LTS: Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm xuyên suốt của Đảng về chống lãng phí, nhất là trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực thì chống lãng phí đã được Đảng ta nhận diện và xác định là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất; chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận quan tâm theo tinh thần: Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực, xác định rõ trách nhiệm xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cùng với cả hệ thống chính trị, Kiểm toán nhà nước - “thanh bảo kiếm” của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không chỉ quyết liệt phòng ngừa, chống lãng phí từ nội ngành mà thông qua hoạt động kiểm toán đã tích cực phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh hành vi lãng phí, tiêu cực; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nguồn lực công, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
(BKTO) - Mặc dù đã được nhận diện, được quán triệt, thực hiện nghiêm túc qua các thời kỳ, tuy nhiên, khi kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu thì những biểu hiện mới của “lãng phí” cũng xuất hiện với những hệ lụy nhức nhối hơn, và nghiêm trọng hơn là đe dọa trực tiếp đến mục tiêu vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới…
Chống lãng phí: Khi ý Đảng hợp với lòng dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của của Nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, gây mất lòng tin trong Nhân dân, làm ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Từ đó, Người yêu cầu “phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta”.
Hàng loạt công trình, dự án được đầu tư nghìn tỷ “năm phơi nắng, phơi mưa”
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”, là kẻ thù của Nhân dân. Xác định lãng phí là một thứ “giặc nội xâm” rất nguy hiểm, nên việc chống tham ô, lãng phí luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.
Theo yêu cầu của Người, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải được xem là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Nhiệm vụ này phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, triệt để. Trong Di chúc của mình, Bác cũng không quên căn dặn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của Nhân dân”.
Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng lại rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ. Có khi còn tai hại hơn tham ô.
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Đảng đã nhận định, lãng phí rất đa dạng, song tựu chung là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả, để lại hệ lụy khôn lường. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí như: Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Ngày 30/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và công bố Quyết định của Bộ Chính trị về bổ sung chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng chống lãng phí
Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ đó tạo cơ sở đồng bộ, điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, ngành, các cơ quan và mỗi người dân.
Bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cũng như các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung về phòng, chống lãng phí. Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã khẳng định vai trò, vị trí, những đóng góp quan trọng của hệ thống Mặt trận các cấp trong việc thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Trong bài viết về “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai.
Lãng phí là “giặc nội xâm”, gây hại hơn tham nhũng
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong những năm qua, thực tế cũng cho thấy vấn nạn lãng phí ngày càng trở nên trầm trọng, phổ biến trên hầu hết các lĩnh vực. Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, người đứng đầu Đảng ta đã phải thốt lên: Lãng phí “thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với tham nhũng, tiêu cực”.
Không né tránh, không vòng vo, Đảng ta nhìn thẳng vào thực tế và chỉ rõ: Nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa sâu sắc, đầy đủ; có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm; một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng...
Nhận diện vấn đề này, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Lâu nay, họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
"Có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, của Nhà nước không hiệu quả. Thực tế, còn có lãng phí về cơ hội và thời gian, mà theo chuyên gia nhận định, đây mới là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người" - Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.
Trước đó, Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: Chính sách, pháp luật, nhất là chế độ quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, đấu thầu chưa hoàn thiện, còn bất cập. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có liên quan đến vấn đề này còn chậm…
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm: Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau như: Thủ tục hành chính rườm rà; một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực; quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, tài sản công, ngân sách, đầu tư công... chưa hiệu quả, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.
Đó là thực tế! Từ lãng phí thời gian, cơ hội, nhân lực, đến lãng phí những nguồn lực hữu hình là tài chính công, tài sản công… đã được Quốc hội chỉ ra, khi thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Đơn cử, về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, giai đoạn 2016-2021 đã phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ với tổng giá trị được kiến nghị thu hồi và bồi thường là 894,1 tỷ đồng.
Còn về tài sản công, có đến gần 7.000 phương tiện đi lại, 33.608 tài sản khác được trang bị, hàng trăm nghìn mét vuông diện tích trụ sở, nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ.
Đặc biệt, vẫn còn 650.624.498 m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ là hơn 242 tỷ đồng.
Hay như tình trạng giao dự toán, phân bổ ngân sách chậm, chi chuyển nguồn lớn… vốn là những bất cập được KTNN chỉ ra nhiều năm qua, và luôn là chủ đề “nóng” trong mỗi kỳ Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, song vẫn chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn…
Đó còn là câu chuyện đầu tư cho khoa học, công nghệ (KHCN) với những đề tài nghiên cứu hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng nhưng “xếp ngăn kéo”, không được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Theo Báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp Bộ, cấp cơ sở và các nhiệm vụ khác là hơn 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tính riêng các nghiên cứu cấp quốc gia bị dừng thực hiện, không nghiệm thu là 86 nhiệm vụ. KTNN cũng chỉ rõ, tại Bộ KHCN, các dự án sản xuất thử nghiệm được giao cho đơn vị thực hiện từ các năm 2006-2010 đã thu hồi nhưng chưa nộp trả ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng…
Nhìn vào những “con số biết nói” trên để hình dung, sự lãng phí nguồn lực lớn đến nhường nào!
Cần làm rõ nguy cơ thất thoát, lãng phí từ việc xử lý, thu hồi tài sản hình thành trong quá trình nghiên cứu, đầu tư về KHCN. Bởi, theo kết quả kiểm toán, giá trị tài sản chưa được xử lý lớn, số liệu tổng hợp đến hết năm 2020 là 1.032 tỷ đồng.
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
“Điểm nghẽn” thể chế - lãng phí niềm tin, cản trở sự phát triển
Phát biểu tại phiên khai mạc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.
“Điểm nghẽn” thể chế làm lãng phí niềm tin, cản trở sự phát triển của đất nước
Theo Tổng Bí thư, chất lượng xây dựng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; nhiều quy định còn chồng chéo, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. Nguy hiểm hơn, khi văn bản pháp luật ban hành mà không đi vào thực tế còn gây “lãng phí” niềm tin trong Nhân dân.
Cùng với đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy đã được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập. Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng chéo, giữa lập pháp và hành pháp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Hiện có 9 dự án trong lĩnh vực xây dựng; 22 dự án trong lĩnh vực điện lực, công nghiệp than khoáng sản; 15 dự án trong lĩnh vực giao thông; 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục; văn hóa, thể thao, du lịch; 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp là những dự án cần được quan tâm về vấn đề lãng phí.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông
Minh chứng thêm cho nhận định trên, qua công tác kiểm toán năm 2023, KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp của 198 văn bản. Trong đó, một số văn bản hướng dẫn thực hiện đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn bất cập, hạn chế gây khó khăn trong tổ chức, triển khai thực hiện.
Điển hình như trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng quy định “Có ít nhất 1 mô hình nông thôn thông minh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể” song các Bộ, ngành liên quan chưa ban hành các hướng dẫn cụ thể dẫn đến các tỉnh, còn lúng túng khi thực hiện xây dựng các tiêu chí và không đồng nhất về số lượng và nội dung các tiêu chí.
Sau 30 năm thành lập và phát triển, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý gần 740.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40%. Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục "lỗ hổng" về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Nhìn nhận thực trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp.
“Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa vừa qua là tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát, tích cực, trách nhiệm, nhưng cũng cho thấy sự hạn chế trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - đại biểu cho biết.
Một dạng thức khác, đó là nhiều quy định được ban hành chuẩn, song bị thực hiện méo mó. Thực tế, để một dự án luật được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và có hiệu lực thi hành, các cấp, các ngành đã phải dành nhiều công sức, thời gian để xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo quy trình. Tuy nhiên, khi luật có hiệu lực mà khâu tổ chức thực hiện, áp dụng không tốt, thì không những không giải quyết được vấn đề bức xúc của thực tiễn đặt ra, mà còn gây lãng phí công sức, trí tuệ tập thể.
Cùng với Quốc hội, cơ quan Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện tốt vai trò giám sát phản biện xã hội góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Vì vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, kiểm tra giải quyết thủ tục hành chính; thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt “có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế, cản trở phát triển kinh tế - xã hội” - đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) nêu quan điểm.
Vấn nạn lãng phí được biểu hiện cụ thể ra sao, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là vai trò của KTNN trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian qua như thế nào, Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục đăng tải trong các kỳ tiếp theo./.
(BKTO) - Xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động kiểm toán, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện tốt công tác này, qua đó ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của KTNN trong hệ thống chính trị là công cụ đắc lực của Đảng và Nhà nước trong PCTNLPTC.
(BKTO) - Cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước sông Mê Công có lẽ là một trong số rất nhiều cuộc kiểm toán đáng nhớ trong hành trình 30 năm phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Một cuộc kiểm toán với những hành trình thấm đượm bao gian nan, vất vả; những hành trình góp phần nâng tầm hợp tác, khẳng định vai trò, vị thế của KTNN Việt Nam trong cộng đồng ASOSAI...
(BKTO) - Kinh tế quý I đã có những tín hiệu khởi sắc. Thế nhưng, đằng sau những điểm sáng, sự thiếu chiều sâu nội lực vẫn là điều đáng quan ngại của nền kinh tế. Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) nội vẫn chồng chất khó khăn và có phần “lép vế” trước khối FDI, PGS, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta phải mạnh dạn cho phép những cơ chế rất mới…