BÀI CUỐI: CHỐNG LÃNG PHÍ PHẢI TRỞ THÀNH NHIỆM VỤ CẤP BÁCH, THƯỜNG XUYÊN
(BKTO) - Với những biểu hiện và tác hại của lãng phí được nhận diện trên các lĩnh vực, Đảng ta xác định, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, song song với chống tham nhũng. Để tạo sự chuyển biến đột phá trong công tác này, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cấp, các ngành phải quyết liệt triển khai các giải pháp trọng tâm về phòng, chống lãng phí; xây dựng văn hóa tiết kiệm, phòng đi đôi với chống lãng phí, tăng cường giám sát, xử lý nghiêm vi phạm…
Bắt đầu từ hoàn thiện thể chế, chính sách…
Trăn trở trước thực trạng lãng phí còn nhức nhối, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và lỡ cơ hội phát triển đất nước, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay công tác trọng tâm đột phá về phòng, chống lãng phí (CLP), trọng tâm là đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

“Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, thực tế thời gian qua, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng, trong đó có Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt những kẽ hở trong cơ chế, chính sách, những “điểm nghẽn” rào cản ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế - xã hội, từ đó kiến nghị hoàn thiện, “bịt” lỗ hổng, góp phần ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Điển hình như trong vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, KTNN chỉ rõ, việc xác định giá trị nhà đất không chính xác là nguyên nhân hàng đầu gây thất thoát vốn nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang được giao quản lý sử dụng những địa điểm “đất vàng” có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng giá trị doanh nghiệp lại được định giá rất thấp... Những bất cập này đã được KTNN kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý để ngăn chặn nguy cơ thất thoát, lãng phí sau cổ phần hóa.

Hay như tình trạng lãng phí do bất cập của hệ thống tiêu chuẩn, định mức. Từ thực tiễn kiểm toán, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Vũ Thanh Hải cho biết, hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều tiết của nhiều luật, trong khi hệ thống văn bản về quản lý dự án còn những bất cập, chồng chéo, chưa đầy đủ, thiếu sự đồng bộ, dẫn đến việc vận dụng trong thực tế còn có sự khác nhau. “Hệ thống định mức, đơn giá có vai trò rất quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh tế, chống thất thoát, lãng phí, song vẫn còn một số bất cập như: Hệ thống định mức chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn đổi mới; đơn giá xây dựng chưa phù hợp giá thị trường tại các khu vực… gây khó khăn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng” - ông Hải thông tin.
Thực tế trên cho thấy, việc rà soát, hoàn thiện thể chế, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp và khả thi là yêu cầu tiên quyết để phòng, CLP từ “gốc”. Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, để khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, cần phải tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng minh bạch, chặt chẽ, đầy đủ và đồng bộ; tăng cường quản lý nhà nước về tài chính công, tài sản công theo hướng gắn trách nhiệm với quyền hạn và nghĩa vụ, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, CLP…

Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, để nhận diện và xử lý triệt để lãng phí, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành quy định nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí; đồng thời nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, CLP nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) chỉ rõ, Luật Thực hành tiết kiệm, CLP đã quy định về trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu, xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. “Nếu chúng ta CLP thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới” - đại biểu nói và cho rằng, muốn CLP thì trước tiên phải có khung quy định phù hợp, đủ tính răn đe để các đối tượng “sợ mà không dám gây lãng phí”.
Đến tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi lãng phí, tiêu cực
Cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật, “bịt” lỗ hổng chính sách để phòng, CLP, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Tiết kiệm, CLP phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện CLP; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) lưu ý, sau khi giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, CLP năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15, trong đó có danh mục 51 dự án đầu tư có vấn đề, 13 dự án trọng điểm bị chậm trễ, 19 dự án để hoang hóa, 880 dự án chậm đưa đất đai vào sử dụng. “Đây là cơ sở hết sức quan trọng. Trước khi hình thành văn hóa CLP trong người dân, doanh nghiệp thì cần phải xử lý dự án trong danh mục đã được Quốc hội chỉ ra để vừa làm gương, cảnh tỉnh, đồng thời, cũng cắt đi phần lãng phí lâu nay tồn tại” - đại biểu bày tỏ.
Công cuộc phòng, CLP cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giải quyết kịp thời các vụ việc dư luận quan tâm, nhân dân bức xúc. Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan trong các khâu thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, từ đó thực hiện hiệu quả công tác phòng, CLP, tiêu cực. Tinh thần này đã và đang được KTNN cụ thể hóa thông qua việc tập trung kiểm toán các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... Trung bình mỗi năm, KTNN thực hiện khoảng 250 cuộc kiểm toán, qua đó đã phát hiện những hiện tượng, dấu hiệu lãng phí, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực công và kiến nghị chấn chỉnh hoặc chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định, tạo sự răn đe, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm.
Để công tác thực hành tiết kiệm, CLP ngày càng thực chất, hiệu quả, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật về CLP; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính; khắc phục triệt để các vi phạm đã được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm toán; có chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện, đặc biệt là đối với các kiến nghị tồn đọng nhiều năm.
Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về CLP, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 01/12/2024 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, CLP. Thủ tướng yêu cầu tập trung kiểm tra, giám sát các lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.

Để tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác CLP, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong tham gia giám sát, phản biện xã hội. Với vai trò nòng cốt chính trị, MTTQ các cấp cần chú trọng việc vận động nhân dân tham gia chủ động, tích cực và có hiệu quả trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện quy định về nêu gương trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiến nghị sửa đổi cơ chế, quy định để tạo điều kiện và phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng...
Đồng thời, MTTQ Việt Nam các cấp cần thường xuyên lắng nghe, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về những địa chỉ lãng phí và giám sát việc giải quyết; nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý kiến, nhất là trước các kỳ họp Quốc hội và HÐND các cấp, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí.
“Mặt trận phải là nơi vận động, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí và là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh các hiện tượng tham nhũng, lãng phí xảy ra trên địa bàn” - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí - giải pháp căn cơ, gốc rễ
Hiện nay, đất nước ta đang đứng trước cơ hội lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: Ðây là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta.
Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu: Phải xây dựng văn hóa phòng, CLP; đưa thực hành tiết kiệm, CLP trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, CLP trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, CLP, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là quan điểm rất đúng đắn, là lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng, bởi đất nước ta đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh và chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển bền vững, nếu lãng phí tài nguyên như đất đai, nhân lực và tài chính, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia, làm chậm quá trình phát triển đồng thời, làm gia tăng gánh nặng cho các thế hệ tương lai. Việc xây dựng văn hóa phòng, CLP là chính giải pháp căn cơ, đảm bảo sự phát triển dài hạn, từ đó, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Trao đổi vấn đề này với báo giới, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, hiện nay, phòng, CLP cũng là một phần của cuộc chiến chống tiêu cực. Lãng phí trong quản lý tài sản công, đầu tư công... là biểu hiện tiêu cực gây mất niềm tin vào hệ thống quản lý nhà nước. Do đó, xây dựng văn hóa phòng, CLP sẽ giúp củng cố lòng tin của người dân vào nhà nước, tạo ra một môi trường công khai, minh bạch và trách nhiệm.



Theo ông Bùi Hoài Sơn, để xây dựng văn hóa phòng, CLP trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của đất nước, cần nhiều nỗ lực đồng bộ từ cả chính quyền lẫn người dân. Trong đó, việc nâng cao nhận thức là điều cốt lõi. "Giáo dục về CLP cần được lồng ghép vào chương trình học và triển khai mạnh mẽ trong các chiến dịch truyền thông. Mỗi cá nhân đều cần hiểu rõ vai trò của mình trong việc tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ lợi ích chung" - ông Hoài Sơn nhấn mạnh.
Với tinh thần quyết tâm CLP “không có vùng cấm” và xây dựng văn hóa tiết kiệm, CLP lan tỏa rộng khắp, Nhân dân tin tưởng và kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm về công cuộc phòng, CLP sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Khi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành văn hóa của mỗi người, mỗi nhà, ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ là hành trang để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
BÀI 1. HỒI “TRỐNG LỆNH” PHÒNG, CHỐNG LÃNG PHÍ
BÀI 2: NHÂN LỰC - NGUỒN LỰC “VÀNG” ĐANG BỊ LÃNG PHÍ
BÀI 3: “ĐẤT KHÓC, NGƯỜI THAN” VÌ LÃNG PHÍ ĐẤT ĐAI
BÀI 4: LÃNG PHÍ ĐẦU TƯ CÔNG: CHƯA CÓ HỒI KẾT
