BÀI 2: NHÂN LỰC - NGUỒN LỰC “VÀNG” ĐANG BỊ LÃNG PHÍ
(BKTO) - Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế...” cho thấy chủ trương của Đảng về tầm quan trọng của nguồn nhân lực là nhất quán, xuyên suốt. Song thực tiễn cho thấy, việc khai thác, sử dụng nguồn lực này ở cả khối công và tư còn bất cập, lãng phí, gây rào cản lớn tới sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên “vươn mình”.
Bộ máy cồng kềnh, cán bộ đùn đẩy, làm việc cầm chừng…
Theo báo cáo, giai đoạn 2022-2026, cả nước có 2.234.720 biên chế; trong đó có 336.328 biên chế cán bộ, công chức; 1.680.677 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố).

Nhìn vào con số trên, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, việc tinh gọn bộ máy thực hiện chưa hiệu quả trong thời gian qua khiến bộ máy nhà nước còn rất cồng kềnh, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Minh chứng là chi thường xuyên cho lương và các khoản theo lương chiếm tới 70% tổng chi ngân sách, theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Đáng nói hơn, theo nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà - mấy nhiệm kỳ gần đây, nhiệm kỳ nào Trung ương cũng có nghị quyết về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhưng có giai đoạn bộ máy lại phình ra, biên chế lại tăng thêm tới 96.000 người.
Trong bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Cùng với bộ máy cồng kềnh, ì ạch, vấn đề đáng báo động khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc là tình trạng nhiều cán bộ, công chức, những người hưởng lương ngân sách chưa thực sự tận tâm, chuyên chú với công việc, dẫn đến năng suất, hiệu quả giải quyết công việc không cao.
Dẫn kết quả giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, hạn chế, yếu kém về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, trình độ quản lý, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và cách thức tổ chức thực hiện mang tính chủ quan đã dẫn đến việc quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí nguồn nhân lực toàn xã hội với giá trị rất lớn.
Đặc biệt, tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, làm việc cầm chừng, né tránh… vẫn là vấn đề nhức nhối, khiến cho hiệu quả giải quyết công việc thấp từng được Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhiều lần chỉ ra.
Qua kiểm toán đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, KTNN đã góp phần lý giải rõ thực trạng trên là do sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền.
Đơn cử năm 2017, qua kiểm toán việc quản lý và sử dụng công chức, viên chức và quỹ lương năm 2016 tại 13 Bộ, ngành và 47 địa phương, KTNN đã phát hiện tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao, làm tăng chi ngân sách nhà nước 859 tỷ đồng...
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong các năm 2022, 2023, qua kiểm toán, KTNN tiếp tục chỉ ra tình trạng địa phương bố trí dự toán chưa xem xét đến việc cắt giảm chỉ tiêu biên chế, sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; giao biên chế, kinh phí cho đơn vị không được giao chỉ tiêu hợp đồng, số lượng biên chế hoặc không có quy định…


Theo lãnh đạo KTNN chuyên ngành III, những hạn chế, bất cập này khiến tổ chức bộ máy cồng kềnh; công tác quản trị, bố trí vị trí việc làm chưa hiệu quả. Trong khi đó, việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; thậm chí có nơi còn để xảy ra sai phạm trong vấn đề này.
Cần một cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, con người
Từ những phát hiện qua kiểm toán, KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm đầu mối, tinh gọn theo các Nghị quyết của Trung ương; thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế thanh toán theo đặt hàng, từ đó nâng cao tính chủ động, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ…

Đây cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đặt ra khi thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết, có Bộ trưởng nói rằng, nếu Bộ đó giảm 30-40% biên chế “cũng không có hề hấn gì”. Thực trạng đó thực sự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lãng phí trong sử dụng nguồn lực con người, đòi hỏi cần phải đẩy nhanh hơn nữa công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.
Bởi, “nếu giảm biên chế, sẽ giảm được người sách nhiễu và tăng được lương cho cán bộ mẫn cán. Cán bộ sẽ chuyên nghiệp và làm việc hiệu quả hơn” - đại biểu khẳng định.
Với quan điểm, nhân lực khu vực công phải tiếp tục nâng tầm, định hướng và dẫn dắt cho xã hội phát triển bền vững, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng, trên cơ sở định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước cần đồng thời tiến hành việc tinh gọn bộ máy, song song với bổ sung biên chế ở những khu vực, địa bàn cần thiết chứ không thể cào bằng; xây dựng tiêu chí khoa học cụ thể trong việc phân bổ nhân lực và cả nguồn lực cho khu vực công một cách hiệu quả hơn nữa.
Sắp xếp, tinh gọn là giải pháp duy nhất để phát huy tốt mọi nguồn lực, đưa đất nước phát triển, song theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn - điều này là không dễ thực hiện. Bởi “Những người “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, hạn chế và yếu về năng lực thì chẳng bao giờ xin nghỉ việc, trừ khi cơ quan đưa họ vào diện tinh giản biên chế. Điều này dẫn đến chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất lượng dịch vụ công sẽ có nguy cơ giảm” - ông Tuấn cho biết.
Do đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: “Cần có một cuộc cách mạng về vấn đề này, và người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kịp thời đưa ra lời hiệu triệu, mệnh lệnh hành động để quyết tâm loại bỏ khối “ung nhọt” lãng phí trong công tác cán bộ”.
Để không lãng phí nguồn lực “vàng”
Trong khi bộ máy nhà nước cồng kềnh, thì nguồn nhân lực nước ta cũng đứng trước nhiều thách thức báo động khi tình trạng lao động thiếu kỹ năng tay nghề; tình trạng thất nghiệp của lao động trẻ gia tăng, năng suất lao động thấp… Trong bối cảnh đất nước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường, những bất cập này dẫn đến nguy cơ lãng phí nguồn lực “vàng”, lãng phí cơ hội, vận hội mới để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Phản ánh vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho biết, nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động là 51,5 triệu người, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới là 67%. “Nếu chúng ta không có chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng sẽ tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ” - đại biểu trăn trở.
Thực tiễn cho thấy, hệ lụy từ việc thiếu định hướng trong đào tạo; thiếu đào tạo, đào tạo không đảm bảo chất lượng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao và có xu hướng trẻ hóa, xảy ra cả với lao động được đào tạo đại học trở lên. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tình trạng thất nghiệp của thanh niên vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 thanh niên thất nghiệp. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động, bởi lao động trẻ từng là thế mạnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Lao động thiếu kỹ năng tay nghề cũng dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách xa so với các nước trong khu vực. Theo Tổng cục Thống kê, tuy thời gian qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể với tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN là 5,97% trong giai đoạn 2016-2020, song, trong năm 2021, 2022, tốc độ này đã giảm xuống.
Bình quân tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của hai năm này đều không đạt chỉ tiêu Quốc hội ban hành. Năm 2022, 2023 năng suất đều tăng cao hơn so với năm trước đó, nhưng “năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất châu Á”.

Từ góc độ kiểm toán, KTNN chỉ ra bất cập hiện xuất hiện cả trong đào tạo nghề lẫn đào tạo trình độ đại học trở lên. Trong đó, việc triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương; các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao; công tác tổ chức đào tạo đại học tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ sở đào tạo còn nhiều bất cập.
Đơn cử như tình trạng trường mở ngành mới không dựa trên nhu cầu thực tiễn, dẫn đến cơ hội việc làm không cao; chương trình đào tạo còn nặng lý thuyết, người học thiếu kỹ năng thực tiễn… dẫn đến khi người học tốt nghiệp ra trường, đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp lại tốn thêm chi phí để đào tạo lại, thậm chí là đào tạo kiến thức căn bản.

Chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến người lao động không thể đáp ứng yêu cầu của thị trường là do công tác đào tạo, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) thẳng thắn cho rằng, chúng ta đang đào tạo tràn lan, đào tạo theo ý thích, đào tạo về những nhu cầu và lợi ích cá nhân trước mắt, thiếu sự định hướng, thiếu một tầm nhìn xa, lâu dài, đã gây ra một sự lãng phí về nguồn nhân lực vô cùng lớn cho xã hội.
Bởi vậy, theo nữ đại biểu, để khắc phục tình trạng này, bên cạnh những biện pháp quản lý chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước thì các trường đại học, gia đình cần quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh, giúp cho các em hiểu và lựa chọn đúng các ngành, nghề phù hợp với bản thân và phù hợp với nhu cầu xã hội.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho rằng, xu thế hội nhập sẽ kéo theo tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực rất cao, trong khi mức độ sẵn sàng của nguồn nhân lực còn thấp sẽ làm lãng phí cơ hội hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới.



“Điều quan trọng là những bất cập này đang được chính người đứng đầu Đảng ta nhìn ra và yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt. Đây là cơ sở, niềm tin để chúng ta có thể kỳ vọng những nút thắt này sẽ sớm được tháo gỡ” - ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỳ vọng.
Bên cạnh những lãng phí về nguồn nhân lực, lãng phí trong vấn đề quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở công được nhận diện là một trong những vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận xã hội đã được Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng nhận diện để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Nội dung này sẽ được Báo Kiểm toán phản ánh trong bài tiếp theo./.
BÀI 1. HỒI “TRỐNG LỆNH” PHÒNG, CHỐNG LÃNG PHÍ
BÀI 3: “ĐẤT KHÓC, NGƯỜI THAN” VÌ LÃNG PHÍ ĐẤT ĐAI
BÀI 4: LÃNG PHÍ ĐẦU TƯ CÔNG: CHƯA CÓ HỒI KẾT
BÀI CUỐI: CHỐNG LÃNG PHÍ PHẢI TRỞ THÀNH NHIỆM VỤ CẤP BÁCH, THƯỜNG XUYÊN
