Làn sóng mới trong hành động vì khí hậu của doanh nghiệp

(BKTO) - Việc chuyển từ nhận thức sang hành động cho thấy lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) đã đánh giá sâu sắc hơn về những lợi ích lâu dài của việc đầu tư bền vững, không chỉ đối với môi trường mà còn đối với khả năng phục hồi và tăng trưởng của DN trong dài hạn.

14.jpg

Động lực để triển khai công nghệ và đổi mới sáng tạo

Việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không (net-zero) sẽ thay đổi mọi khía cạnh của nền kinh tế toàn cầu và các nhà lãnh đạo DN đang trực tiếp trải nghiệm sự chuyển đổi này. Nhiều công ty đã thấy rõ lợi ích tài chính và kinh doanh từ các hành động vì khí hậu, đồng thời nhận ra rằng, tăng trưởng DN và hành động vì khí hậu có thể song hành với nhau. Nhiều DN khẳng định họ đang đặt phát triển bền vững vào trung tâm chiến lược kinh doanh và gia tăng các khoản đầu tư vào lĩnh vực này.

Khảo sát của Deloitte cho thấy, biến đổi khí hậu (BĐKH) tiếp tục là một trong ba ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo, vượt qua những thách thức như bất ổn chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng và cạnh tranh nhân tài. 85% DN tham gia khảo sát cho biết họ tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này, tăng 10% so với năm 2023, và 45% đang chuyển đổi mô hình kinh doanh để đối phó với BĐKH, đưa tính bền vững trở thành trọng tâm trong chiến lược của tổ chức.

Lãnh đạo các DN đang bắt đầu nhận thấy nhiều lợi ích hữu hình hơn từ việc triển khai các hành động vì khí hậu, từ đó thấy được phát triển bền vững là động lực thúc đẩy các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh và tổng thể quá trình tạo ra giá trị.

Bà Jennifer Steinmann - Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn phát triển bền vững, Deloitte Toàn cầu

Các DN đang bắt đầu nhận ra tiềm năng kinh doanh trong việc tạo ra giá trị từ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp. Ngày càng nhiều DN nhìn nhận phát triển bền vững là động lực tạo ra các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh và tổng thể quá trình tạo ra giá trị, thay vì chỉ là những hoạt động tuân thủ quy định pháp lý hoặc xây dựng thương hiệu. 92% lãnh đạo tin rằng DN của họ có thể phát triển trong khi vẫn giảm phát thải khí nhà kính và 90% tin rằng thế giới có thể đạt được tăng trưởng kinh tế đồng thời đạt được các mục tiêu về BĐKH.

Đặc biệt, hành động vì khí hậu là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Mặc dù nhu cầu đổi mới và đầu tư công nghệ có thể được xem là các ưu tiên cạnh tranh với hành động vì khí hậu, nhưng trên thực tế, đây là yếu tố then chốt thúc đẩy các nỗ lực bền vững, giúp DN phát triển các giải pháp mới, đồng thời mang lợi những lợi ích môi trường và kinh doanh. Theo đó, 50% DN đã bắt đầu triển khai các giải pháp công nghệ nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu hoặc môi trường, 42% DN dự định sẽ triển khai công tác này trong 2 năm tới. Trong số các tổ chức tiên phong, 85% đang phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ mới thân thiện với môi trường, từ đó có thể thấy rõ mối liên hệ giữa đổi mới sáng tạo và hành động vì khí hậu.

56% DN hiện đang tập trung vào hai đến ba hành động mang tính đột phá. Nhiều tổ chức trong số này theo đuổi kinh doanh bền vững - phục vụ nền kinh tế xanh đang nổi lên; một số DN khác hướng đến mục tiêu DN bền vững - giải quyết tác động môi trường của chính họ và tạo ra ảnh hưởng đến hệ sinh thái rộng lớn hơn, từ chuỗi cung ứng đến xã hội.

Mặc dù nhận thức rõ tác động ngày càng cận kề của BĐKH lên hoạt động và chiến lược, vẫn có một tỷ lệ lớn (27%) các tổ chức chưa thực hiện hoặc thực hiện rất ít các hành động mang tính đột phá. Các DN nằm trong nhóm “trung bình” đại diện cho một người khổng lồ đang ngủ, nếu thức tỉnh, nhóm này có thể tạo nên bước ngoặt trong hành động vì khí hậu và thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng.

Phát huy thế mạnh và huy động nhiều nguồn lực

Các chuyên gia của Deloitte nhấn mạnh, thông qua việc xây dựng dựa trên thế mạnh chính, tìm kiếm các kênh và đối tác mới, các DN có thể thúc đẩy hành động vì khí hậu, đồng thời định vị DN để phát triển mạnh hơn trong nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 trong tương lai. Đồng thời, các DN phải nỗ lực gấp đôi thông qua việc đặt trọng tâm vào cắt giảm phát thải khí nhà kính ngay lập tức và nhanh chóng, xây dựng khả năng phục hồi trong bối cảnh trái đất nóng lên nhanh và đảm bảo rằng nhóm dễ bị tổn thương không chịu tác động quá lớn từ BĐKH và quá trình chuyển dịch năng lượng.

Khi ưu tiên những vấn đề trên, các hành động bền vững mang lại cho các DN nhiều lợi ích trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, các công ty nhỏ có thể tạo ra những thay đổi to lớn với lợi ích cho cả doanh nghiệp của họ và thị trường. Để có thể làm được như vậy, họ nên học hỏi từ các tổ chức dẫn đầu.

Bà Jennifer Steinmann - Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn phát triển bền vững, Deloitte Toàn cầu đánh giá, các công ty nhỏ đã sẵn sàng để tận dụng động lực thị trường rộng lớn hơn bằng cách dựa trên kinh nghiệm hiện có để thực hiện các hành động đột phá, chẳng hạn như cơ cấu lại hoạt động, cơ sở hạ tầng và/hoặc chuỗi cung ứng để có khả năng chống chịu với khí hậu tốt hơn, đáp ứng các tiêu chí bền vững cụ thể. Việc gia tăng hành động sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu khí hậu chung trên toàn cầu.

Deloitte khuyến nghị, các DN xây dựng chiến lược dựa trên những thế mạnh chính. Một số công ty có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới trong nền kinh tế phát thải thấp (kinh doanh bền vững) từ các tấm pin mặt trời, xe điện, thực phẩm tái tạo và các dự án loại bỏ carbon. Một số DN khác tích hợp phát triển bền vững vào các quy trình chính và tăng cường ảnh hưởng của họ với các nhà cung cấp và đơn vị hoạch định chính sách (DN bền vững).

Ngoài ra, DN có thể xem xét toàn bộ những cách thức kiến tạo tác động. Các tổ chức nên suy nghĩ bao quát về cách họ có thể mở rộng phạm vi của các nỗ lực bền vững, bao gồm với khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, nhà hoạch định chính sách, tổ chức phi chính phủ và thành viên cộng đồng. Mức độ ảnh hưởng và khả năng lựa chọn các hành động bền vững của một tổ chức có thể lớn hơn nhận thức ban đầu.

Để mở rộng phạm vi tiếp cận, DN nên hợp tác với nhiều bên liên quan, thậm chí cả đối thủ cạnh tranh để khuyếch đại các tác động bền vững. Hợp tác trong chuỗi cung ứng có thể thúc đẩy cải tiến toàn ngành và khuyến khích đổi mới. Ví dụ, làm việc với các nhà cung cấp để giúp đáp ứng các tiêu chí bền vững, từ đó có thể nâng cao hiệu suất môi trường tổng thể của sản phẩm. Hợp tác với các cơ quan quản lý giúp định hình các chính sách hỗ trợ, trong khi hợp tác với các đối thủ cạnh tranh có thể thúc đẩy việc thiết lập tiêu chuẩn và thông lệ hàng đầu về tính bền vững. Khi nhu cầu thị trường và yêu cầu pháp lý tiếp tục phát triển, những công ty chủ động đưa tính bền vững vào trọng tâm hoạt động kinh doanh có khả năng định vị tốt hơn để phát triển mạnh trong tương lai./.

Cùng chuyên mục
Làn sóng mới trong hành động vì khí hậu của doanh nghiệp