Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngành NN-PTNT, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của Ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp.
“Bộ NN-PTNT mong muốn sẽ có nhiều thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức và các cơ sở đào tạo tạo trong và ngoài Bộ với nhiều hình thức" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh; đồng thời gợi mở một số hình thức hợp tác như: kết nối nhu cầu tuyển dụng lao động giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, đặc biệt là nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; hỗ trợ và khuyến khích sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ; đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội về các cơ hội trong học tập, cơ hội việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, đồng thời đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp; cũng như tăng cường thu hút lao động có kỹ năng, tay nghề tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiêp, thuỷ sản và thuỷ lợi. Bộ NN&PTNT có 4 cơ sở đào tạo đại học và 28 trường cao đẳng.
Theo ông Ngô Hồng Giang - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Bộ và của ngành đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế của ngành. Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ NN&PTNT tiếp tục được kiện toàn về tổ chức bộ máy hoạt động. Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp từng bước được nâng lên…
Tuy nhiên, nhìn chung đối tượng tham gia đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khá hạn chế. “Tâm lý của người học hiện nay là đề cao những ngành phi nông nghiệp để có điều kiện lập nghiệp ở khu vực thành thị đã tác động lớn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực nông nghiệp nói chung và nhân lực trình độ đại học, sau đại học nói riêng” - ông Giang cho biết.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong giáo dục nghề nghiệp, các trường của Bộ đã có nhiều nỗ lực và áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên. Trên cơ sở chuẩn đầu ra, một số trường đã phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng chương trình bảo đảm linh hoạt hơn phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đáp ứng chiến lược phát triển của ngành và nhu cầu của thị trường, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức cần thiết.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đổi mới chương trình đào tạo, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành tại các doanh nghiệp nhằm đáp ứng những thay đổi từ thực tiễn. Từ năm học 2017-2018 đến nay, hàng năm Học viện đã hợp tác, đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và hơn 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp…
"Thực tiễn đã chứng minh, nhờ mô hình tam giác vàng “Chính phủ - trường đại học - doanh nghiệp” tạo nên sự phát triển bền vững và thúc đẩy quốc gia phát triển. Với sự quan tâm, chung tay của ba bên, Việt Nam sẽ sớm có nguồn nhân lực chất lượng cao theo mục tiêu đặt ra" - bà Lan cho biết.
Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp nông thôn./.