BÀI 3: “ĐẤT KHÓC, NGƯỜI THAN” VÌ LÃNG PHÍ ĐẤT ĐAI

(BKTO) - Trụ sở 2.000 m2 “đất vàng” giữa TP. Đông Hà (Quảng Trị) bị bỏ hoang, 8 năm chờ “sắp xếp tổng thể”. Câu chuyện trên được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng mang đến nghị trường Quốc hội cùng với hàng loạt những bất cập trong sắp xếp, sử dụng nhà đất, trụ sở công được chỉ ra qua công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát thời gian qua cho thấy tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai đã và đang là thực trạng báo động.

“Đất vàng” bỏ hoang gây lãng phí, thất thu ngân sách

Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ở nhiều nơi, việc sử dụng đất lãng phí, hiệu quả thấp diễn ra phổ biến, dai dẳng qua nhiều năm chưa được xử lý.

4.jpg
Đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực do Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn - thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa

Phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, ĐBQH Hà Sỹ Đồng phản ánh: Trụ sở của Tòa án nhân dân TP. Đông Hà có tòa nhà 3 tầng, diện tích hơn 2.000 m2 “đất vàng”, tọa lạc tại vị trí đắc địa bị bỏ hoang từ năm 2016 đến nay. Tỉnh Quảng Trị và Tòa án nhân dân tối cao đã đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép bán đấu giá hoặc chuyển cho địa phương quản lý. Thế nhưng, qua 8 năm chỉ nhận được câu trả lời là “đang chờ sắp xếp tổng thể”.

“Công trình này đang gây ra hoang hóa, mất mỹ quan đô thị, gây lãng phí tài sản lớn; đồng thời gây phản cảm, bức xúc trong dư luận, cử tri” - đại biểu nói và đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý dứt điểm vấn đề tài sản công, trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương đã xây mới hoặc chuyển đi nơi khác.

Đây chỉ là một ví dụ điển hình trong muôn vàn bất cập, lãng phí trong sử dụng nguồn lực đất đai, diễn ra dai dẳng suốt nhiều năm qua. Ngay tại Hà Nội, dù tấc đất được ví như tấc vàng, song nhiều khu đất có vị trí đắc địa bậc nhất Thủ đô hiện cũng đang trong tình trạng quây tôn, cỏ mọc um tùm suốt hàng chục năm qua chờ “giải cứu”. Trong đó phải kể đến khu “đất vàng” số 94 phố Lò Đúc phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) từng là nhà máy rượu Hà Nội, nay bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí.

Thậm chí, nhiều dự án đô thị đã thành hình, song không được bàn giao đưa vào sử dụng khiến nhiều công trình xuống cấp theo thời gian, trong khi nhiều người dân không có nhà để ở. Điển hình như 3 tòa nhà tái định cư N3, N4, N5 cao 6 tầng, với 150 căn hộ trong Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, TP. Hà Nội) do Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư. Dù nằm ở vị trí đẹp, thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại nhưng hiện, toàn bộ quỹ nhà này vẫn bị bỏ hoang. Khung cảnh hoang tàn, hạ tầng xuống cấp khiến không ít người xót xa.

chum-anh-mau4(1).png
Trong khi nhiều người dân không có nhà để ở, 3 tòa nhà tái định cư N3, N4, N5 cao 6 tầng, với 150 căn hộ trong Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, TP. Hà Nội) do Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư lại bỏ hoang phí

Lượng hóa tình trạng lãng phí này, kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Quốc hội chỉ rõ: có 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc; 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng; có 74.378,7 hecta đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, nhiều dự án nhà tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng. Tại thời điểm giám sát, Hà Nội còn 1.947 căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà. TP. Hồ Chí Minh cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, rất ít người ở... Việc xác định giá trị để giao tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia cho đối tượng quản lý còn rất chậm, dẫn đến thất thoát, lãng phí, thất thu NSNN.

Nhìn nhận thực trạng này, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Một mét vuông đất bị lãng phí là một cơ hội phát triển bị đánh mất. “Đất không tự mọc ra, lãng phí là trọng tội.” - GS. Đặng Hùng Võ thẳng thắn nhận định. Do đó, nếu không xử lý nghiêm - kể cả thu hồi, đấu giá lại, hoặc thay thế chủ đầu tư yếu kém - thì hàng chục năm tới, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục phải chứng kiến những “nghĩa địa bê tông” giữa lòng Thủ đô.

“Lùng nhùng” sắp xếp nhà, đất khiến “đất khóc, người than”

Một vấn đề đáng chú ý được nhắc đến trong báo cáo giám sát của Quốc hội, đó là công tác sắp xếp lại nhà, đất, trụ sở làm việc của các Bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa hiệu quả; số lượng nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ còn khá lớn. Việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ; sắp xếp, xử lý nhà, đất và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát...

chum-anh-mau-5.png
Nhiều trụ sở công nằm trên "đất vàng" bị bỏ hoang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Trên thực tế những bất cập trong sắp xếp nhà, đất không phải là vấn đề mới song chưa bao giờ hết “nóng”, bởi những vấn đề được Đoàn giám sát nêu lên là thực trạng đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) phát hiện qua công tác kiểm toán trong nhiều năm. Tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, KTNN chỉ rõ, một số Bộ, ngành, địa phương chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp về nhà, đất kéo dài qua các năm. Nhiều Bộ, ngành chưa hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Kết quả kiểm toán năm 2023 tiếp tục “điểm danh” TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, Bộ Tài chính chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất. Riêng Bộ Tài chính còn tới 426 cơ sở nhà, đất chưa lập phương án sắp xếp; trong đó có 164 cơ sở nhà, đất chưa kiểm tra lập biên bản kiểm tra hiện trạng nhà, đất.

Tại Bộ Công Thương, nhiều đơn vị chưa thực hiện việc chuyển từ giao đất sang thuê đất để kê khai và nộp tiền thuê đất; chưa kê khai nộp thuế đất; 10 đơn vị sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết khi chưa được cho phép…

Trả lời chất vấn của trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc (khi đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính) cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, sắp xếp nhà, đất là một trong những “nút thắt” của cổ phần hóa, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai.

2.jpg
2.1.jpg
Khu “đất vàng” số 94 phố Lò Đúc phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) từng là nhà máy rượu Hà Nội, nay bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí.
2.2.jpg

Theo quy định pháp luật, trước khi chuyển sang cổ phần hóa, doanh nghiệp phải có sự sắp xếp nhà, đất để xác định tính hợp lý khi sử dụng. Tuy nhiên, việc này triển khai rất chậm do những vướng mắc về thủ tục, cơ chế. Trong khi đó, kết quả kiểm toán của KTNN về nội dung này cho thấy, trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai.

Sau cổ phần hóa, không ít đơn vị còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch.

Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra tình trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước được giao đất “vàng”, song quản lý, sử dụng kém hiệu quả, dẫn đến tình trạng đất bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài. Điển hình như qua kiểm toán năm 2023, KTNN nêu rõ Tổng Công ty Lương thực miền Bắc; Công ty CP Đầu tư xây dựng và Vật liệu Đồng Nai; Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân sử dụng đất không hiệu quả. Công ty CP Xây dựng và chế biến lương thực Vĩnh Hà, Bưu điện Tây Ninh để xảy ra tình trạng lấn chiếm…

Trong đó, câu chuyện về dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem Tower của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam “trơ gan cùng tuế nguyệt” dang dở suốt một thập kỷ qua là minh chứng rõ nhất cho sự lãng phí nguồn lực của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp nhà nước. 

do-va-trang-trich-dan-bai-dang-instagram.png
Đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tại địa bàn

Trăn trở về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cho rằng, việc khai thác, sử dụng đất đai còn lãng phí nhiều; điển hình là việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất là tài sản công của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn các địa phương còn chậm, dẫn đến chưa thể khai thác tối ưu, hiệu quả nguồn lực đất đai.

“Để "đất khóc, người than" có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lùng nhùng, vướng mắc trong việc phân định phạm vi, trình tự giữa việc sắp xếp, xử lý tài sản công với việc thu hồi đất” - đại biểu Nguyễn Thành Nam nói.

Trên cơ sở những quy định của pháp luật, đại biểu Nam đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục xem xét, giải quyết tạo điều kiện nhanh nhất cho các địa phương được thuận lợi khai thác quỹ đất trong phạm vi chỉ tiêu đã được phân bổ. Đồng thời, cần sớm chuyển giao các cơ sở nhà đất do Bộ, ngành đang quản lý nhưng không có nhu cầu sử dụng về địa phương, để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vị trí đã để hoang hàng chục năm.

Nan giải xử lý trụ sở dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính

Trong khi những lãng phí trong sắp xếp, sử dụng nhà đất chưa có giải pháp xử lý hiệu quả thì tình trạng bỏ hoang, lãng phí trụ sở, đất đai dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) đang là bài toán nan giải tại nhiều địa phương. Sắp xếp lại, tinh gọn ĐVHC là chủ trương đúng đắn, song nếu không có phương án xử lý sớm, hiệu quả thì hàng trăm, hàng nghìn công sở bỏ không, xuống cấp khiến người dân không khỏi bức xúc.

Những con số trong báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho thấy rõ hơn sự lãng phí này. Với cấp huyện, Chính phủ cho biết, có 359 trụ sở làm việc phải sắp xếp, trong đó dôi dư 109 trụ sở. Tính đến tháng 5/2024, còn 52 trụ sở (gần 48%) chưa được xử lý. Còn tại cấp xã hiện dôi dư 755 trụ sở và còn tới 297 trụ sở (gần 40%) chưa được xử lý.

Chính phủ đánh giá, việc bố trí, sử dụng các trụ sở dôi dư chưa hiệu quả. Hay nói cách khác, đây chính là biểu hiện của lãng phí, như Đảng ta đã nhận diện và Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả; trong đó có sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước…”

Đơn cử, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo báo cáo, sau sáp nhập, sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021 có 537 công sở, nhà đất công dôi dư; trong đó chủ yếu là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn… Nhiều năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương giải quyết tình trạng công sở, nhà đất dôi dư song cho đến nay số xử lý được rất khiêm tốn, còn lại đang bỏ hoang, lãng phí đất đai, cơ sở hạ tầng.

“Để "đất khóc, người than" có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lùng nhùng, vướng mắc trong việc phân định phạm vi, trình tự giữa việc sắp xếp, xử lý tài sản công với việc thu hồi đất”

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Đại biểu tỉnh Phú Thọ)

phim-thi-thanh-tra.png

Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, trong giai đoạn 2019-2021, khi thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện, 1.056 ĐVHC cấp xã để giảm 8 ĐVHC cấp huyện và 651 ĐVHC cấp xã thì dôi dư 864 trụ sở. Đến thời điểm tháng 8/2024 mới giải quyết được 349 trụ sở, tương đương 40,39%. Tỷ lệ giải quyết tài sản dôi dư sau sắp xếp ĐVHC còn rất lớn.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng nguyên nhân lớn nhất là việc xác định giá đất, giá tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là phương pháp định giá và thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản. Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định số 67/2021/NĐ-CP, qua đó sẽ tháo gỡ được những vấn đề căn cốt nhất cho các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp tài sản dôi dư. Vì vậy, các địa phương cần tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ sở, điều kiện, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc sắp xếp tài sản dôi dư.

Tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về việc đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2023, tập trung rà soát để đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên phạm vi cả nước; có các giải pháp xử lý cơ bản các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa.

5.1-dai-bieu-ha-sy-dong-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-quang-tri-.jpg
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị)
5.-doan-dbqh-tinh-quang-tri-giam-sat-tinh-trang-gay-ra-su-lang-phi-cac-tru-so-nha-dat-cua-cac-co-quan-trung-uong-dong-tren-dia-ban.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị giám sát tình trạng gây ra sự lãng phí các trụ sở nhà đất của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn

Bên cạnh việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công không đúng mục đích, không phát huy hiệu quả gây lãng phí, thực trạng “có tiền mà không tiêu được”, các dự án đầu tư công đội vốn lớn, chậm tiến độ gây lãng phí sẽ là nội dung được Báo Kiểm toán đề cập trong kỳ tiếp theo./.

BÀI 1. HỒI “TRỐNG LỆNH” PHÒNG, CHỐNG LÃNG PHÍ

BÀI 2: NHÂN LỰC - NGUỒN LỰC “VÀNG” ĐANG BỊ LÃNG PHÍ

BÀI 4: LÃNG PHÍ ĐẦU TƯ CÔNG - CÂU CHUYỆN CHƯA CÓ HỒI KẾT

BÀI CUỐI: CHỐNG LÃNG PHÍ PHẢI TRỞ THÀNH NHIỆM VỤ CẤP BÁCH, THƯỜNG XUYÊN

bai-3.png
Bài liên quan
  • Không để lãng phí nguồn lực, kinh nghiệm từ các ban quản lý dự án
    (BKTO) - Cân nhắc thấu đáo công tác phân cấp, phân quyền các dự án về cho địa phương làm chủ quản, song song với việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy một cách khoa học, hợp lý ở các Ban quản lý dự án (QLDA) thuộc Bộ Xây dựng sẽ góp phần đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình, tiến tới hoàn thành các mục tiêu mà Đảng, Chính phủ đã đặt ra đối với ngành giao thông.
    Phát huy vai trò “thanh bảo kiếm” trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
    (BKTO) - Xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động kiểm toán, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện tốt công tác này, qua đó ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của KTNN trong hệ thống chính trị là công cụ đắc lực của Đảng và Nhà nước trong PCTNLPTC.
Cùng chuyên mục
  • Bài 2: Nhân lực - nguồn lực “vàng” đang bị lãng phí
    7 tháng trước Emagazine
    (BKTO) - Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế...” cho thấy chủ trương của Đảng về tầm quan trọng của nguồn nhân lực là nhất quán, xuyên suốt. Song thực tiễn cho thấy, việc khai thác, sử dụng nguồn lực này ở cả khối công và tư còn bất cập, lãng phí, gây rào cản lớn tới sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên “vươn mình”.
  • Lãng phí là có tội với dân
    7 tháng trước Emagazine
    (BKTO) - Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm xuyên suốt của Đảng về chống lãng phí, nhất là trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực thì chống lãng phí đã được Đảng ta nhận diện và xác định là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất; chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận quan tâm theo tinh thần: Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực, xác định rõ trách nhiệm xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.
  • Nhớ mãi cuộc kiểm toán hợp tác năm ấy
    một năm trước Emagazine
    (BKTO) - Cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước sông Mê Công có lẽ là một trong số rất nhiều cuộc kiểm toán đáng nhớ trong hành trình 30 năm phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Một cuộc kiểm toán với những hành trình thấm đượm bao gian nan, vất vả; những hành trình góp phần nâng tầm hợp tác, khẳng định vai trò, vị thế của KTNN Việt Nam trong cộng đồng ASOSAI...
  • Tháng Tư, ngược dòng Tây Đô giữa sắc đỏ cờ hoa
    một năm trước Emagazine
    (BKTO) - Những góc phố thị khang trang, những tòa nhà cao tầng và cả những đại lộ giao cắt đan xen dọc ngang thành phố, đời sống của người dân ngày càng ấm no, sung túc… Đó là diện mạo của Cần Thơ - mảnh đất Tây Đô đã đi vào thi ca, nhạc họa, điện ảnh, mảnh đất đang từng bước khẳng định là cửa ngõ giao thương, kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.
  • Mạnh dạn cho phép những cơ chế rất mới để “cứu” doanh nghiệp
    một năm trước Emagazine
    (BKTO) - Kinh tế quý I đã có những tín hiệu khởi sắc. Thế nhưng, đằng sau những điểm sáng, sự thiếu chiều sâu nội lực vẫn là điều đáng quan ngại của nền kinh tế. Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) nội vẫn chồng chất khó khăn và có phần “lép vế” trước khối FDI, PGS, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta phải mạnh dạn cho phép những cơ chế rất mới…
Bài 3: “Đất khóc, người than” vì lãng phí đất đai