Cần giải quyết nhu cầu chính đáng của học sinh
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao Báo cáo của Ban Dân nguyện đã phản ánh được tình hình kiến nghị của cử tri, tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và có những đề xuất cụ thể...
Về kiến nghị và những băn khoăn, lo lắng của cử tri, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu rõ, thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận. Tình trạng này cần được bổ sung vào báo cáo công tác dân nguyện.
“Thực trạng áp lực đối với học sinh thi vào lớp 10 ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh diễn ra trong nhiều năm. Thi vào lớp 10 hiện nay khó hơn thi vào đại học" - Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói và đề nghị Ủy ban Văn hoá, Giáo dục vào cuộc làm rõ xem có thiếu trầm trọng trường công cấp trung học phổ thông hay không? Giải pháp để giải quyết vấn đề này trên thực tế như nào?
Trao đổi, làm rõ vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay số trường trung học phổ thông (THPT) thấp hơn so với số trường tiểu học và THCS.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, tỷ lệ học sinh THPT được giải quyết bằng điểm thi, phân luồng. Ai điểm thi cao thì có quyền vào trường công, còn thấp hơn thì vào các trường khác là các trường tư thục do cá nhân đầu tư, giáo dục thường xuyên, hoặc học nghề...
Trong khi đó nhu cầu của phụ huynh và học sinh là muốn vào THPT công lập do chi phí thấp hơn nhiều so với trường tư thục. Đây là nhu cầu rất chính đáng của học sinh và phụ huynh nên cần nghiên cứu giải quyết vấn đề này.
Ông Vinh phân tích, tại TP Hà Nội, chi phí hàng năm đầu tư cho xây, phát triển trường học là rất lớn. Nhưng bên cạnh việc đầu tư phát triển xây mới thêm trường thì cải tạo, làm lại cũng rất nhiều, nên kinh phí bị san sẻ.
Do đó, phần phát triển mới cũng chưa hết tiềm năng. Chưa kể, việc xây trường mới cần có quỹ đất; việc tăng thêm phòng học, lớp học cũng phải bố trí thêm giáo viên trong khi biên chế giáo viên đang khống chế, thậm chí điều tiết giảm. Từ đó làm cho việc phát triển thêm trường lớp cũng gặp khó khăn.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo thống kê dân số có 9,2 triệu người nhưng thực tế ước tính kể cả vãng lai khoảng 14 triệu người. Do đó, 5 triệu người "chênh" mà không tính vào sẽ gây khó khăn trong việc thiết kế chính sách, dẫn đến TP. Hồ Chí Minh bị thiếu gần 7.000 phòng học.
Để giải quyết, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần có các giải pháp rất tổng thể. Chính phủ, các địa phương phải tính rất thận trọng.
“Không đơn giản bỏ nhiều tiền ra là làm được, đi kèm với đó phải tính phân bổ giáo viên. Dân số tăng ít nhưng chuyện thừa thiếu là do cục bộ, dân dịch chuyển từ nông thôn lên các địa phương. Số giáo viên tại các địa phương giảm nhưng tại các đô thị lớn tập trung dân rất nhiều thì lại thiếu giáo viên. Nếu không giải quyết bài toán này thì cứ tăng giáo viên đô thị lên, còn tại các địa phương khác dân số, học sinh giảm đi nhưng giáo viên lại vẫn giữ nguyên" - Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thời gian tới sẽ kiến nghị với Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sâu hơn và có những giải pháp hiệu quả hơn đối với vấn đề này.
Tháo gỡ vướng mắc trong quy định về phòng cháy, chữa cháy
Trước tình trạng hiện nay liên tục xảy ra các vụ cháy nhà ở, gây chết người, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy.
Về thực hiện các quy định của pháp luật trong phòng cháy, chữa cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi thực hiện nhiều biện pháp nhưng không được chứng nhận để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, ông Thanh đề nghị các cơ quan chức năng cần đưa ra hướng dẫn cụ thể, tiêu chí rõ ràng để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Giải trình vấn đề này tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho rằng, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong phòng cháy, chữa cháy là vấn đề còn bất cập, liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành khác nhau, cần có sự vào cuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để giải quyết một cách hiệu quả.
Đặc biệt, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố hỏa hoạn thương tâm, nên các kiến nghị hạ thấp tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy từ phía các doanh nghiệp cần được nghiên cứu, xem xét kỹ.
Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền ý thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân cũng là một giải pháp cần tích cực thực hiện trong thời gian tới.
Đối với phản ánh của cử tri về việc thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu, thực hiện xác thực điện tử, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc triển khai gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất hạn chế, các cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, chưa toàn diện…
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ kết nối, liên thông, đảm bảo yêu cầu phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu thủ tục hành chính, đem lại lợi ích cho người dân.
Liên quan đến vấn đề tội phạm vi phạm pháp luật trên không gian mạng, lợi dụng phương tiện công nghệ cao để lừa đảo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục đề xuất hoàn thiện khung pháp lý để ngăn ngừa, đề phòng và có những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với loại hình tội phạm này.