực hiện Chương trình chỉ còn khoảng 4 tháng (đến hết năm 2023) nên có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, đa số các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm. Có gói hỗ trợ kinh phí tồn dư nhiều, thời gian kết thúc chính sách đã lâu, nhưng Chính phủ chậm đề xuất phương án xử lý. Điển hình như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong khi nhiều chính sách xã hội khác có nhu cầu nhưng thiếu kinh phí hoặc có kinh phí hạn chế, gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.
Việc giải ngân hết các gói hỗ trợ này theo quy định của Nghị quyết số 43 là không khả thi, cho thấy việc đề xuất, xây dựng chính sách chưa sát thực tế, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm.
Xem xét gia hạn thực hiện một số chính sách hỗ trợ
Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, căn cứ tình hình triển khai thực tế và kiến nghị của các cơ quan liên quan, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết nghị một số nội dung theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15 đối với một số vấn đề cấp bách, cần triển khai ngay.
Đồng thời, cho ý kiến để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định đối với một số nội dung khác; trong đó, cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình đến hết năm 2025.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, thách thức, để kích cầu tiêu dùng, đề nghị Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động và có quan điểm đối với việc gia hạn tiếp chính sách.
Tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết 43 là rất kịp thời, có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực đối với tình hình kinh tế và các DN. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách còn chậm nên chính sách không phát huy được hiệu quả, ý nghĩa ban đầu. Đây là kinh nghiệm trong thiết kế các chương trình trong thời gian tới, để đảm bảo các DN, đối tượng thụ hưởng có thể dễ dàng tiếp cận với chính sách.
Đại diện VCCI kiến nghị tiếp tục triển khai một số chính sách để tiếp tục kích cầu, hỗ trợ cho cộng đồng DN, hoặc điều chuyển một số chương trình để có nguồn lực cho các DN thực hiện chuyển đổi xanh, góp phần giúp DN dễ dàng hơn trong tiếp cận thị trường quốc tế.
Về đề nghị kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư phát triển của Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, do Chương trình được xây dựng và ban hành trong thời gian ngắn để đáp ứng diễn biến nhanh của nền kinh tế. Trong khi để hoàn thiện các thủ tục đầu tư, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư bản quy mô lớn cũng cần có thời gian. Vì vậy, ông Mạnh đề nghị UBTVQH xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với phần vốn còn dư này.
“Lượng vốn của Chương trình sau khi điều hòa còn khá nhiều, theo báo cáo của Chính phủ là còn hơn 38.000 tỷ đồng. Nếu không cho phép kéo dài thì một số dự án quan trọng trong tương lai sẽ bị thiếu vốn, kéo dài thời gian thực hiện và không hoàn thành được các mục tiêu đề, làm cho tổng thể hiệu quả đầu tư sẽ suy giảm” - ông Mạnh nói.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phân tích, từ thực tế và báo cáo của Chính phủ cho thấy việc triển khai Chương trình hiện nay cũng còn những khó khăn, vướng mắc. Đây là những vướng mắc mang tính hệ thống và quy trình mà chúng ta đang cố gắng để sớm sửa đổi, hoàn thiện. Nếu cắt giảm nguồn vốn hiện tại thì Chính phủ sẽ phải tìm nguồn vốn khác bố trí để thực hiện việc này. Trong khi đó, nguồn vốn thu về ngân sách để đầu tư cho dự án khác thì có thể cũng phải trải qua quy trình khó khăn, vướng mắc.
Do đó, ông Cường thống nhất phương án kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn ngân sách như đề xuất của Chính phủ; đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện, chỉ cho phép kéo dài đối với các dự án có tính khả thi đang trong quá trình triển khai thực hiện; cam kết hoàn thành đúng tiến độ theo thời hạn kéo dài.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Kinh tế đánh giá thêm về khả năng giải ngân kéo dài thêm 1 năm thực hiện đối với một số chính sách.
Về triển khai hỗ trợ lãi suất 2%, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách này từ nay đến cuối năm. Trường hợp việc thực hiện quá khó khăn thì không thực hiện nữa. Đối với việc kéo dài thời gian thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển, theo Chủ tịch Quốc hội, để thúc đẩy việc giải ngân và thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội thì có thể cân nhắc phương án cho kéo dài đến hết năm 2024 và báo cáo Quốc hội cho ý kiến tiếp tại kỳ họp cuối năm.